Đề xuất đấu giá đất nhà văn hóa xóm sau sáp nhập để có kinh phí xây dựng mới

(Baonghean.vn) - Đây là phản ánh về ý kiến của cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An trong phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII vào chiều 12/8.

Liên quan đến xử lý nhà văn hóa khối, xóm sau sáp nhập, đại biểu Hà Xuân Quang - Tổ đại biểu huyện Diễn Châu cho biết: Sau sáp nhập, nhà văn hóa xóm vừa thừa, vừa thiếu vì số lượng xóm giảm nhưng diện tích, cơ sở vật chất lại thiếu do số hộ tăng lên. 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

“Cử tri băn khoăn, bây giờ muốn xây dựng mới thì lấy tiền ở đâu”, đại biểu Hà Xuân Quang bày tỏ và cho biết, cử tri đề xuất, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cho chủ trương xử lý bằng hình thức ở đâu mở được khuôn viên thì cho chủ trương mở để xây dựng thêm; còn ở đâu không mở thêm được khuôn viên mà đất nhà văn hóa đó phù hợp với quy hoạch đất ở thì cho chủ trương đấu giá bán đất ở. Toàn bộ kinh phí đấu giá dùng hỗ trợ 100% cho khối, xóm để xây dựng nhà văn hóa mới. 

Theo sự điều hành của chủ tọa Kỳ họp, trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Năm 2019, sau khi có chủ trương sáp nhập xã, xóm, thôn, bản, Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tài sản nhà, đất sau sáp nhập. 

Đại biểu Hà Xuân Quang phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Hà Xuân Quang phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, từ đó đến nay, đơn vị này đã có thêm 4 văn bản hướng dẫn để thực hiện nội dung này. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 18/21 đơn vị cấp huyện báo cáo về Sở Tài chính. 

Ngày 28/6/2021, Bộ Tài chính có công văn về hướng dẫn sắp xếp, quản lý tài sản sau sáp nhập. UBND tỉnh đã tiếp tục có cuộc họp trong tháng 7 vừa qua về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Hồ sơ, tài liệu báo cáo các đơn vị cấp huyện thì gần như mới chỉ có số liệu báo cáo, còn hồ sơ, tài liệu kèm theo thiếu rất nhiều. Đây là một trong những khó khăn trong việc xử lý sắp xếp tài sản nhà, đất sau sáp nhập. Cùng với đó, trên địa bàn các huyện có một số tài sản nhà, đất thuộc quản lý của Trung ương nên quá trình sắp xếp cần xin ý kiến Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời ý kiến đại biểu tại phiên họp chiều 12/8. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời ý kiến đại biểu tại phiên họp chiều 12/8. Ảnh: Thành Cường

Sở Tài chính đã báo cáo những khó khăn này với lãnh đạo UBND tỉnh; và tại phiên họp gần đây nhất, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ; theo đó những hồ sơ tài liệu đã đầy đủ sẽ trình sắp xếp trong tháng 8 này, còn những huyện mà hồ sơ tài liệu còn thiếu thì tiếp tục đôn đốc bổ sung hoàn thiện làm cơ sở để Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh.

Riêng trụ sở nhà văn hóa xóm sau sáp nhập, trước ý kiến cử tri đề xuất phương án cho tổ chức đấu giá các nhà văn hóa xóm để xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với quy mô dân số sau sáp nhập, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở tiếp thu để tham mưu cho UBND tỉnh trong xử lý chung về tài sản nhà, đất sau sáp nhập xã, xóm, thôn, bản. 

Tin mới