Để người chăn nuôi bò sữa Nghệ An đứng vững trong thời kỳ hội nhập

Những năm qua, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, nhiều hộ dân ở Nghệ An đã đầu tư mỗi hộ từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng vào mô hình chăn nuôi bò sữa. Những hộ dân này từng là điển hình kinh tế ở các địa phương, nhưng hiện nay họ lại đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp đối tác, cũng như sự thay đổi trong tư duy sản xuất của chính các hộ chăn nuôi.

Hiện nay ở Nghệ An, ngoài các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, hiện đại, được đầu tư bài bản của các tập đoàn lớn TH, Vinamilk với quy mô hàng ngàn con, thì còn có hơn 100 hộ dân nuôi trên 1.000 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở Tân Kỳ, TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… Hầu hết các hộ nuôi bò sữa đều nhập sữa cho Nhà máy sữa Nghệ An (thuộc Công ty sữa Vinamilk) thông qua các trạm thu mua ở các địa phương.

Để bán được sữa cho Nhà máy, hàng năm, người nuôi bò sữa ký “Hợp đồng mua bán sữa bò tươi” với những ràng buộc rất chặt chẽ về quy trình chăn nuôi, tiêu chí đánh giá chất lượng sữa, giá cả… mối quan hệ này đã được tạo dựng trong hơn 10 năm qua. Nhưng, từ năm 2018, khi Công ty Vinamilk nâng cao các tiêu chí đánh giá chất lượng sữa nguyên liệu, đã bộc lộ một số vấn đề bất cập từ cả hai phía, dẫn đến những sự cố đáng tiếc.

Sau sự việc một người nông dân bức xúc cho rằng bị đơn vị thu mua ép trả giá quá thấp nên đã xách những thùng sữa tươi đổ xuống sân tại một địa điểm thu mua sữa trên địa bàn TX Thái Hòa, nơi đầu tiên chúng tôi tìm hiểu căn nguyên vụ việc là huyện Tân Kỳ. Bởi ở địa phương này, có hẳn một Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa (ở xã Nghĩa Hợp) với các thành viên là người trên địa bàn, và họ đều ký “Hợp đồng mua bán sữa bò tươi” với Công ty Vinamilk. Khi mới tiếp cận, Giám đốc HTX là anh Nguyễn Hồng Sơn có chút ngại ngần, bởi anh nghĩ nếu trao đổi thông tin sẽ làm tổn thương đến thương hiệu Vinamilk. Chỉ khi người đồng hành với chúng tôi, là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đỡ lời, anh Sơn và vợ là chị Lê Thị Lương mới yên tâm trò chuyện.

Theo anh Sơn, người chăn nuôi bò sữa nói chung trên địa bàn tỉnh thực sự đang có những băn khoăn, lo lắng. Nguyên nhân là do bộ tiêu chí đánh giá chất lượng sữa nguyên liệu mà Vinamilk đang áp dụng để tính giá thu mua theo bậc thang (từ năm 2018) này cao hơn trước kia khá nhiều. Việc bốc thăm mẫu kiểm định 7 ngày/1 lần, trong khi người chăn nuôi hàng ngày đều đưa sữa nguyên liệu đến nhập, là không thể chính xác và thỏa đáng đối với người chăn nuôi và cả phía nhà máy. Bên cạnh đó, việc kiểm định mẫu còn thiếu minh bạch; cá biệt, còn có nhân viên kiểm định chất lượng (KCS) làm việc tại các trạm thu gom có hành vi lợi dụng quyền hạn để kiếm lợi.

“Nhân viên kiểm định ngoài nhiệm vụ được giao, chỉ được phép tư vấn cho người chăn nuôi. Không được giao dịch mua bán con giống, thuốc trị bệnh… với người chăn nuôi. Vậy nhưng vẫn có hiện tượng ai mua con giống, thuốc chữa bệnh do nhân viên kiểm định bán thì họ sẽ tìm cách “giúp đỡ”. Còn nếu không, họ sẽ có những hành vi thiếu minh bạch trong việc kiểm định chất lượng sữa. Tôi cũng đã có lần vì bức xúc quá mà phải lớn tiếng với nhân viên KCS…”, anh Sơn cho biết.

Cũng theo anh Sơn “Công ty Vinamilk rất gắn bó với người dân. Chuyện xảy ra ở TX. Thái Hòa chỉ là phản ứng có phần thái quá của một hộ chăn nuôi. Nhưng có những vấn đề trong công tác kiểm định, nhất là về đạo đức của nhân viên KCS cần được Công ty Vinamilk xem xét…”.

Để làm rõ hơn nỗi niềm của người chăn nuôi, cũng tại Tân Kỳ, anh Nguyễn Hồng Sơn đưa chúng tôi đến trang trại gia đình ông Ngô Văn Ngoạn ở xã Nghĩa Đồng. Bởi “Đấy là người rất tâm huyết với việc chăn nuôi bò sữa…”.

Gia đình ông Ngô Văn Ngoạn có một trang trại rộng tới 8ha. Tại khu vực trung tâm, ông Ngoạn xây dựng một hệ thống chuồng trại có 3 tầng mái, trong lắp giàn phun nước, hệ thống quạt công nghiệp… để điều hòa không khí. Trong hệ thống chuồng trại, hiện có trên 50 con bò sữa; trong đó, phân nửa đang cho sữa. Theo ông Ngoạn, mỗi ngày ông nhập khoảng 4 tạ sữa cho trạm thu gom của Công ty Vinamilk. Và ông nói rằng người chăn nuôi bò sữa hiện đều trong tâm trạng lo lắng bởi nếu giá thu mua tụt xuống 10 ngàn đồng/lít thì người chăn nuôi sẽ lỗ, chứ chưa nói đến giá 8 nghìn đồng/lít.

Cũng như anh Nguyễn Hồng Sơn, ông Ngô Văn Ngoạn có những băn khoăn về công tác việc bốc thăm lấy mẫu 1 lần cho cả 7 ngày; thái độ làm việc của nhân viên kiểm định… Ông Ngoạn trao đổi: “Công việc của bản thân tôi đến nay vẫn ổn định, chất lượng sữa và giá thu mua đều đạt mức 14.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đây thực sự là dịp để người chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An được nói ra những nỗi niềm băn khoăn. Cần minh bạch hơn trong việc kiểm định mẫu và chấn chỉnh đội ngũ KCS. Chính vì vậy đêm 9/5/2018, có 36 hộ chăn nuôi bò sữa đã tập trung ở trạm thu gom xã Nghĩa An để họp bàn. Tôi cũng tham dự cuộc họp này và cùng với các hộ thống nhất nội dung kiến nghị gửi đến Công ty Vinamilk…”.

Theo anh Nguyễn Hồng Sơn và ông Ngô Văn Ngoạn, những nội dung kiến nghị gửi đến Công ty Vinamilk tại cuộc họp mà các hộ dân chăn nuôi bò sữa tổ chức tại trạm thu gom xã Nghĩa An gồm: Xem xét để có thể nới lỏng chỉ số đánh giá các tiêu chí. Thực hiện việc kiểm soát, đánh giá mẫu sữa theo từng ngày, thay vì 1 lần/tuần như hiện nay. Quản lý chặt chẽ nhân viên kiểm định, loại bỏ những nhân viên thiếu đạo đức, vi phạm quy định của chính Vinamilk đề ra.

Đồng thời, mong muốn Công ty Vinamilk tiếp tục gắn bó với người chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An. Trong quá trình nhiều năm đầu tư tại Nghệ An, Công ty Vinamilk đã có một mối quan hệ với người nông dân tốt, tạo được việc làm có thu nhập. Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi chất lượng sữa cao hơn, vì vậy đề nghị Công ty Vinamilk cử cán bộ kỹ thuật giỏi, tư vấn hướng dẫn các hộ nuôi bò sữa về kỹ thuật.

Rời huyện Tân Kỳ, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Lộc, là hộ chăn nuôi bò sữa lớn ở xã Đông Hiếu. Chị Lộc cho biết, ngày 5/5/2018, UBND TX.Thái Hòa đã tổ chức một cuộc họp với đại diện của Công ty Vinamilk, Nhà máy sữa Nghệ An và 3 hộ chăn nuôi bò sữa gồm chị và các ông Hồ Sỹ Điều, Trần Duy Đức. Tại cuộc họp này, 3 hộ dân đã bày tỏ hết những băn khoăn của các hộ chăn nuôi bò sữa, và đề đạt một số kiến nghị để Công ty Vinamilk xem xét giải quyết. Trong đó điều kiến nghị cốt yếu nhất là cần đảm bảo công khai minh bạch việc lấy mẫu, kiểm định mẫu kết quả phân tích.

Ngày 7/5, UBND TX.Thái Hòa đã có Báo cáo số 80/BC-UBND về kết quả của buổi làm việc này, những băn khoăn của các hộ chăn nuôi được ghi nhận tại báo cáo này là: “Từ đầu năm 2018 đến nay, một số hộ chăn nuôi bất bình về việc công ty đánh giá chất lượng sữa của các hộ dân lên xuống thất thường (trong lúc quy trình chăm sóc đảm bảo, sức khỏe đàn bò ổn định) mà theo người dân phản ánh là quá trình lấy mẫu và phân tích chất lượng còn thiếu công khai minh bạch, nguyên nhân này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của một số hộ chăn nuôi bò sữa”.

Sau sự cố ngày 4/5/2018 tại trạm thu gom sữa TX. Thái Hòa, Công ty Vinamilk và Nhà máy sữa Nghệ An đã đồng thời ra thông cáo báo chí. Với Nhà máy sữa Nghệ An, tại Thông cáo số 07/05/NA/2018 đã nêu một số thông tin về giá sữa ở một số quốc gia trên thế giới. Qua đó khẳng định việc thu mua sữa ở Nghệ An với mức giá bình quân trên 12.700 đồng/lít vượt xa giá thị trường thế giới; cho rằng người chăn nuôi bò sữa ở Nghệ An còn được hưởng chính sách trợ giá từ Công ty Vinamilk. Bên cạnh đó thông tin, cá nhân đổ sữa đã nhận được lời giải thích và hiểu rõ được vấn đề; hộ dân này đã xóa bỏ clip trên Facebook cá nhân và nhập sữa trở lại.

Còn với Công ty Vinamilk, tại thông cáo báo chí ngày 7/5/2018 nêu: Sữa tươi nguyên liệu thu mua cho chế biến phải tuyệt đối tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 186:2017/BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 29/12/2017. Chính sách của Vinamilk là nhất quán. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng là ưu tiên tối thượng, không được phép nhân nhượng ở bất cứ công đoạn nào từ sản xuất đến phân phối, từ chăn nuôi đến nhà máy.

Chính vì vậy, quy trình hợp tác với các hộ chăn nuôi bò sữa được Vinamilk thiết kế và thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và tuân theo các quy định của Nhà nước. Đồng thời áp dụng các chuẩn mực cao nhất của thế giới nhằm bảo đảm các sản phẩm sữa đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế vì sản phẩm của Vinamilk không chỉ tiêu thụ trong nội địa mà đang được xuất khẩu ra hơn 43 nước trên thế giới.

Và Công ty Vinamilk khẳng định: Chỉ mua sữa của những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa có ký hợp đồng với Vinamilk. Đây là những hộ đã được Vinamilk khảo sát, đánh giá hạ tầng chuồng trại và các tiêu chuẩn chăn nuôi bò sữa. Vinamilk tuyệt đối không mua sữa trôi nổi và không rõ nguồn gốc. Tiêu chuẩn sữa nguyên liệu đạt chuẩn thu mua của Vinamilk tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và được thể hiện rõ trong các hợp đồng mua bán sữa nguyên liệu với các hộ dân. Sữa không đạt tiêu chuẩn theo hợp đồng thì Vinamilk sẽ kiên quyết không thu mua và chỉ xem xét thu mua trở lại sau khi hộ chăn nuôi đã khắc phục tình trạng chất lượng sữa. Nếu hộ chăn nuôi không đồng ý hoặc không thể đáp ứng theo các điều khoản của hợp đồng đã ký kết thì hộ chăn nuôi có thể chủ động chấm dứt hợp đồng và không cần tiếp tục cung cấp sữa cho Vinamilk.

Dù vậy, trong buổi làm việc với UBND thị xã Thái Hòa và đại diện của các hộ chăn nuôi bò sữa ngày 5/5/2018, đại diện của Công ty Vinamilk và Nhà máy sữa Nghệ An đã lắng nghe những nỗi niềm người dân trao đổi. Và sau đó, đã đề ra một số giải pháp “đi đến thống nhất để tạo niềm tin, ổn định tâm lý cho người dân, cùng nhau phát triển bền vững, lâu dài”. Tại Báo cáo số 80/BC-UBND ngày 7/5/2018 của UBND thị xã. Thái Hòa nêu rõ các giải pháp mà đại diện Công ty Vinamilk đã đề ra, đó là: Thực hiện đánh giá phân tích chất lượng sữa 7 ngày/tuần để lấy kết quả bình quân; luân chuyển cán bộ quản lý bồn sữa tại TX. Thái Hòa; để người dân tham gia quá trình niêm yết mẫu trước khi gửi về nhà máy. Bên cạnh đó, yêu cầu người chăn nuôi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn bò sữa đảm bảo theo tiêu chuẩn của Công ty Vinamilk.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực hiện cam kết FTA này, các nước thành viên phải tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Năm 2018 là thời điểm cắt giảm nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% cam kết trong khuôn khổ 10 hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Việc chủ động nắm bắt thông tin hội nhập, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn tham gia thị trường thế giới, từ đó điều chỉnh các chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh giá mua nguyên liệu cũng như siết chặt chất lượng sản phẩm là hoàn toàn đúng đắn để tồn tại và phát triển. Và với Công ty Vinamilk cũng không ngoại lệ. Bởi theo Bộ Công Thương, nguyên liệu sữa tươi trong nước hiện chỉ đáp ứng 35%, phần còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Tổng cục Thống kê cũng cho biết: Tháng 4/2018, cả nước nhập khẩu sữa đạt khoảng 90 triệu USD và tính chung 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu sữa đạt 321 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Một sự kiện nữa là sau ngày 1/3/2018, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm sữa dạng lỏng được Bộ Y tế ban hành chính thức có hiệu lực và thay thế quy chuẩn hiện hành ban hành năm 2010. Theo đó, các sản phẩm sữa dạng lỏng được chia ra ba nhóm: sữa tươi, sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp, sữa cô đặc và sữa đặc có đường. Với từng nhóm sữa có yêu cầu riêng về hàm lượng protein, giới hạn tối đa các chất ô nhiễm như chì, thiếc, độc tố vi nấm, quy chuẩn mới cũng hướng dẫn chỉ tiêu melamine trong sữa là chỉ tiêu giám sát, thay vì chỉ tiêu bắt buộc như trước. Quy chuẩn mới đảm bảo công khai minh bạch tên gọi để người tiêu dùng lựa chọn, phù hợp với thực tiễn sản xuất và hội nhập quốc tế. Với quy chuẩn này, các nhà sản xuất sữa trong nước càng phải nâng cao chất lượng sữa, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó cũng có thể lý giải thêm cho việc tại sao từ 1/1/2018 Công ty Vinamilk đã thu mua sữa theo phân loại khắt khe hơn những năm trước đây…

Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội “đổi đời” cho các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh ta, từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, vươn lên tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng những mô hình chăn nuôi tiên tiến, trở thành những ông chủ các trang trại nuôi bò hiện đại mà trên thế giới đã áp dụng thành công như châu Âu, Úc, Mỹ… Bởi để nuôi bò sữa có hiệu quả, cần đầu tư lớn về con giống, chuồng trại (phải có hệ thống làm mát, thoáng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại cả 4 mùa), và phải đảm bảo tuyệt đối chế độ dinh dưỡng cho bò. Bên cạnh đó, phải có kiến thức để chủ động phát hiện bệnh và điều trị bệnh cho bò. Vậy nhưng hiện nay, quy mô đầu tư của không ít hộ chăn nuôi còn thấp, có những hộ còn làm chuồng trại trong vườn nhà, ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kiến thức trong việc chăn nuôi, chăm sóc bò còn hạn chế; khi bò có viêm nhiễm, không chủ động phát hiện bệnh nên ảnh hưởng tới chất lượng sữa; một số hộ còn có tư tưởng tìm kiếm lợi nhuận nhanh, không đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bò… Trong khi điều kiện thời tiết, khí hậu ở Nghệ An khắc nghiệt, rất bất lợi cho việc chăn nuôi bò sữa.

Trong xu thế đó, người chăn nuôi bò sữa cần ý thức là người sản xuất, sẽ chỉ bán được cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có, để thu nạp thông tin kiến thức, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP… vào việc chăn nuôi bò sữa. Chỉ có như vậy, mới có thể sản xuất được nguyên liệu sữa đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn mà doanh nghiệp thu mua đã đề ra tại hợp đồng, qua đó đảm bảo lợi nhuận và theo đuổi nghề lâu dài. Qua sự việc này, thấy rằng, không chỉ là chăn nuôi bò sữa, mà trước khi có ý định đầu tư vào một mô hình sản xuất mới, người dân cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, nắm bắt thông tin một cách kỹ càng, chứ không nên nghe “rỉ tai” có lời là vay mượn tiền đầu tư mặc dù mình chưa nắm rõ quy trình sản xuất, đầu ra như thế nào.

Vinamilk hiện nay là thương hiệu lớn của quốc gia, hơn hết cần kiểm soát và giữ vững được thương hiệu này ở mọi khâu, mọi cấp. Sự việc xảy ra ngày 4/5/2018 là “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng dẫu vậy, sự việc này cũng bắt nguồn từ một số những bất cập trong khâu quản lý ở địa phương cơ sở và một số quy định còn chưa phù hợp trong công tác kiểm định sữa nguyên liệu. Bởi vậy, cần lắng nghe ý kiến người chăn nuôi để điều chỉnh; và có giải pháp giúp người chăn nuôi có lãi.

Trong câu chuyện này, không thể không đề cập đến vai trò của các cấp chính quyền và các ngành có liên quan. Để mối quan hệ giữa người chăn nuôi trên địa bàn và Công ty Vinamilk được bền chặt, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần phải có sự kết nối với Công ty Vinamilk để tìm giải pháp ổn định việc thu mua sữa cho người dân. Trách nhiệm hơn với các hộ chăn nuôi bò sữa, từ việc quy hoạch vùng nuôi bò sữa, định hướng, hướng dẫn cho người dân quy trình chăn nuôi, áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển đàn bò, đảm bảo chất lượng sản phẩm; không để mặc người dân “tự bơi”, tự ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, đến khi xảy ra sự việc mới đến tìm hiểu, nắm tình hình.

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ trên thế giới và bắt đầu tác động đến các ngành sản xuất ở Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chung và lĩnh vực chăn nuôi bò sữa cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0 đã “len lỏi” ở nhiều doanh nghiệp, địa phương. Để người dân Nghệ An sớm tiếp cận và ứng dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi, rất cần sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, và cả doanh nghiệp. Có được như vậy, người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh mới theo kịp xu thế phát triển chung, có được sự gắn kết, cùng doanh nghiệp phát triển.