Để ngành Logistics ở Nghệ An thực sự phát triển

(Baonghean) - Mặc dù có nhiều thế mạnh và tiềm năng nhưng ngành logistics ở Nghệ An vẫn chưa thực sự phát triển, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
Logistics là thuật ngữ chuyên ngành có gốc Hy Lạp và từ tiếng Việt có nghĩa gần nhất là “hậu cần”. Có thể hiểu, Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản... cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.
Bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất nào cũng phải quan tâm và có chiến lược Logistics phù hợp. Một chiến lược Logistics tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc hiệu quả. Ngày nay, Logistics là một trong những điểm mạnh, giúp phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Thực trạng về hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh
Nghệ An cơ bản có một hệ thống giao thông tương đối phát triển, với 16 tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn, có tổng chiều dài 1.768 km và 32 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài quản lý là 662,1km; Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 128 km, 01 nhà ga hành khách hạng trung.
Cảng hàng không Quốc tế Vinh hiện mới chỉ có 1 đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Hiện có 7 tuyến bay bao gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt (Lâm Đồng), Cam Ranh (Khánh Hòa), Gia Lai và tuyến đi quốc tế là Viêng Chăn (Lào); tuyến đi Băng Cốc (Thái Lan) mở vào tháng 6/2016. Các tuyến bay nội địa cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, tuy nhiên đối với các tuyến bay quốc tế còn đang hoạt động cầm chừng, do nhu cầu đi lại của hành khách còn khá ít.
Đồ họa của Hữu Quân
 Đồ họa của Hữu Quân
Hệ thống cảng biển gồm: Cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò; Cảng biển chuyên dùng The Vissai; Cảng xăng dầu DKC; Cảng Đông Hồi đã được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng của Nghệ An năm 2017 đạt khoảng 6,3 triệu tấn.
Hệ thống đường thủy nội địa có tổng chiều dài 907,6 km, trong đó đường sông do trung ương quản lý dài 217,1 km và 45,1 km đường sông địa phương do Sở GTVT được ủy thác quản lý, 647,5 km đường sông còn lại do các UBND huyện, thành phố, thị xã trực tiếp quản lý.
Dịch vụ Logistics ở Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức độ tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa, chủ yếu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Các đại lý hãng tàu như: Công ty Nhật Việt; Công ty tiếp vận Toàn Cầu, Công ty CP Container, Viconship, Naconship và các doanh nghiệp vận tải đường bộ như:  Công ty TNHH Hợp Mạnh, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt,  Công ty tiếp vận Toàn Cầu,... cũng đã đầu tư phương tiện, đổi mới cách quản lý điều hành để phục vụ nhu cầu vận tải của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng như VSIP, Hemaraj và các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn thì dịch vụ Logistics của Nghệ An đến nay chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng phát triển của tỉnh, đang là một điểm nghẽn, là điểm ít hấp dẫn trong thu hút đầu tư do chi phí các dịch vụ Logistics cao so với các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh,... 
Cả nước hiện nay có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó 70% có trụ sở ở khu vực TP Hồ Chí Minh và có khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. 
Xếp hàng Container ở cảng Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Xếp hàng Container ở cảng Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Một số giải pháp phát triển Logistics ở Nghệ An 

Để logistics thực sự phát triển, Nghệ An cần phải có một lộ trình bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ gồm:
Thứ nhất: Sớm hình thành và phát triển một thị trường dịch vụ logistics hoàn chỉnh dựa trên nền tảng: Hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tối ưu tới các vùng trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. 
Thứ hai: Tỉnh phải xây dựng môi trường pháp lý ổn định; công tác quản lý nhà nước về logistics phải minh bạch và hiệu quả; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp logistics trong và ngoài tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng CNTT hiện đại, đủ sức cạnh tranh trọn gói với giá thành cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn và khu vực.
Thứ ba: Cần sớm có cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đạt hiệu suất và hiệu quả ổn định trong thời gian đầu, tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo; hỗ trợ thành lập các công ty chuyên về dịch vụ logistics; xây dựng và vận hành hiệu quả sàn giao dịch vận tải đảm bảo sử dụng khả năng chuyên chở của phương tiện...
Thứ tư: Cần hình thành mạng lưới trung tâm logistics đặt gần các khu vực đầu mối giao thông như Sân bay quốc tế Vinh, Cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi, Nghi Sơn... hoặc triển khai trên các cung đường giao thông lớn kết nối giữa khu vực thành phố đến các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, để trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho chuỗi phân phối; phát triển các trung tâm logistics phục vụ hàng hóa giữa Nghệ An đi các tỉnh thành, hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng biển Nghệ An nhất là khi có các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường cao tốc xuyên Á đi qua địa phận Nghệ An trong một thời gian tới. 
Thứ năm: Sớm hiện đại hóa hệ thống hải quan trong đó có việc phát triển mạnh mẽ hình thức đại lý hải quan bằng việc gia tăng số lượng đại lý hải quan; xây dựng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu do đại lý hải quan đứng tên khai, như miễn kiểm hồ sơ và miễn kiểm hàng hóa đối với các tờ khai do đại lý hải quan đứng tên, đóng dấu...

Tin mới