Đề nghị Trung ương xem xét các yếu tố đặc thù khi giao biên chế cho tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nội dung này được đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề xuất tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác quản lý biên chế.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Sáng 17/12, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do đồng chí Hoàng Đăng Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về công tác quản lý biên chế của tỉnh.

Đồng chủ trì cuộc làm việc về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đại diện các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo thành phố Vinh.

Nghệ An hiện có hơn 60.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (không bao gồm công chức cấp xã), trong đó cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy trực tiếp quản lý 287 đồng chí; Có 62 đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; cấp ủy cấp trên cơ sở có 879 đồng chí, cấp ủy cơ sở có 10.389 đồng chí.

THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC, QUYẾT LIỆT CÁC CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Nghị định của Chính phủ và kế hoạch, đề án, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình phù hợp.

Kết quả, 100% các cơ quan, địa phương, đơn vị đều xây dựng đề án tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giai đoạn 2015 - 2021; đồng thời, xây dựng kế hoạch và lộ trình tinh giản hằng năm. Đến nay, so với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 6.876 người (đạt 10%).

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh Đào Tuấn
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm đã được Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng danh mục đã được phê duyệt, trong đó yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện việc phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo VTVL, đồng thời đặt ra mục tiêu sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo hướng bố trí số lượng người làm việc ở vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao, tối thiểu chiếm tỷ lệ 60% (đối với công chức) và 65% (đối với viên chức).

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dự cuộc làm việc
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dự cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn 
Các thành viên đoàn công tác dự cuộc làm việc. Ảnh Đào Tuấn
Các thành viên Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương dự cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Các đơn vị sự nghiệp công lập được quy hoạch, sắp xếp, đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý; số đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ vượt chỉ tiêu đề ra (đạt 11,6%), hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đối với khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, năm 2015, tổng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (hợp đồng 68) được Ban Tổ chức Trung ương giao cho tỉnh Nghệ An là 2.093 biên chế. Năm 2021 tổng biên chế được BTV Tỉnh ủy giao cho các đơn vị, địa phương là 1.937 biên chế. So với biên chế được giao năm 2015 tỉnh Nghệ An giảm 210 biên chế (đạt tỷ lệ 10.03%).

GS. TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Đối với biên chế khối Nhà nước, tổng biên chế công chức được giao năm 2015 là 3.687 người. Số biên chế được giao năm 2021 là 3.311 người, giảm 376 người (tỷ lệ 10,2%). Tổng số biên chế viên chức được giao năm 2021 là 55.780 người, giảm so với năm 2015 là 6.290 người (tỷ lệ 10,1%).

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương về biên chế giai đoạn 2022-2026.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh -  Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND thành phố Vinh đã làm rõ thực trạng công tác quản lý, tinh giản biên chế gắn với thực hiện các đề án vị trí việc làm trong thời gian qua. Cùng với đó, nêu những khó khăn vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương về công tác này.

Đồng chí Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn .
Đồng chí Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn .
Đồng chí Trần Hoàng Hội, thành viên đoàn công tác phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Trần Hoàng Hội - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Tham gia ý kiến tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu một số nội dung đề nghị các các sở, ban, ngành Nghệ An làm rõ thêm. 

XEM XÉT CÁC YẾU TỐ ĐẶC THÙ KHI GIAO BIÊN CHẾ CHO TỈNH NGHỆ AN

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2021 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Nghệ An cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 6,2%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đạt 5,59%, cao nhất nhiều trong nhiều năm qua. Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng hơn 14%. Thu ngân sách của tỉnh dự ước hơn 18.000 tỷ đồng, vượt dự toán đề ra. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng vọt, kế hoạch năm 2021 là 1,6 tỷ USD, nhưng đến thời điểm này đã đạt 3,2 tỷ USD, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến với hơn 1,9 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2025 là từ 1,7 – 1,8 tỷ USD. Số lượng dự án thu hút đầu tư tăng hơn 40%.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc.

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng tỉnh rất linh hoạt, điều hành thống nhất từ trên xuống dưới các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,  đảm bảo tính linh hoạt thích ứng với điều kiện phòng chống dịch.

Đi vào nội dung thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác tinh giản biên chế, sắp xếp vị trí việc làm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tỉnh đã triển khai công tác này bài bản, từ công tác kế hoạch, phân công nhiệm vụ, theo dõi, kiểm tra, giám sát...  Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bất cứ sự điều chỉnh dù nhỏ nhất về biên chế cũng phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo để tạo sự thống nhất. Nhờ vậy Nghệ An đã giảm được 10% theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong điều kiện là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, diện tích rừng lớn, nhưng Nghệ An vẫn kiên quyết, kiên trì lãnh đạo chỉ đạo để giảm biên chế theo chỉ đạo của Trung ương. Việc triển khai các Nghị quyết số 18, 19, của BCH Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Trung ương được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý đề xuất với Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương: việc giao biên chế cho Nghệ An cần xem xét trên cơ sở các yếu tố đặc thù như: diện tích, dân số, đơn vị đầu mối hành chính cấp huyện, xã, tính chất tôn giáo, dân tộc và địa bàn biên giới. Nghệ An là tỉnh có đường biên giới trên bộ dài nhất cả nước với hơn 468 km, tỉnh có 82km đường bờ biển; 21 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 11 địa phương thuộc khu vực miền Tây.

Từ thực tế này, soi chiếu vào một số vấn đề cụ thể về công tác quản lý và phân bổ biên chế có thể thấy: công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nghệ An còn thiếu 662 biên chế theo quy định của định mức; lĩnh vực giáo dục còn thiếu gần 8.000 biên chế. Đối với ngành Y tế, Nghệ An là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tự chủ, giảm được số lượng lớn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng việc đóng khung biên chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề đời sống, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tác động đến chủ trương tăng cường nhân lực cho ngành Y tế liên quan đến các vấn đề như: bảo hiểm y tế, số người khám chữa bệnh, tỷ lệ bác sỹ/bệnh nhân… Tương tự, đối với ngành Giáo dục, việc siết chặt định mức chỉ tiêu biên chế tạo ra sự thiếu cân đối, xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, và việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi khó thực hiện. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An mong Đoàn công tác Trung ương trong quá trình khảo sát sẽ lưu ý, xem xét có cơ chế phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị Trung ương đặc biệt quan tâm để có sự thống nhất, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố trong công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy; tránh sự chồng chéo trong việc ban hành các chính sách về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy.

Nghệ An đồng tình với các phương án sắp xếp, bố trí lại các tổ chức xã hội, chính trị, nghề nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương nhưng cũng kiến nghị vấn đề này nên thực hiện từ Trung ương xuống cơ sở để tạo sự thống nhất, đồng bộ.

Đồng chí Thái Thanh Quý một lần nữa đề nghị Trung ương khi giao biên chế cho Nghệ An cần xem xét các yếu tố về dân số, diện tích, đơn vị hành chính và các yếu tố đặc thù nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn.

CẦN CÓ TƯ DUY MỚI TRONG VẤN ĐỀ SẮP XẾP TỔ CHỨC CHỨC BỘ MÁY, TINH GIẢN BIÊN CHẾ
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Đăng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh của Nghệ An.
Đồng chí Quang
Đồng chí Hoàng Đăng Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn 

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như các chủ trương, nghị quyết Trung ương. Tỉnh đã giảm được trên 10% biên chế trong điều kiện là địa phương diện tích lớn, thành phần xã hội, cơ cấu kinh tế đa dạng.  Việc xây dựng đề án vị trí việc làm, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo ngày càng tinh gọn; số đơn vị công lập chuyển sang cơ chế tự chủ vượt chỉ tiêu. Thực hiện các mô hình thí điểm đảm bảo các quy định của Trung ương.

Tuy nhiên đồng chí Hoàng Đăng Quang cũng nêu một số khó khăn, hạn chế của Nghệ An như: việc sắp xếp bộ máy bên trong của các sở, ban, ngành vẫn còn bất cập; định mức biên chế bố trí chưa phù hợp; việc sắp xếp cán bộ dôi dư vẫn còn khó khăn; việc chuyển dịch vụ công sang dịch vụ tư đang còn hạn chế, điều này cũng xuất phát từ cơ chế hướng dẫn của Chính phủ chưa rõ; công tác quản lý, phân bổ biên chế ngành Y tế, Giáo dục đang gặp nhiều khó khăn và đây thực trạng chung đòi hỏi Trung ương điều chỉnh.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang – Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi nhận và tiếp thu các đề xuất của BTV Tỉnh ủy Nghệ An và sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương để có điều chỉnh phù hợp. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Hoàng Đăng Quang – Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi nhận và tiếp thu các đề xuất của BTV Tỉnh ủy Nghệ An và sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương để có điều chỉnh phù hợp. Ảnh: Đào Tuấn 

Đối với các đề xuất của tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, giải quyết. Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị, Nghệ An cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng sở, ban, ngành, địa phương để khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ; xác định đúng vị trí việc làm, biên chế theo quy định. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối. Hoàn thiện xây dựng hệ thống về danh mục bản mô tả về vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị  cho bài bản. Thực hiện giải quyết chế độ chính sách phù hợp, làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức và tinh giản biên chế. 

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị tỉnh rà soát, giao chỉ tiêu biên chế cho các tổ chức hội phù hợp, đảm bảo yêu cầu tự chủ. Cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát thực hiện trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Cần có tư duy mới trong vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn tới, tránh việc sắp xếp, tinh giản một cách cơ học, không phù hợp với xu thế phát triển./.

Tin mới