Đề thi Ngữ văn vào trường chuyên của Nghệ An khơi gợi được những xúc cảm trong trẻo của tuổi học trò

(Baonghean.vn) - Đề môn Ngữ văn chuyên đưa tới những bất ngờ khá thú vị cho học trò, giáo viên khi cuộc sống và văn chương được khơi mở giúp khám phá những góc nhìn mới mẻ.

Đây là nhận định của cô giáo Phan Thị Vân Hường - Giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Phú Hồng - huyện Yên Thành. Cô giáo Vân Hường từng tham gia vào Hội đồng tuyển chọn sách giáo khoa mới và là thành viên Hội đồng thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS.

Đánh giá về đề thi năm nay, cô giáo Vân Hường cho rằng: Đề thi môn Ngữ văn chuyên đưa tới những bất ngờ khá thú vị cho học trò, giáo viên khi cuộc sống và văn chương được khơi mở giúp khám phá những góc nhìn mới mẻ.
Thí sinh thi vào lớp 10 trường chuyên tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đức Anh
Thí sinh thi vào lớp 10 trường chuyên tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Đức Anh
Cụ thể, ở phần đọc hiểu, các câu hỏi mở, khơi gợi được thí sinh, hướng tới những lời động viên nhằm khích lệ trí tưởng tượng, khơi gợi khả năng liên tưởng phong phú, những năng lực tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi con người… đã đem lại cảm hứng sáng tạo cho thí sinh và khơi gợi xúc cảm văn chương ở các em.

Đặc biệt, đề thi Ngữ văn tạo bất ngờ với những vấn đề đặt ra trong câu hỏi đọc hiểu: “Em có đồng tình với nhận định của tác giả: Ban ngày là cuộc sống của chúng sinh còn ban đêm là cuộc sống của cỏ cây? Vì sao?”. Bởi lẽ câu hỏi này vừa khơi gợi được những xúc cảm trong trẻo của tuổi mới lớn, vừa là vấn đề tiềm tàng những quan niệm trái chiều, những phản biện, điều rất tích cực cho tư duy độc lập của học trò. Ngữ liệu trong đề còn gợi ra những suy nghĩ sâu xa hơn cho học trò khi mở ra vấn đề về tâm hồn của con người, về cuộc sống của cỏ cây.

Cô giáo Phan Thị Vân Hường và các học trò. Ảnh: PV
Cô giáo Phan Thị Vân Hường và các học trò. Ảnh: PV

Câu nghị luận xã hội đã chạm tới hành trình đi đến ước mơ của học trò. Theo cô giáo: Những mơ ước đẹp đẽ, những thực tế trái chiều trong cuộc sống, những tầng bậc ý nghĩa có thể được gợi ra từ một vấn đề nghị luận là mảnh đất đầy tiềm năng cho học trò thể hiện quan niệm riêng, qua đó thấy được bản lĩnh và trí tuệ của các em, từ đó mà chọn được những học trò thực sự tinh hoa cho đội ngũ chuyên Văn.

Câu nghị luận văn học đề cập vấn đề không hề mới nhưng lại theo một dẫn dắt rất mới và lạ. Trong đó, xuất phát từ cách hiểu về cái gọi là “chiều sâu” trong tác phẩm văn học, đề bài đã đưa ra yêu cầu học trò phát hiện ra “những điều mới mẻ” của một tác phẩm văn học, từ đó mà làm rõ được đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật.

Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà
Đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Vân Hường cũng cho rằng: "Lạ, mới trong dẫn dắt, nhưng vấn đề bàn luận là cái muôn đời của văn thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung, và vì thế, thú vị, hấp dẫn nhưng không làm khó cho học trò. Các em không khó để nhận ra yêu cầu bàn luận liên quan tới bình diện quan trọng nhất của văn thơ, đó là xúc cảm, là tiếng lòng tác giả được gửi gắm, thể hiện trong tác phẩm – đó là yếu tố thuộc về nội dung tư tưởng, tình cảm".

Các thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên. Ảnh: Đức Anh
Các thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên. Ảnh: Đức Anh

Chia sẻ cảm nhận của mình để làm tốt bài thi này, cô Hường cho biết: "Văn chương cũng như cuộc sống, ngàn đời quen thuộc nhưng mỗi khoảnh khắc phút giây vẫn đều có thể tiềm ẩn những góc khuất mới mẻ. Điều quan trọng là cần những đôi mắt xanh khám phá, và quan trọng hơn là sự bứt mình khỏi cái đơn điệu nhạt nhòa, dám dấn thân và thay đổi, kể cả những thành tựu của chính mình".

Tin mới