Để di sản được “sống”

Nhân 75 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hiện nay.

P.V: Thưa ông, được biết ông là 1 trong 13 thành viên của Hội đồng khoa học di sản tỉnh. Vậy ông có thể cho biết, chúng ta cần hiểu di sản theo nghĩa rộng như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Trước hết chúng ta cần phải hiểu di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học).

Việc gìn giữ và phát huy di sản đang được Đảng và Nhà nước, Nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Vì thế trong những năm gần đây chúng ta đang ra sức bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa; từ đó có những cách thức để vừa thụ hưởng di sản vừa bảo tồn cho muôn đời sau.

Ông Trần Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An giới thiệu các di sản ở gian trưng bày.
Ông Trần Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An giới thiệu các di sản ở gian trưng bày.

P.V: Vậy, nếu nói việc bảo tồn và phát huy di sản ở nước ta đang là một câu chuyện dài, thì cái khó trong bảo tồn phát huy các giá trị di sản hiện nay mấu chốt là ở đâu, theo quan điểm của ông?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Từ xa xưa, chúng ta đã xem việc gìn giữ bảo tồn các giá trị di sản là yêu cầu tiên quyết để xây dựng thương hiệu cho một quốc gia. Bởi, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà.

Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SLvề bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh xác định việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.

Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Sắc lệnh này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trước đó, năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 – điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản đang gặp những khó khăn nhất định. Đó là khó khăn về con người làm di sản, khó khăn về những nguồn lực khác. Và theo tôi, cái khó lớn nhất vẫn là cái khó về con người đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; thực hiện việc quản lý công tác bảo tồn di sản.

P.V: Theo tôi được biết, chúng ta hay nói nhiều về việc thiếu kinh phí đầu tư và tôn tạo các di sản để chúng được trường tồn trong đời sống, ít thấy nói thiếu về con người. Vậy theo quan điểm của ông, vai trò con người làm di sản quan trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Theo tôi ngân sách từ Trung ương đến tỉnh cấp cho việc bảo tồn và phát huy di sản hằng năm không phải là ít, bằng các nguồn giải ngân thông qua các đề án, bằng các nguồn xã hội hóa khác. Thế thì cái khó không đến từ yếu tố thiếu kinh phí. Điều tôi muốn nói là, gần đây, chúng ta thấy việc bảo tồn, duy tu, trùng tu một số di sản như đền, đình… đang bị sai lệch với nguyên bản một cách nghiêm trọng. Một số ngôi đền chùa người ta còn tháo dỡ khung nhà đền, nhà chùa để bán gỗ lim cổ, thay vào đó là mái gỗ đinh hương mới. Đó là là yếu tố con người. Con người không có vốn hiểu biết về di sản hoặc con người quá ẩu trong việc thực hiện công tác bảo tồn đã vô tình hay hữu ý đánh mất giá trị di sản.

Hoặc đối với những giá trị di sản phi vật thể, nhiều lễ hội khi được phục hồi đã đánh mất đi nét đẹp vốn dĩ của nó, thay vào đó là những thể thức của phần lễ, phần hội hợp thời, khiến sự linh thiêng gần gũi không còn. Đó cũng là yếu tố con người.

P.V: Thưa ông, quay trở lại việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, được biết Bảo tàng Nghệ An hiện lưu trữ hơn 3000 hiện vật, di tích, trong đó có 3 bảo vật quốc gia. Tuy sau nhiều năm “nằm dài” trong kho nay các di sản đã được trưng bày nhưng để phát huy được giá trị của nó vẫn còn nhiều băn khoăn. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Năm 2010 Bảo tàng được phê duyêt trùng tu nội ngoại thất với kinh phí lên tới 44 tỷ 200 triệu đồng, và 4 tỷ dự phòng. Việc đầu tư này mở ra những trang mới cho việc phát huy các giá trị di sản đang được lưu trữ và bảo quản ở bảo tàng. Thế nhưng, sau rất nhiều năm, nay chúng ta mới hoàn tất được các gian trưng bày với 5 chủ đề chính: “Nghệ An thiên nhiên và con người” (diện tích 390m²); Nghệ An thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước (250m²); “Nghệ An trong lịch sử dựng nước, giữ nước”; “Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc” và chủ đề “Nghệ An ngày nay”.

Dù nhiều di sản đã được trưng bày nhưng với 3000 hiện vật và có những chủ đề chúng ta phải thay đổi theo mùa như chủ đề Nghệ An thiên nhiên và con người, thế nên còn rất nhiều hiện vật đang ở chế độ lưu trữ trong kho. Nhưng lại nói đến việc bảo quản, chúng ta vẫn chưa có được chế độ bảo quản tốt nhất. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại của kho bảo quản. Hơn nữa con người làm công tác bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay ở Việt Nam chưa có bảo tàng nào có cán bộ đủ trình độ khoa học liên ngành, chuyên ngành về Sinh, Lý, Hóa… để làm công tác bảo quản tài liệu.

Tuy mở cửa từ cuối tháng 12/2019 nhưng lượt đón khách ở Bảo tàng vẫn chưa được như mong đợi, điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cách tư duy, cách làm bảo tàng của chúng ta đã quá cũ mòn. Điều đó biến bảo tàng thành không gian “chết”, thiếu sự hấp dẫn. Hơn nữa ngày nay trong nhiều sự lựa chọn về thụ hưởng các giá trị văn hóa thì phần lớn các bạn trẻ không chọn bảo tàng. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ và cần có cách điều chỉnh phù hợp.

P.V: Việc đang lưu trữ và bảo quản 3 bảo vật quốc gia, cực kỳ quý hiếm, được xem là lợi thế vô cùng to lớn của bảo tàng Nghệ An. Vậy thưa ông, tại sao đến nay 3 bảo vật này vẫn chưa được trưng bày để thu hút công chúng?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Chúng ta đang lưu trữ và bảo quản 3 bảo vật quốc gia đó là: Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (niên đại khoảng thế kỷ VII, VIII), Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi (niên đại cách đây khoảng 2000 đến 2500 năm) và Muôi đúc tượng voi (niên đại cách đây 2000 đến 2500 năm). Các bảo vật này được các chuyên gia đánh giá là có “giá trị vô giá”. Thế nhưng, hiện chúng ta vẫn chỉ cất trong két để bảo vệ các bảo vật đặc biệt nay, cũng bởi chưa có cơ sở vật chất ở chế độ bảo quản đặc biệt để bảo quản và trưng bày nó.

Rất may sau nhiều lần đề xuất, ngày 06/11/2020, UBND tỉnh đã ban hành công văn 7806/UBND – KGVX V/v chủ trương bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị 03 bảo vật quốc gia. Trong công văn này, UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương cho Bảo tàng Nghệ An được thực hiện bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị 03 bảo vật này. Và theo kế hoạch đến đầu năm 2021, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 3 bảo vật. Hy vọng đây là một nội dung mới, thu hút du khách đến với bảo tàng.

P.V: Để phát huy tốt giá trị di sản nói chung và các giá trị di sản hiện đang được lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng Nghệ An nói riêng, chúng ta cần hướng đến cách làm khả dĩ nào?

Ông Nguyễn Đức Kiếm: Theo tôi, để phát huy giá trị các di sản, chúng ta cần tuyên truyền để nhân dân nhất là các bạn trẻ hiểu được những giá trị vô giá của di sản. Đối với bảo tàng cần thay đổi tư duy làm bảo tàng, đầu tư trong cách trưng bày và tổ chức nhiều hoạt động “động” liên quan đến di sản. Nếu không thì bảo tàng cùng các di sản trong đó chỉ “tồn tại” chứ không phải “sống” và hiển nhiên không thể trở thành địa chỉ du lịch và sẽ không thu hút khách tham quan. Vì thế, cần có sự tuyên truyền, gắn kết, phối hợp, hợp đồng với các tổ chức làm du lịch. Mặt khác, cần chú trọng đội ngũ làm hướng dẫn viên, thuyết minh viên – những người thổi hồn cho di sản. Để bảo tàng là nơi nghiên cứu, giáo dục, giải trí, tham quan, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của công chúng, đồng thời có nguồn thu thông qua hoạt động kinh tế di sản, phải có sự đổi mới mang tính đột phá, đồng bộ trong tổ chức và hoạt động.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoạt động thực tế của học sinh thông qua tham quan tìm hiểu giá trị di sản.
Hoạt động thực tế của học sinh thông qua tham quan tìm hiểu giá trị di sản.