Để nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa

(Baonghean) - Sự thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở nhiều vùng trên cả nước... phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Song, so với yêu cầu phát triển và hội nhập, sự nghiệp này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong một trao đổi gần đây với chúng tôi, PGS TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển nông nghiệp) đã cho rằng, có vẻ như trong hiện tại, đôi khi khái niệm “hiện đại hóa” được sử dụng cặp đôi với khái niệm “công nghiệp hóa” mà ít được bàn luận gắn với nền kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa. Nói một cách chặt chẽ học thuật thì, chỉ trừ rất ít trường hợp ngoại lệ, còn về cơ bản, hầu hết những nước nông nghiệp lạc hậu muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp mới phát triển mới, hiện chưa có con đường nào tốt hơn con đường công nghiệp hóa, chí ít thì cũng ở khoảng thời gian ta có thể nhìn thấy được. So với lịch sử phát triển kinh tế của đất nước, thời kỳ CNH chỉ là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, nhất định, nghĩa là có khởi đầu và có kết thúc. Nội dung của giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy là: “Biến nền sản xuất xã hội chủ yếu dựa trên phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất công nghiệp hiện đại” - PGS. TS Bùi Tất Thắng nói.

Chưa đạt kết quả như mong đợi
CNH nông nghiệp được hiểu là quá trình chuyển bản thân nền sản xuất nông nghiệp sang sản xuất, kinh doanh theo lối công nghiệp. Vì vậy, việc hoàn thành quá trình CNH của cả nền kinh tế sẽ được ghi nhận ở thời điểm đánh dấu sự hoàn thành của CNH nông nghiệp. Như vậy, xét ở góc độ toàn bộ nền kinh tế, quá trình CNH nói chung đã mặc nhiên bao hàm quá trình CNH (và ngày nay là cả HĐH) nông nghiệp. Tuy nhiên, sự chậm trễ của quá trình CNH nông nghiệp so với các lĩnh vực phi nông nghiệp là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Với tư cách là một lĩnh vực sản xuất, đối tượng của quá trình CNH nông nghiệp khó khăn hơn, tốn kém hơn, và vì thế, thường mất nhiều thời gian hơn. Khó khăn là vì đối tượng sản xuất của nông nghiệp liên quan đến sinh vật sống, người lao động ở lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lại thường có mức học vấn bình quân thấp hơn các lĩnh vực phi nông nghiệp...; Tốn kém là vì việc xây dựng những điều kiện tiền đề cho chế độ sản xuất, kinh doanh theo lối công nghiệp (như kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình công cộng...) rất rộng lớn, vì vậy, đã xảy ra tình trạng hình thành sự đối lập nhau giữa một bên là khu vực công nghiệp và đô thị hiện đại, còn bên kia là khu vực nông nghiệp lạc hậu và nông thôn nghèo nàn.
Áp dụng kỹ thuật cấy rãnh gieo lạc bằng máy nhỏ ở Diễn Thịnh (Diễn Châu).  	Ảnh: Cảnh Yên
Áp dụng kỹ thuật cấy rãnh gieo lạc bằng máy nhỏ ở Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Cảnh Yên
Như vậy, nền kinh tế được dựa trên phương thức sản xuất công nghiệp đã CNH và nền sản xuất nông nghiệp được tiến hành sản xuất, kinh doanh theo lối công nghiệp có hai đặc trưng nổi bật là: sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ - kỹ thuật hiện đại có áp dụng kỹ thuật cơ khí hóa, tự động hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, sinh học hóa nên năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt. Thứ hai, CNH tiến hành trong điều kiện thị trường hóa và thúc đẩy sự phát triển của thị trường thông qua việc mở rộng quá trình phân công lao động xã hội và tạo ra những thị trường mới cũng như nâng cao mức cầu của thị trường. Không có nền sản xuất dựa trên công nghệ - kỹ thuật hiện đại (do nền công nghiệp hiện đại sáng tạo ra) thì không thể tiến hành CNH, và bản thân nền sản xuất dựa trên công nghệ - kỹ thuật hiện đại lại chỉ ra đời và phát triển được nhờ cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra đối với CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tuy đối tượng vẫn là cây trồng, vật nuôi, địa bàn sản xuất, môi trường như trước nhưng phải thay đổi hẳn về phương thức (cách thức) sản xuất, kinh doanh - PGS. TS Bùi Tất Thắng phân tích.
 Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, vẫn chưa có được sự hưởng ứng tích cực của nông dân, và tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nhiều nơi vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Về cơ bản, đời sống của dân cư nông thôn vẫn thấp và chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn vẫn tăng lên. Thực chất là ở chỗ mức lãi thu được từ kinh doanh nông nghiệp còn thấp, trong khi các chế độ an sinh xã hội ở đây lại chưa phát triển, lợi ích của người kinh doanh nông nghiệp chưa được bảo đảm thỏa đáng. Từ đó, người nông dân và những người kinh doanh nông nghiệp khác không có động lực để đầu tư kinh doanh nông nghiệp, và với một bộ phận người lao động nông thôn, nông nghiệp chỉ là lĩnh vực bắt buộc phải lựa chọn do không thể tìm được nghề nào khác. Rõ ràng, làm nông nghiệp và sống ở nông thôn vẫn còn bị thiệt thòi so với ở thành phố. Với cách quản lý con người theo chế độ “hộ khẩu” và các chính sách đi kèm, người dân làm nông nghiệp và cư dân nông thôn luôn cảm thấy mình như loại “công dân hạng hai”, không những làm gia tăng cách biệt nông thôn - thành thị, mà còn hạn chế cơ hội phát triển của họ.   
Cơ giới hóa sản xuất vào nông nghiệp
Cơ giới hóa sản xuất vào nông nghiệp. ảnh P.V

 
Thực hiện bằng được bảo hiểm nông nghiệp
Tạo dựng nền nông nghiệp được kinh doanh theo phương thức công nghiệp (nền nông nghiệp thương phẩm dựa trên công nghệ, kỹ thuật hiện đại, năng suất lao động cao); xây dựng nông thôn đổi mới cả về tổ chức, quản lý lẫn lối sống xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.. đương nhiên phải dựa vào kết quả của việc xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển ngày càng hiện đại… mới đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp. Ở nước ta, với tư cách là bộ phận CNH sau cùng, sự tiến triển của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ quyết định sự thành công của CNH, HĐH toàn bộ nền kinh tế - PGS. TS Bùi Tất Thắng nói.
Muốn vậy, công cuộc này trước hết phải do người dân tiến hành, vì lợi ích phát triển của chính họ, coi đó là mục tiêu và động lực phát triển tự thân, với sự hỗ trợ tối đa, thường trực của nhà nước. Dựa trên lợi thế so sánh của mỗi vùng, cần đa dạng hóa mô hình và quy mô kinh doanh, phù hợp với nguyên tắc thị trường. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện bình đẳng về cơ hội cho mọi chủ thể kinh doanh và hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp theo khuôn khổ phù hợp với các cam kết WTO, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ các vùng khó khăn. Rõ ràng, mức độ phát triển của thị trường cần phải trở thành một trong những dấu hiệu, thước đo phản ánh mức độ phát triển của CNH ở nông thôn, tức là hình thành bằng được một nền nông nghiệp thương phẩm, sản xuất ra để bán với khối lượng lớn, giá cả và chất lượng được thị trường chấp nhận. Chính vì thế, nhà nước phải tạo điều kiện cho các quan hệ thị trường phát triển, bao gồm cả thị trường đầu vào lẫn đầu ra của sản xuất nông nghiệp, giúp cho người sản xuất, kinh doanh phải có lãi, phải sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn. Đó là công việc của nhà nước, đặc biệt là phải thực hiện bằng được bảo hiểm nông nghiệp - một trong những điều kiện và là một nội dung quan trọng của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ nói chung và khoa học - công nghệ sinh học đang nổi lên như một trong những lĩnh vực khoa học ưu tiên và có tiềm năng lớn hiện nay, một nền nông nghiệp CNH, HĐH không thể không coi đây là một điều kiện quan trọng nhất để có bước phát triển bứt phá. Việc tạo mọi điều kiện để áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mới (các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn, giá cả hợp lý) ngày càng phải được phổ biến và trở thành nhu cầu bình thường trong sản xuất. Do vậy, cần ưu tiên phát triển nhanh khoa học nông nghiệp, gồm cả phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu và triển khai khoa học – kỹ thuật nông nghiệp, lẫn cơ chế để những sản phẩm của khoa học nông nghiệp được ứng dụng nhanh và an toàn trong sản xuất.
Ngoài ra, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc phát triển mạnh khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng là giải pháp tạo ra nhiều chỗ làm việc phi nông nghiệp, hút lao động từ khu vực nông nghiệp truyền thống sang khu vực phi nông nghiệp. Nhìn chung, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chỉ thành công khi đó thực sự là sự nghiệp của người dân, do họ làm vì lợi ích của chính họ. Nhà nước ra chính sách, tạo lập cơ chế và hỗ trợ một số lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú ý hỗ trợ về đào tạo nghề nghiệp (kể cả nghề nông) và phát triển mạnh khoa học - kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng vào sản xuất - PGS. TS Bùi Tất Thắng khẳng định.
Sông Hồng

Tin mới