Đề xuất nhân rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trong cả nước

(Baonghean.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng, cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để nhân rộng trong hệ thống chính trị trên cả nước.

Sáng 27/4, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng".

a

Dự hội nghị ở điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Mai Văn Chính - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: Đội ngũ công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương có vai trò quan trọng quyết định đến hoạt động của các hệ thống chính trị.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cấp vụ, cấp sở, cấp phòng luôn là yêu cầu khách quan, cấp bách đòi hỏi của thực tiễn quản lý hiện nay. Trong đó, việc đổi mới phương thức tuyển chọn là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

“Việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Sở Nội vụ kiểm tra, sát hạch công chức. Ảnh: Thanh Lê
Sở Nội vụ kiểm tra, sát hạch công chức. Ảnh: Thanh Lê

Theo đánh giá tại hội nghị, qua gần 3 năm thực hiện thí điểm việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 14 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. 

Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị người đó lãnh đạo, quản lý. Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương nêu trên của Đảng là đúng đắn.

Thảo luận tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương trao đổi đánh giá quá trình triển khai thực hiện thí điểm của đề án; về những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… Đề xuất các giải pháp phù hợp tháo gỡ, khắc phục những hạn chế vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.

Tiếp thu ý kiến từ hội nghị, trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Đề án này, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành sà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết theo thẩm quyền đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến.

Đồng thời, từ những kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện tổng kết Đề án vào cuối năm 2022 và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương nhân rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị trong cả nước.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Theo báo cáo của 14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 12 cơ quan đã tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển, cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng có 10 ứng viên.

Đối với 22 tỉnh, thành thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 17 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển, cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng có 335 ứng viên.

Tin mới