Để sản phẩm OCOP ‘chắp cánh’ cho du lịch – Bài 1: Tiềm năng, lợi thế

Nghệ An với sự đa dạng về địa hình, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, cộng thêm đa thành phần dân tộc đã tạo nên sự đa dạng về các đặc sản vùng miền. Về cơ bản được phân thành các nhóm: Cây đặc sản (cam Xã Đoài, gạo nếp rồng, măng loi Tân Kỳ, sâm thổ hào, trám đen Thanh Chương, chè shan tuyết Kỳ Sơn…); con đặc sản (cá mát sông Giăng, cá ngạnh sông Lam, vịt bầu Quỳ, gà ác Kỳ Sơn…), nhóm ẩm thực truyền thống (Nước mắm Vạn Phần, giò me Nam Nghĩa, bò giàng Tương Dương, mực khô Cửa Lò, tôm nõn Diễn Châu…). Đặc biệt, ở Nghệ An, hầu như mỗi làng quê đều có một nghề truyền thống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 171 làng nghề được công nhận và hàng trăm làng có nghề, mỗi năm tạo ra giá trị sản xuất trên 2.400 tỷ đồng.

Đóng gói dứa sấy khô, sp 3 sao OCOP của Công ty HASAFOOD, Minh Hợp, Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Phúc
Đóng gói dứa sấy khô, sp 3 sao OCOP của Công ty HASAFOOD, Minh Hợp, Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Phúc

Với sự đậm đặc các “làng nghề” và sự phong phú, đa dạng các sản vật, rõ ràng Nghệ An rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch canh nông, làng nghề và du lịch cộng đồng. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An: “Việc phát triển các loại hình du lịch canh nông, làng nghề và cộng đồng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo, hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan, văn hóa bản sắc của quê hương”. Như thế, một trong yếu tố cần thúc đẩy là phải hình thành được các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An, trong đó có các sản phẩm quà tặng. Muốn vậy, cần đặt ra bài toán về việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch; làm sao để sản phẩm OCOP giúp chương trình du lịch địa phương phong phú hơn, hấp dẫn du khách hơn; ngược lại nhờ du lịch mà giá trị sản phẩm OCOP được nâng cao… từ đó phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là chương trình OCOP) được coi là tiền đề cho việc hình thành, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, trong đó có các sản phẩm phục vụ du lịch; đồng thời cũng chính là lời giải cho bài toán về việc tạo dựng nên các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An nói riêng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thanh Phúc
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thanh Phúc

Bắt tay vào thực hiện Chương trình OCOP, Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là sự nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo; góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, gia tăng về giá trị, tăng thu nhập cho người dân; đưa diện mạo nông thôn tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Tính đến năm 2022, Nghệ An có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp Quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 03 của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh).

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã  Sen Quê Bác bày bán nhiều sản phẩm từ sen, rất đặc trưng. Ảnh: Đình Tuyên
Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Sen Quê Bác bày bán nhiều sản phẩm từ sen, rất đặc trưng. Ảnh: Đình Tuyên

Nhiều sản phẩm OCOP trở thành đặc sản, được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận như: Cam Vinh; gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương; lạc sen Diễn Châu; tương Sa Nam (Nam Đàn); nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu; sản phẩm dệt thổ cẩm: Khăn, chân váy, khăn trải bàn của làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu), Thái Minh (Tân Kỳ); chè xanh Thanh Chương của HTX nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức; trà túi lọc giảo cổ lam, trà túi lọc dây thìa canh của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát; trà linh chi ATC; rượu đông trùng hạ thảo, tảo xoắn Spirulina, sản phẩm đậu tương lên men Nattokinaza của Công ty cổ phần khoa học xanh Hidumi Pharma; các làng du lịch sinh thái cộng đồng như bản Nưa (Con Cuông), Hoa Tiến (Quỳ Châu)…

Hỗ trợ phát triển chương trình OCOP, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, triển khai các giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 25/2020/NQ – HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ và thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, nêu rõ tỉnh hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP; 50% tổng chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; 50% tổng chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa; khen thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP ở Nghệ An đã đem lại hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đình Tuyên, Quang An, Thanh Phúc.
Chương trình OCOP ở Nghệ An đã đem lại hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đình Tuyên, Quang An, Thanh Phúc.

Các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP cũng được đặc biệt chú trọng. Tính riêng trong 2 năm 2020-2021, Nghệ An đã tổ chức 14 cuộc, bao gồm 4 hội nghị kết nối cung – cầu; 3 cuộc trưng bày sản phẩm và 7 hội chợ, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh nhà đến gần hơn với các địa phương khác, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế… Ngoài ra, các cấp ngành, các địa phương cũng đã phối hợp với các chủ thể OCOP lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để đưa lên sàn thương mại điện tử. Đến tháng 6/2022, đã có 63 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín trên cả nước.

Có thể nói, Chương trình OCOP ở Nghệ An đã đem lại hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương: Góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 – 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Chương trình OCOP cũng đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,7% và 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP với đặc trưng riêng biệt đã trở thành một “đại sứ” giúp quảng bá văn hóa cho mỗi vùng miền. Từ siêu thị, bàn tiệc, dạ hội, những thức quà quê bình dị trước đây đã trở nên “sang trọng” lan tỏa các giá trị của đất và người: tiêu biểu như tương Sa Nam, giò bê Nam Nghĩa, các sản phẩm từ sen là đặc trưng của quê Bác – Nam Đàn; Đĩa nhút mặn gợi nhắc về vùng đất Thanh Chương giàu truyền thống; nước mắm đặc trưng của vùng biển Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; Rượu men lá và thảo dược gợi về đại ngàn Pù Mát, Con Cuông; các sản phẩm dệt thổ cẩm gợi về nghề dệt của người đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ…

Giới thiệu trưng bày các sản phẩm OCOP của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc
Giới thiệu trưng bày các sản phẩm OCOP của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc