Để Nam Đàn thức dậy những tiềm năng

(Baonghean.vn) - Nói đến Nghệ An là nói đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Dù miền xuôi hay miền ngược, dù thị thành hay hải đảo xa xôi, ở đâu thì những người con đất Việt cũng đau đáu một lần trong đời được về thăm quê Bác.
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sách Nguyễn
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sách Nguyễn

Mỗi năm Nam Đàn đón hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước hành hương về thăm di tích. Đó là niềm vui, là niềm tự hào, đồng thời đó cũng là cơ hội. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến phát triển du lịch có lẽ không thể không “sốt ruột” với những con số thống kê mỗi ngày.

Bao nhiêu khách đến hình như cũng là bấy nhiêu khách đi. Hành trình về Kim Liên vẫn chỉ là quê ngoại Hoàng Trù, quê nội Làng Sen, một vài điểm dừng chân hay mua sắm sản vật quy mô nhỏ lẻ chắc hẳn vẫn chưa đủ độ say để níu chân lữ khách. Đã có không ít ý kiến của các chiến lược gia về phát triển rằng tài nguyên du lịch nơi đây chủ yếu vẫn ở thế mạnh tiềm năng, mà nói thẳng ra là còn lãng phí.

Du khách về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Du khách về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Tất nhiên lỗi không bao giờ thuộc về khách hàng. Là chúng ta chưa tạo ra được lý do để người ta ở lại. Biết là thiếu, nhưng thiếu cái gì và bắt đầu khắc phục từ đâu lại là câu hỏi “treo” suốt bao nhiêu năm. Không thể phủ nhận những đổi thay từng ngày ở “quê chung”. Đường sá khang trang, thôn xóm sạch sẽ, các công trình phúc lợi ngày một nhiều. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở đây đang từng ngày thay da đổi thịt. Khách hành hương cũng đã bắt đầu tìm đến những địa chỉ như đền Chung Sơn, chùa Đại Tuệ, ngắm những đồng sen bát ngát, thưởng thức những đặc sản hương vị Nam Đàn. Không thể không ghi nhận nhưng ngần ấy thôi là chưa đủ, chưa tương xứng với lợi thế và giá trị vĩnh cửu của quê hương lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chùa Đại Tuệ nằm trên núi Đại Huệ thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Chùa Đại Tuệ nằm trên núi Đại Huệ thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nam Đàn cần phải biến những những lợi thế đặc biệt  thành tiềm năng đặc biệt, biến tiềm năng đặc biệt thành thành tựu đặc biệt. 

Chúng ta nói nhiều đến đột phá, nhưng mỗi khi chạm đến đột phá lại vướng phải sức ỳ. Đột phá vẫn là một từ dễ quên trong nghị quyết. Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nam Đàn xác định 3 khâu đột phá trong đó tập trung phát triển hạ tầng gắn với thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo sự đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và du lịch. Nghị quyết thì đã tỏ. Phát triển quê Bác thành một địa danh kiểu mẫu, một điểm đến trong mỗi cuộc hành trình không chỉ là nguyện vọng và bổn phận của nhân dân Nam Đàn mà là của đồng bào cả nước.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Nam Đàn thiếu những cú hích lớn để tạo nên những điểm nhấn đặc biệt, Nam Đàn cần điều ấy và cũng xứng đáng với điều ấy. Được biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Khu Du lịch văn hóa thuộc “Khu Di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đồng thời cũng xem xét ý tưởng xây dựng công trình thác 9 tầng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Công trình thứ nhất sẽ được triển khai tại xã Kim Liên, trên diện tích 435.677m2, bao gồm khu cây xanh cảnh quan; đất khu thương mại dịch vụ; đất khu trung tâm văn hóa; đất khu dịch vụ du lịch; đất khu thực nghiệm, bảo tồn nông nghiệp, giao thông chung...  

Công trình thứ 2 là thác 9 tầng được xây dựng tại núi động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ. Một công trình được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao về ý nghĩa cũng như giá trị thẩm mỹ. Đây là công trình do Tập đoàn T&T đề xuất, vừa được cơ quan chức năng trình xin chủ trương để Tập đoàn T&T đầu tư xây dựng, là hạng mục nằm trong dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-TTg ngày 27/11/2020.

Một phối cảnh của thiết kế thác 9 tầng. Ảnh minh họa
Một phối cảnh của thiết kế thác 9 tầng. Ảnh minh họa

Du lịch chúng ta có thế mạnh mà thiếu điểm nhấn. Một thời gian dài chúng ta có kế hoạch nhưng không chỉ thiếu tầm nhìn, thiếu kỹ năng, mà còn vừa thiếu vừa yếu về thu hút, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch… Do đó, việc Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư một số hạng mục được xem là điểm nhấn trong dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-TTg ngày 27/11/2020, là một trong những biểu hiện rõ nét về kết quả khởi sắc về xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển du lịch của Nghệ An vì mục tiêu lâu dài.

Tin tưởng rằng, trong tương lai, những chủ trương đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa thông qua, những công trình điểm nhấn nói trên sẽ góp phần thức dậy những tiềm năng để đưa quê Bác ngày càng giàu đẹp. Đó vừa là thiết thực thực hiện tâm nguyện Bác hằng mong, cũng là thực hiện mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân mọi miền hướng về “quê chung”.

Quang cảnh thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Quang cảnh thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tin mới