Đề xuất xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước

(Baonghean.vn) - Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình được quy định cụ thể hóa bằng các thông tư, nghị định. Trong tình hình hiện nay nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước.
a

Sáng 4/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Dự hội nghị có các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão. Ảnh: Thanh Lê

 Băn khoăn về phân luồng, liên thông trong giáo dục

Góp ý vào Dự thảo Luật, bà Bùi Thị Thu Hương - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn về nội dung của Điều 9, 10 về phân luồng, liên thông trong giáo dục.

"Liên thông các bậc đào tạo dẫn đến liên quan đến văn bằng, chứng chỉ, như vậy không phân biệt loại hình đào tạo, điều đó đòi hỏi đầu vào và chất lượng đào tạo cần được quan tâm. Trình độ chuẩn giáo viên, bằng cấp của giáo viên thực chất hay không” - bà Hương nói.

Phó Hiệu Trường Đại học Y khoa Vinh Cao Trường Sinh góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực của đại biểu. Ảnh: Thanh Lê

Còn ông Nguyễn Quang Hòa - cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị Dự thảo Luật bổ sung Điều 17 về vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trong nội dung không thấy trách nhiệm. Đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung cán bộ quản lý giáo dục chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với cơ sở giáo dục mình phụ trách.

“Làm sao ngành Giáo dục tránh bệnh thành tích, sàng lọc học sinh ngay từ cơ sở, không để tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp”- ông Hòa kiến nghị.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bao gồm 10 chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung mới; nhiều chính sách mới được bổ sung trong luật như: về mục tiêu giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân; ngôn ngữ, chữ viết dùng trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; về các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông; chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; Hội đồng trường; vị trí, vai trò của nhà giáo; chế độ cử tuyển;…

 Thống nhất sách giáo khoa toàn quốc

Quy định về sách giáo khoa là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đa số các đại biểu đều thống nhất chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình được quy định cụ thể hóa bằng các thông tư, nghị định. Trong tình hình hiện nay nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước.

Theo ý kiến của bà Hoàng Thị Liên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh đề xuất nên duy trì một bộ sách giáo khoa cơ bản, không nên giao cho UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục vừa gây khó khăn, tốn kém, chỉ nên quy định ở địa phương nào có điều kiện, có sáng kiến thì tổ chức nghiên cứu, biên soạn.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Cùng quan điểm ông Phạm Huy Đức - Hội Cựu giáo chức tỉnh cho rằng, theo xu thế thế giới một chương trình nhiều sách giáo khoa nhưng đối với Việt Nam cần phải đi từng bước, có lộ trình. Trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì biên soạn, thẩm định, làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cả nước. Bên cạnh đó cần có các bộ sách khác để tham khảo, lựa chọn.

Ý kiến các đại biểu nêu rõ một số vấn đề bất cập mà Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: phạm vi và đối tượng điều chỉnh; chính sách đối với các nhà giáo; vấn đề miễn giảm học phí; giải thích từ ngữ bổ sung thêm, nhiều quy định còn chung chung, ngôn ngữ thể hiện mục tiêu mang tính trìu tượng chung chung, mang tính chính trị của loại hình nghị quyết.

GiờHọc sinh Trường Tiểu học Nghi Hoa (Nghi Lộc) trong giờ lên lớp môn tiếng Việt.  Ảnh tư liệu

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo, người học, vai trò, trách nhiệm, chính sách đối với người quản lý giáo dục; cần quy định cụ thể hơn nội dung Điều 61 về tham gia tuyển dụng nhà giáo,...

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và có ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tin mới