Đề xuất đúc nổi dòng chữ 'mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy'

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGTQG đã có ý kiến như trên tại hội thảo về mũ bảo hiểm, trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn”, diễn ra tại TP.HCM ngày 7/10/2020.
Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, Ủy ban ATGTQG phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) sẽ có báo cáo gửi đến Thường trực Chính phủ để ban hành chỉ thị mới về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm. “Chúng tôi sẽ soạn dự thảo chỉ thị, xin ý kiến của các Bộ, ngành trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Công thương, Bộ Công an, đặc biệt là Cảnh sát giao thông, để đưa vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm quy định đúc nổi dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” trên mũ" - ông Hùng nói.
Việc này để cho Cảnh sát giao thông dễ nhận thấy khi xử lý vi phạm về việc đội mũ bảo hiểm của người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện; đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hội thảo do Ủy ban ATGTQG và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức, nhằm đánh giá giữa kỳ và định hướng chương trình hành động về chất lượng mũ bảo hiểm trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn” do Quỹ UPS tài trợ (UPS là tập đoàn hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ hậu cần).
Đề xuất đúc nổi dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” - ảnh 1

Dự án “Hành trang An toàn” và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và an toàn đường bộ, các doanh nghiệp là nhà sản xuất mũ bảo hiểm tại Việt Nam.
Hội thảo đã công bố kết quả một nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ AIP phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện tại TP.HCM và tỉnh Thái Nguyên. Nhóm nghiên cứu đã thu thập ngẫu nhiên 540 mũ bảo hiểm đang được sử dụng của người lớn và trẻ em tại hai địa phương này để tiến hành nghiên cứu.
Điều đáng chú ý là có 25,9% số mũ được chọn khảo sát là mũ “lưỡi trai”, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy theo quy định tại tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
Đề xuất đúc nổi dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” - ảnh 2

Học sinh tiểu học tại TP.HCM tham gia chương trình truyền thông về đội mũ bảo hiểm.

Một vấn đề không kém phần nghiêm trọng là chỉ có 10,5% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm là đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN. Hay nói cách khác, 89,5% tổng số mũ được thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp không may gặp tai nạn giao thông
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGTQG nhận định: “Kết quả của nghiên cứu trên đây phản ánh một phần về thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng dẫn đến hạn chế trong việc giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi xảy ra va chạm. Mặc dù lượng mẫu khảo sát còn ít, nhưng kết quả nghiên cứu cũng phần nào phản ánh tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường, đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đối với loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện ở Việt Nam”.
Đại biểu dự hội thảo đã tham gia thảo luận nhóm về các chiến lược cải thiện chất lượng mũ bảo hiểm. Kết quả thảo luận nhóm sẽ góp phần vào việc xây dựng một kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm tại TP.HCM và tỉnh Thái Nguyên, từ đó làm tiền đề để mở rộng quy mô ra toàn quốc.

Tin mới