Đến năm 2025 có 70% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ

(Baonghean.vn) - Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức thiết thực và là kim chỉ nam đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Chiều 16/5, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh - MH

Đến dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Lê Tấn Dũng -Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các trường cao đẳng, trung cấp nghề đóng trên địa bàn khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về đặc điểm tình hình của tỉnh Nghệ An và công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm qua.

Hiện toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và số học sinh, sinh viên tham gia học nghề ngày một tăng. Chất lượng, hiệu quả đào tạo đã có chuyển biến tích cực với tỷ lệ có việc làm đạt 80,76%, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước nói chung.

Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm như lực lượng lao động đào tạo chưa cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường sử dụng lao động.

Nhiều nơi, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế có quy mô nhỏ, số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo còn thiếu và chưa đảm bảo cơ cấu; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong tình hình mới.

Từ thực tế trên, đồng chí Bùi Đình Long đánh giá cao việc triển khai hội nghị. Qua đó, nhằm phân tích, đánh giá những thách thức, khó khăn, làm rõ những cơ hội, lợi thế và đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm đưa giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh, bền vững, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Hội nghị cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, học tập thêm nhiều kinh nghiệm về công tác giáo dục nghề nghiệp; đồng thời tìm kiếm, chia sẻ cơ hội hợp tác từ các đồng nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Từ hội nghị này, Nghệ An cũng nhìn nhận, đánh giá lại việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian vừa qua, có thêm nhiều thông tin, định hướng quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới.

 Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham dự cũng nghe kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 2239/QĐ – TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án  về giáo dục nghề nghiệp trong các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; công tác tuyển sinh, đào tạo gắn với việc làm.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức thiết thực và là kim chỉ nam đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới sẽ bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động đã được xác định tại Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu nghe giới thiệu về Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: MH
Các đại biểu nghe giới thiệu về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, giáo dục nghề nghiệp luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ tổng hòa với giáo dục đào tạo, thị trường lao động trong nước và thế giới; giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Tại Việt Nam, dự kiến thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới đến năm 2025 đạt gần 63 triệu người, trong đó, 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực. Từ đó, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giờ học nghề của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh: MH
Giờ học nghề của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Điều này là cơ hội, nhưng cũng là yêu cầu hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ, có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường việc làm, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số; phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông.

Qua hội nghị, Thứ trưởng khuyến khích các địa phương nghiên cứu, xây dựng chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu chung của chiến lược. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung và tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong tổ chức thực hiện các nội dung của Quyết định số 2239/QĐ-TTg.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội thăm và làm việc với Trường Cao đẳng số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: MH
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thăm và làm việc với Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng thời, tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách hiện nay chưa phù hợp để điều chỉnh, bổ sung trong thời gian tới.

Tin mới