Để sáng kiến kinh nghiệm không bị "phù phép"

(Baonghean) - Nghiên cứu khoa học và đúc kết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) giáo dục là hoạt động hết sức quan trọng trong nhà trường ở các cấp học. Trong những năm qua, hoạt động này của ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số lượng, chất lượng SKKN tham gia xếp bậc cấp ngành ngày một tăng. Số công trình được giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh chiếm tỷ lệ lớn so với số lượng công trình dự thi của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được thì hoạt động này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần sớm điều chỉnh, khắc phục.

Hiện nay, việc viết SKKN ở nhiều nhà trường đang được triển khai một cách đại trà. Giáo viên mới chân ướt, chân ráo vào nhận công tác dưới hình thức hợp đồng năm đầu tiên cũng thuộc diện phải tiến hành đúc rút SKKN, trong khi đó đối với họ thời gian công tác, va chạm thực tế còn quá ít nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, không ít sinh viên sư phạm mới ra trường tập trung sưu tầm, thu thập chuẩn bị sẵn sàng nhiều đề tài SKKN thuộc chuyên ngành của mình đã hoàn thiện từ nhiều nguồn để sử dụng lúc cần thiết.

Vô hình trung ngay từ lúc mới chập chững bước vào nghề, không ít giáo viên ở vào thế phải đối phó với việc viết SKKN. Do chưa có quy định cụ thể về đối tượng viết SKKN nên có trường hợp giáo viên nữ nghỉ sinh hơn một học kì cũng phải viết. Rồi SKKN của Tổ - Khối chuyên môn cũng cứ đều đặn thực hiện hàng năm. Vì thế, trong một năm học có giáo viên phải hoàn thành tới hai SKKN mới đạt yêu cầu, trong đó một bản cho cá nhân còn một bản cho tổ - khối theo sự phân công xoay vòng. Từ đó đã dẫn tới tình trạng sao chép, đối phó trong việc viết SKKN vẫn đang còn diễn ra. Chỉ cần “chuyển vùng” đưa SKKN từ địa bàn huyện, tỉnh khác về và chỉnh sửa cho phù hợp thông tin là đã hoàn thành một trong những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của năm học. 

Để phần nào hạn chế tình trạng này nên chăng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với đối tượng thuộc diện phải viết, đúc kết SKKN. Việc quy định này cần xem xét, cân nhắc về thời gian công tác và gắn với danh hiệu thi đua cuối năm học của từng giáo viên, tập thể tổ - khối chuyên môn và đơn vị nhà trường. Bên cạnh đó, cần đưa ra yêu cầu phải đăng ký tên đề tài SKKN sẽ thực hiện ngay từ thời gian đầu năm học.

Đồng thời, hội đồng nghiệm thu, đánh giá SKKN ở cấp trường cũng được thành lập từ đầu năm học để vạch ra kế hoạch kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện qua từng giai đoạn. Đối với hội đồng nghiệm thu, đánh giá SKKN cấp huyện ở các bậc học cần nhanh chóng có kế hoạch để thống kê các SKKN đạt bậc 3 và bậc 4 ở các năm học trước theo bộ môn và theo chủ thể tác giả để tránh việc một số đồng nghiệp với bề dày kinh nghiệm nhiều năm công tác chỉ cần sử dụng xoay vòng theo chu kỳ các SKKN đã được nghiệm thu. Phòng GD & ĐT cần có văn bản chỉ đạo các nhà trường nghiêm túc kiểm điểm đối với các cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên có SKKN không xếp loại do sao chép trùng lặp, copy trên mạng. Hình thức thấp nhất là không xét các danh hiệu thi đua năm học cho các đối tượng này.

Một thực tế là để đầu tư viết một SKKN thực chất có giá trị ứng dụng thực tiễn thì người viết phải dốc nhiều trí lực nghiên cứu, trăn trở. Nhiều SKKN xếp bậc 3 được đánh giá cao và có cả SKKN được xếp bậc 4 cấp tỉnh nhưng việc vinh danh tác giả và đặc biệt là công tác phổ biến, áp dụng còn rất nhỏ giọt và hạn chế. Thiết nghĩ, phòng GD & ĐT cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến, ứng dụng kết quả SKKN có giá trị thực tiễn, phù hợp với đặc thù vùng miền. Có thể là hình thức tổ chức hội thảo, báo cáo điển hình viết SKKN trong toàn huyện; biên soạn in thành tập kỷ yếu về các SKKN đã được đánh giá xếp bậc cao các cấp trong thời gian gần đây có tính ứng dụng rộng rãi làm tài liệu sinh hoạt chuyên đề cho các nhà trường tham khảo, học tập...

Vũ Phong (Mường Xén, Kỳ Sơn)

Tin mới