Đề xuất xây dựng hơn 100 sân chơi cho thanh, thiếu nhi vùng khó ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Việc xây dựng các sân chơi sẽ tạo môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi phát huy và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, các trò chơi dân gian.

Chiều 16/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND  tỉnh đã họp để nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án “Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi tại các thôn, xóm đặc thù trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2023”.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì và phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì và phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH

Đề án “Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi tại các thôn, xóm đặc thù trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2023” được triển khai xuất phát từ tình hình thực tế khi rất nhiều thôn, xóm, nhất là các thôn xóm ở vùng đặc thù, thôn, xóm có hệ thống chính trị yếu và thiếu các sân chơi thanh thiếu nhi hầu như chưa có, còn thiếu hoặc không đảm bảo. Điều đó dẫn đến việc các em tự tìm các trò chơi không an toàn, không lành mạnh, thậm chí nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Trước đó, từ năm 2017, do tính cấp thiết của việc xây dựng các sân chơi tại các địa bàn khó khăn, vùng đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, chính quyền và nhân dân các địa phương đã xây dựng được nhiều công trình sân bóng chuyền, sân bóng đá, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi tại các khối, xóm đặc thù. Nhờ đó, tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh đã thực hiện được 91 điểm vui chơi (bao gồm 73 sân bóng chuyền, 14 sân bóng đá, 4 điểm vui chơi có mái che).

Đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư tỉnh đoàn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH
Đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh đoàn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH

Tuy vậy, theo như khảo sát ban đầu, toàn tỉnh đang còn 109 điểm vui chơi chưa được thực hiện (trong đó hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cải tạo 18 sân bóng đá, 79 sân bóng chuyền bê tông, 12 điểm vui chơi cho thiếu nhi có mái che).  Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 5,45 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2021 là 20 sân bóng, điểm vui chơi, năm 2022 là 50 sân bóng, điểm vui chơi và năm 2023 là 39 sân bóng, điểm vui chơi còn lại.

Với ý nghĩa thiết thực của đề án, tại buổi cho ý kiến đại đa số các ý kiến đều thống nhất với việc triển khai đề án. Bên cạnh đó, cũng đã góp ý nhiều ý kiến để bổ sung lại bố cục của đề án nhằm đảm bảo tính rõ ràng.

Ngoài ra,  các đại biểu cũng cho rằng trong quá trình thực hiện cần phải xem xét trên tổng thể chung, sao cho phù hợp với thực tế các địa phương và các công trình thuộc các đề án khác, đặc biệt là sau khi đã sáp nhập các thôn, xóm.

Cho ý kiến về đề án này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu Tỉnh đoàn là đơn vị chủ trì cần rà soát lại từng điểm để đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí và phải sử dụng hiệu quả. Trong đó, phải khoanh vùng rõ mục tiêu của từng dự án. Đề án cũng cần phải viết lại bố cục, quan tâm thêm các đơn vị thôn, xóm sau sáp nhập.

Sân chơi thiếu nhi do Đoàn Khối CCQ tỉnh thực hiện tại xã Nghi Tiến, Nghi Lộc. Ảnh: tư liệu
Sân chơi thiếu nhi do Đoàn Khối CCQ tỉnh thực hiện tại xã Nghi Tiến, Nghi Lộc. Ảnh: tư liệu

Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu các ban, ngành khác như ngành văn hóa, dân tộc, tài nguyên môi trường và các địa phương cần rà soát các dự án khác để tránh chồng chéo và có sự đầu tư tương đồng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ càng nguồn gốc đất đai, bản thiết kế mẫu cho từng công trình phải phù hợp với truyền thống của địa phương.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự đồng tình của nhân dân và chính quyền địa phương.

Tin mới