Đêm trắng chạy đua với mưa lũ của người dân Thanh Chương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mưa lớn, nước lũ dâng nhanh, lực lượng chức năng cùng người dân nhiều địa phương ở huyện Thanh Chương đã tích cực giúp nhau chạy lũ trong đêm 28/9 và hiện vẫn đang tổ chức ứng trực, đề cao tinh thần cảnh giác...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, trên địa bàn Thanh Chương từ đêm 27 đến đêm 28/9 có mưa lớn kèm theo gió lốc khiến nhiều địa phương, nhất là các xã vùng trũng, vùng núi bị úng ngập, chia cắt cục bộ.

Đặc biệt, đêm 28/9, mưa lớn kèm theo lốc mạnh diễn ra nhiều giờ liền, khiến nước trên sông suối dâng nhanh, gây úng ngập ở một số địa phương, nhiều thôn xóm, nhiều gia đình phải chạy lũ cả đêm.

Nước lũ ngập nhà dân trong đêm ở xã Ngọc Lâm. Ảnh: CTV

Nước lũ ngập nhà dân trong đêm ở xã Ngọc Lâm. Ảnh: CTV

Tại xã Ngọc Lâm, các bản làng mênh mông nước, người dân đội đèn giúp nhau di chuyển đồ đạc lên các vị trí cao hơn nhằm tránh lũ quét. Ông Vi Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm cho biết, đêm 28/9, xã có 5 bản bị ngập nước.

Vùng Bích Hào hạ huyện Thanh Chương cũng là địa phương sớm bị ngập. Ông Nguyễn Khánh Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân cho biết: Đề phòng nước dâng, khoảng 20h đêm 28/9, xã đã cho di dời hàng chục hộ tiểu thương ra khỏi chợ Đàng. Hiện khu vực chợ Đàng đã bị ngập sâu.

Nước lũ ngập nhà dân trong đêm ở xã Võ Liệt. Clip: CTV

Từ 23h đêm 28/9 đến 3h sáng 29/9, tại các xã Thanh Hòa, Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Đồng, Thanh Đức, Võ Liệt… nhiều gia đình đã bị nước lũ dâng nhanh làm ngập nhà, ngập chuồng gia súc, nhiều nơi nước cao từ 0,5 đến 1m. Những hộ dân ở gần sông suối sớm bị ngập và dễ bị ngập sâu. Đặc biệt như gia đình chị Trần Thị Bắc ở xã Thanh Đức, nước lũ dâng nhanh trong đêm, chị không kịp di chuyển lương thực, đồ đạc… nhà và tài sản đều ngập sâu trong nước lũ.

Trong đêm 28/9, người dân cùng cơ quan chức năng nhiều địa phương ở Thanh Chương đã thức trắng đêm để trực lũ, kê đồ đạc trong nhà, sơ tán người, di chuyển tài sản… Nơi đâu nghe tiếng trống, tiếng kẻng báo động, là mọi người sẵn sàng vượt nước lũ đi giúp bà con.

Lực lượng chức năng xã Đại Đồng giúp dân di chuyển gia súc trong nước lũ. Ảnh: CTV

Lực lượng chức năng xã Đại Đồng giúp dân di chuyển gia súc trong nước lũ. Ảnh: CTV

Chị Chu Thị Hảo - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Hương cho biết, từ 23h đêm 28/9 đến gần sáng 29/9, lực lượng chức năng của xã đã chia thành các nhóm nhỏ, về từng xóm giúp đỡ các gia đình bị ngập, di tản người già yếu, trẻ em, hỗ trợ bà con vận chuyển lương thực, di chuyển gia súc, gia cầm đến các vị trí cao trên địa bàn. Theo chị Hảo, giữa mưa lớn, khó khăn nhất là di chuyển các đàn lợn trong đêm.

Đêm qua, một số địa phương còn xảy ra sạt lở mạnh, nhiều cây cổ thụ đổ gãy. Bên cạnh đó, tình trạng mất điện cục bộ ở một số nơi trong lúc nước lũ dâng nhanh cũng khiến việc di tản người, di chuyển tài sản, vật nuôi gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng xã Đại Đồng túc trực giúp dân chạy lũ. Ảnh: CTV

Lực lượng chức năng xã Đại Đồng túc trực giúp dân chạy lũ. Ảnh: CTV

Anh Trần Công Thắng ở xã Thanh An cho biết: “Đêm qua, nhiều gia đình ở xóm An Phú, xã Thanh An bị đất núi sạt lở vào tận nhà, rất nguy hiểm. Trời vẫn đang mưa rất to, khả năng sẽ còn sạt lở tiếp, người dân tại địa phương rất lo lắng, nhất là nếu sạt lở xảy ra vào ban đêm”.

Hoàn lưu bão số 4 đã gây thiệt hại nặng cho người dân nhiều địa phương ở Thanh Chương, nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp bị ngập, đổ gãy, nhiều diện tích thủy sản, nhất là các ao hồ nuôi cá bị mất trắng…

Đêm 28/9, do nước lên quá nhanh, nhiều hộ nuôi cá trở tay không kịp. Anh Phan Văn Bảy ở xóm Đồng Hòa, xã Thanh Hoà cho biết, đêm qua gia đình anh phải bất lực nhìn nước tràn ao nuôi cá rộng 3,3 ha, ước tính khoảng trên 4 tấn cá đã bị trôi theo dòng nước.

Di chuyển người già trong nước lũ ở xã Thanh Hương. Clip: CTV

Đêm 28/9, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch huyện Thanh Chương kịp thời có mặt cùng với người dân, nhanh chóng chỉ đạo việc phòng chống lũ lụt ở các địa phương, đề nghị lực lượng chức năng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương ưu tiên hỗ trợ các gia đình bị ngập, nguy cơ sạt lở đất, di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn; cắt cử lực lượng canh phòng các điểm xung yếu, nhất là hệ thống hồ đập, đường giao thông bị ngập, nước chảy xiết, kịp thời báo tin về UBND huyện khi có sự cố bất thường để được hỗ trợ. Đồng thời, bà con nhân dân cũng cần chủ động phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, tránh chủ quan...

Chủ trương của các địa phương ưu tiên người già, người bệnh, trẻ nhỏ trong quá trình chạy lũ. Ảnh: CTV

Chủ trương của các địa phương ưu tiên người già, người bệnh, trẻ nhỏ trong quá trình chạy lũ. Ảnh: CTV

Hiện trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn đang có mưa to, nước sông Lam, sông Giăng, sông Gang, sông Rộ, sông Trai…, cùng hệ thống khe suối đang dâng nhanh, nguy cơ gây ngập úng, lũ quét diện rộng. Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn các cấp, cùng lực lượng công an, dân quân của các địa phương đã tổ chức ứng trực, phối hợp cùng người dân chống lũ trong mọi thời điểm.

Tin mới