Đề thi THPT Quốc gia 2019 bỏ tiêu chí “2 chung”: Tính sao cho ổn?

Bộ Giáo dục – Đào tạo khẳng định việc bỏ tiêu chí "2 chung" không ảnh hưởng đến học sinh, đồng thời tạo sự hợp lý, đồng bộ hơn cho đề thi.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục – Đào tạo, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ bám sát nhiệm vụ đánh giá mức độ học vấn phổ thông thay vì đảm trách cùng lúc 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng như trước.
Đề thi THPT Quốc gia 2019 bỏ tiêu chí “2 chung”: Tính sao cho ổn? ảnh 1
Bộ Giáo dục – Đào tạo khẳng định khâu điều chỉnh này không ảnh hưởng đến học sinh, đồng thời tạo sự hợp lý, đồng bộ hơn cho đề thi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong điều kiện nhiều trường đại học vẫn xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia như hiện nay thì mọi điều chỉnh phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Cùng với đó là hạn chế thấp nhất tiêu cực thì kết quả cuối cùng mới đạt độ tin cậy cao.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho hay, đề thi THPT quốc gia năm 2019 được thiết kế nhằm đánh giá mức độ học vấn phổ thông.
Tuy nhiên, đề sẽ không quá dễ mà bao gồm cả những câu hỏi có tính phân hóa. Bộ Giáo dục – Đào tạo nhận định điều chỉnh này khá hợp lý trong điều kiện hiện nay và sẽ không khiến các trường đại học bối rối khi đã được giao tự chủ tuyển sinh.
Nếu đủ độ tin cậy, các trường có thể chọn kết quả thi THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển tùy mức độ, còn không, vẫn có những phương thức khác.
Ông Mai Văn Trinh phân tích: “Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là cơ sở, là căn cứ, còn các trường đại học theo tinh thần tự chủ, phụ thuộc vào đẳng cấp, nhu cầu đào tạo và năng lực để sử dụng kết quả này ở các mức độ khác nhau. Do vậy khi kết quả của kỳ thi THPT quốc gia còn tốt, còn đủ độ tin cậy thì các trường đại học sẽ sử dụng. Còn không các trường sẽ không sử dụng nữa”.
Trên nguyên tắc là vậy nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn lo, nếu không đủ độ tin cậy, rất có thể các trường đại học sẽ tổ chức kỳ thi riêng. Thi nhiều kỳ thi, thí sinh là người khổ và xã hội sẽ thêm tốn kém.
Chưa kể không phải cứ thi riêng là hết tiêu cực và hiện tại rất ít trường đại học đủ năng lực để tổ chức kỳ thi riêng đạt chuẩn. Bên cạnh đó, nếu không lường trước, rất dễ dẫn đến tình trạng trường tốp dưới đua nhau xét tuyển học bạ, khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Vì thế, dư luận băn khoăn là điều dễ hiểu.
Không quá áp lực với sự điều chỉnh này nhưng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nếu kỳ thi giữ được sự ổn định thì sẽ tốt hơn. Với việc thay đổi mục tiêu của đề thi, năm tới nhà trường dự định sẽ mở rộng thêm phương thức xét tuyển và cũng lên kế hoạch cho kỳ thi riêng trong tương lai.
Ông Đỗ Văn Dũng nói: “Theo tôi, việc xét tuyển vào đại học cũng như thi cử nói chung không nên thay đổi nhiều quá vì như vậy sẽ làm khổ thí sinh. Như cam kết của Bộ Giáo dục – Đào tạo, chúng ta giữ nguyên hình thức thi cử như vậy cho đến năm 2020 khi có chương trình phổ thông mới. Vấn đề bây giờ là đối với một kỳ thi chung như vậy, chúng ta cần tìm cách loại bỏ tính tiêu cực”.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM nhận định, việc thi cử quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan để đánh giá đúng năng lực người học. Thay đổi mục tiêu ra đề là phù hợp với nhu cầu thực tế vì một đề thi không thể nào hoàn thành tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, về lâu dài cần tính đến việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh như thế nào cho hiệu quả. Hiện nay công thức tính kết quả xét tốt nghiệp phổ thông gồm 50% điểm trung bình lớp 12 và 50% kết quả thi THPT quốc gia. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, tổ chức một kỳ thi quốc gia chỉ để phục vụ 50% kết quả xét tốt nghiệp như hiện nay là lãng phí và chưa thực sự hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: “Việc tổ chức một kỳ thi rất tốn kém nhưng cũng chưa phản ánh được hết chất lượng của học sinh thì cũng nên xem lại phương thức tổ chức. Nếu chúng ta chỉ xét tốt nghiệp THPT trên kết quả học bạ lớp 12 thì rõ ràng kỳ thi này không cần thiết. Còn nếu chúng ta xét tốt nghiệp căn cứ trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia thì kỳ thi này phải được tổ chức như thế nào để kết quả thực sự trung thực, khách quan”.
Cùng với việc thay đổi mục tiêu ra đề, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng công bố 6 nhóm giải pháp nhằm siết chặt chất lượng quy trình thi THPT quốc gia năm 2019, hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Các trường đại học và dư luận mong rằng, Bộ sẽ làm tốt khâu này để đảm bảo cao nhất tính khách quan của kỳ thi. Còn giáo viên và học sinh khối 12 thì hy vọng sớm tiếp cận bộ đề tham khảo để không phải cập rập đổi hướng học hành, ôn tập vì thời gian chẳng còn nhiều./.

Tin mới