Để cây mía “ngọt” hơn với nhà nông: Bài 2: Giá mua tăng, diện tích mía vẫn giảm

Dù cây mía đã gắn bó với người dân từ nhiều thập niên nay, nhưng phải nhìn nhận rằng, vùng nguyên liệu cho chế biến đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Như năm nay, mặc dù giá thu mua mía đã được các nhà máy nâng lên đáng kể, song lợi nhuận của người trồng mía vẫn chưa tương xứng, giá vật tư phân bón các loại tăng phi mã. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh thị trường vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Niềm vui của người trồng mía là giá thu mua của nhà máy được nâng lên từ 800 nghìn đồng lên 1,1 triệu đồng/tấn. Song nếu đặt bút tính toán thì người trồng lại không mấy làm vui, bởi giá các loại phân bón tăng phi mã trong nhiều tháng qua, khiến chi phí đầu vào tăng cao, tác động đến tâm lý của nhà nông khi đầu tư trồng lại.

Lão nông Đặng Kim Luyến ở xã Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ) chia sẻ, hiện nay dù giá mía cao, nhưng kéo theo đó giá phân bón các loại tăng mạnh khiến nhiều gia đình vẫn e ngại. Tính toán giá phân bón các loại tại thời điểm này cho thấy, để đầu tư cho 1 ha mía, cần phải có: 500 kg NPK, 300 kg phân đạm, 300 kg phân lân và 400 kg ka li, tính với giá hiện tại là khoảng 17 triệu đồng, tăng so với trước khoảng 8 triệu đồng. Trong khi đó, nếu mía đạt năng suất 80 tấn/ha, so với giá của năm trước, thì năm nay tăng lên 16 triệu đồng là có lãi so với mức tăng của phân bón. Tuy nhiên, nếu mía đạt năng suất thấp thì người trồng mía càng thua lỗ. Qua khảo sát cho thấy, năm nay năng suất bình quân mía nguyên liệu ở các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn… trên dưới 60 tấn/ha. Do vậy, vấn đề căn cơ của cây mía nguyên liệu hiện nay là phải nâng cao năng suất.

Làm cỏ mía bằng máy. Ảnh: Thu Huyền
Làm cỏ mía bằng máy. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ) cho rằng, những năm trước, giá mía giảm sâu do thị trường đường giảm khiến người trồng không mấy mặn mà với cây mía nguyên liệu. Do vậy, diện tích mía trên địa bàn xã có giảm; trước đây bà con tận dụng cả vườn nhà để trồng mía, thì nay bà con chỉ trồng ngoài đồng, với diện tích hơn 60 ha, giảm khoảng 10 ha so với trước. Năm nay giá mía tăng nhưng nếu tính toán đầu vào – đầu ra thì người trồng mía vẫn chưa có lợi nhuận đáng kể, bởi giá phân bón tăng quá cao so với mức tăng của giá mía. Do vậy, người nông dân vẫn còn tâm tư với cây mía nguyên liệu.

Trước thực trạng giá phân bón có những loại tăng gấp đôi trong vòng 1 năm, người trồng mía trên địa bàn tỉnh cho rằng, Nhà nước cần phải có sự bình ổn giá phân bón. Nếu không duy trì được sự ổn định của giá phân bón thì rất khó có thể cải thiện được thu nhập cho bà con trồng mía, đặc biệt người dân không mặn mà đầu tư trồng mới. Chưa kể, mía là cây luân canh, chu kỳ phát triển chỉ kéo dài từ 3-4 năm, sau đó lại phải trồng mới. Chính vì thế, nếu không có sự ổn định, giá mía giảm xuống thì người dân lại phá bỏ trồng cam, quýt. Khi đó việc giữ vững diện tích quy hoạch, đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vấn đề khác mà bà con trồng mía tâm tư hiện nay chính là phần lớn diện tích canh tác mía là vùng ven đồi núi, khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất còn hạn chế, trong khi thiếu lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, chính vì thế rất khó trong việc cắt giảm chi phí đầu tư để cho lợi nhuận cao nhất.

Ảnh: Thu Huyền - Xuân Hoàng
Ảnh: Thu Huyền - Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng: Do đặc thù của vùng nguyên liệu mía là đất cao cưỡng, bãi đồi… nên từ trước đến nay hầu như chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi, vào mùa nắng nóng dễ bị gặp hạn. Trong năm 2017, huyện có chính sách hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích 5 ha mía ở các xã Giai Xuân, Nghĩa Phúc… nhưng hiệu quả không cao. Để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 1 ha mía là 20 triệu đồng nhưng bất cập ở chỗ, mỗi khi đưa cơ giới vào làm đất, trồng và thu hoạch mía là phải thu gọn cả hệ thống tưới, sau đó lắp đặt lại, khiến dễ hư hỏng và mất nhiều thời gian, nên không phù hợp.

Cái khó khác của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con là vùng nguyên liệu đang dần bị thu hẹp, nhất là địa bàn Tân Kỳ – vùng trọng điểm nguyên liệu của đơn vị. Do vậy, những năm qua, công ty đã phải mở rộng diện tích nguyên liệu sang các huyện khác: Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông… dẫn đến chi phí vận chuyển cao, do quãng đường từ vùng mía đến nhà máy xa.

Ông Quán Vi Giang cho biết thêm, thời tiết mưa nhiều, ngập úng vào các giai đoạn mía chín cũng làm ảnh hưởng đến độ đường, khiến giá mía bị giảm xuống. Giá thu mua mía nguyên liệu thấp, cộng thêm các khó khăn về nhân công lao động, hiệu quả kinh tế của người nông dân trồng mía chưa cao, tình trạng phá hợp đồng bán mía ra ngoài vẫn diễn ra, do sự chênh lệch về giá thu mua mía giữa các nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Đã có thời điểm các doanh nghiệp mía đường của Nghệ An đứng trước vô vàn khó khăn do cạnh tranh nguyên liệu giữa các nhà máy và vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp bởi các cây trồng khác. Trong khi đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn chưa chú trọng khâu liên kết trồng mía nguyên liệu, nhằm đảm bảo lợi ích cho người trồng…

Thu hoạch mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khi vùng nguyên liệu gặp khó khăn bởi chi phí đầu vào, năng suất thấp, các nhà máy không đủ nguyên liệu để hoạt động, phải hoạt động dưới công suất, thì đầu ra sản phẩm đường kính trong nước suốt thời gian qua chịu sự cạnh tranh không nhỏ. Sản phẩm đường của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đang bị áp lực cạnh tranh với thị trường đường của người ngoài khi nước ta gia nhập Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Trong đó, mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5%. Trước thực trạng sản lượng đường nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan, tồn kho trong nước lớn, thì các doanh nghiệp càng sản xuất nhiều càng có nguy cơ thua lỗ khi không bán được hàng và giá đường thấp.

Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 gây khó khăn lớn cho ngành Mía đường Việt Nam.

Nhà máy mía đường Sông Lam. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy mía đường Sông Lam. Ảnh: Thu Huyền

Thực tế cho thấy, năm 2019, cả nước chỉ còn 36 nhà máy đường, trong đó 17/36 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Chưa kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến lượng đường tiêu thụ khó, diện tích mía giảm do dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, trong khi giá đường thô, đường trắng thế giới có xu hướng tăng do giá dầu thô tăng vọt thì ở trong nước, thị trường đường tiếp tục chưa có khởi sắc, đường nội địa có xu hướng giảm sâu trước sức ép của đường tiểu ngạch. Nửa đầu tháng 2/2022, tổng lượng đường nhập khẩu về Việt Nam khoảng hơn 31,1 ngàn tấn, chủ yếu là nhập đường tinh luyện.

Ngược lại, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng. Lượng nhập năm 2020 tăng gần 340% so với năm 2019. Trong giai đoạn 2017 – 2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 – 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30 – 90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm; phần còn lại (10 – 70%) là đường nhập lậu.

Xung quanh đường Thái Lan nhập lậu, một số nước bán phá giá, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã làm cho giá đường trong nước được cải thiện, nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã tăng giá mua mía cho nông dân. Tới đây, các vấn đề công nghệ chế biến sâu cũng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực chế biến mía đường, nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành này phát triển.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty mía đường, gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân trồng mía. Vòng luẩn quẩn nguyên liệu – chế biến – tiêu thụ chưa được giải quyết khiến năng lực cạnh tranh của các nhà máy mía đường thấp, sản xuất kém hiệu quả dẫn tới đầu tư cho vùng nguyên liệu hạn chế, bà con nông dân không mặn mà…

Dây chuyền sản xuất đường tại Công ty Cổ phần mía đường Sông Con. Ảnh: Xuân Hoàng
Dây chuyền sản xuất đường tại Công ty Cổ phần mía đường Sông Con. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo Chi cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp &PTNT, nếu như năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An có 24.019,8 ha mía, năm 2020 có 19.828,6 ha, giảm 4.191,2 ha, thì đến năm 2021 còn 19.223,3 ha. Cụ thể: Tân Kỳ (3.171 ha), Nghĩa Đàn (7.160 ha), Quỳ Hợp (4.961 ha), Quỳ Châu (1.158 ha), Quỳnh Lưu (936 ha), Anh Sơn (949 ha)… Năng suất từ 56,13 tấn/ha (2016) tăng lên 59,04 tấn/ha (năm 2020), tăng 2,91 tấn/ha nhưng sản lượng giảm từ 1.348.355,4 tấn (năm 2016) xuống còn 1.170.620,8 tấn (năm 2020).

(Còn tiếp)