Đề xuất không xây thêm thủy điện nhỏ ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết tại cuộc họp do Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức nhằm thẩm tra về các nội dung báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, trong và sau kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh; kết quả thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay của Thường trực HĐND tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh; Hoài Thu
Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường và đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Hoài Thu

Qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và các cuộc tiếp xúc cử tri của các cấp, người dân các huyện miền núi phản ánh chủ yếu gồm các nội dung về tình trạng cấp điện, cấp nước sinh hoạt còn bất cập; tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm có nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn xảy ra.

Người dân các địa phương miền núi cũng phản ánh các hệ lụy của các dự án thủy điện đối với người dân bản địa; đề nghị thu hồi, giao đất, quản lý đất nông lâm trường, đất các công ty thương nghiệp miền núi, các công ty dược phẩm sử dụng sai mục đích; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân…

Tại cuộc làm việc, đối với các nội dung cử tri kiến nghị và giám sát của HĐND về các dự án thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huy Cương cho biết, toàn tỉnh còn 233 thôn, bản và đảo Mắt chưa có điện lưới; trong đó có 47 thôn, bản đang được nghiên cứu để cung cấp điện bằng nguồn năng lượng khác.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các huyện, thành, thị để lập danh sách thứ tự ưu tiên thực hiện đầu tư cung cấp điện. Tuy nhiên, ông Cương cũng nhận định, lộ trình đến 2020 việc đưa điện lưới đến được với 186 thôn, bản còn lại chưa có điện là rất khó khả thi, dù đã được Bộ Công thương phê duyệt dự án đầu tư.

Đối với đề nghị của người dân không phát triển các dự án thủy điện nhỏ, Sở Công thương bày tỏ đồng tình và đã có văn bản đề nghị với UBND tỉnh phê duyệt nội dung này.
Nhà máy thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu
Nhà máy thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu

Một số ý kiến khác của đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời các nội dung kiến nghị của từng địa phương về việc thu hồi đất nông lâm trường để bàn giao cho người dân ở Quỳ Châu, Quế Phong; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một số diện tích rừng phòng hộ nghèo kiệt để giao khoán cho các hộ dân ở Kỳ Sơn...

Đối với các nội dung cử tri kiến nghị, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tăng cường quan tâm hỗ trợ, xử lý, giải quyết; đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét lại một số nội dung cụ thể còn vướng mắc, chưa giải quyết dứt điểm. 

Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thực hiện 4 chuyên đề giám sát, gồm: Công tác quản lý về tuyển sinh và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc chương trình 135 trên địa bàn tỉnh từ 2014 - 2016; thực hiện chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 2013 đến nay.

Cho ý kiến về thực hiện các nội dung sau giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh đã có các ý kiến cụ thể góp ý, đề xuất các cấp, ngành liên quan quan tâm, giải quyết những nội dung cử tri kiến nghị và vấn đề giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh.

Tin mới