Đền Quả Sơn khai hội trong mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 10/2 (tức 20 tháng Giêng năm Qúy Mão), đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương tổ chức khai hội. Mặc dù mưa lớn, lễ hội vẫn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.

Đền Quả Sơn được xây dựng từ thời Lý để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của Vua Lý Công Uẩn, người có công khai dân lập ấp, đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, mở mang ngành nghề phát triển kinh tế nông nghiệp vùng đất Hoan Châu.

Quang cảnh đền Quả Sơn sau khi trùng tu tôn tạo. Ảnh: Huy Thư

Quang cảnh đền Quả Sơn sau khi trùng tu tôn tạo. Ảnh: Huy Thư

Sau khi ông mất, người dân đã lập đền thờ dưới chân núi Quả Sơn. Ngoài thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đền Quả Sơn còn thờ Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai hoàng tử được vua Lý cử vào giúp Lý Nhật Quang trong việc chính sự.

Lãnh đạo huyện Đô Lương đánh trống khai hội trong mưa. Ảnh: Huy Thư

Lãnh đạo huyện Đô Lương đánh trống khai hội trong mưa. Ảnh: Huy Thư

Trải qua cả nghìn năm, đền Quả Sơn đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Đến đầu thế kỷ thứ 20, đền có quy mô 7 toà được xếp vào hạng quốc tạo, quốc tế (tức là Nhà nước đứng ra xây dựng, tế lễ) và được xem là một trong những đệ nhất danh thiêng của xứ Nghệ “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Trong kháng chiến, đền bị hư hỏng nặng. Những năm 90 của thế kỷ trước, đền được trùng tu, tôn tạo trên nền đất cũ, gồm 3 tòa hạ, trung, thượng điện.

Nghi thức lộn quân bộ trong khuôn viên đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Nghi thức lộn quân bộ trong khuôn viên đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và du khách thập phương về tham quan, dâng hương tại đền Quả Sơn, những năm qua, huyện Đô Lương thường xuyên đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích. Trước ngày khai hội, đền Quả Sơn đã có diện mạo mới khang trang, gồm khu đền thờ, sân lễ hội, bến thuyền.

Khu đền thờ chính với nhiều hạng mục như cổng tam quan, nghi môn, hạ, trung, thượng điện, tả hữu vu, nhà thổ thần, nhà truyền thống, lăng mộ, nhà thiết lễ, nhà kho... được xây dựng, trùng tu, sắp xếp lại một cách đăng đối, hài hòa. Cùng với việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp các hạng mục điện thờ... trong khuôn viên đền, hệ thống vườn hoa, cây cảnh được chăm sóc chu đáo.

Nghi thức lộn quân thủy trên sông Lam. Ảnh: Huy Thư

Nghi thức lộn quân thủy trên sông Lam. Ảnh: Huy Thư

Trước đền, bến đền, kè sông Lam đã được xây dựng lại không chỉ góp phần chống sạt lở, làm đẹp cảnh quan mà còn đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác tổ chức lễ hội cũng như phục vụ nhân dân và du khách.

Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc, tưởng nhớ công đức các vị phúc thần, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và du khách thập phương, góp phần giáo dục truyền thống, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Hấp dẫn hội chèo bơi trong Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Hấp dẫn hội chèo bơi trong Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Đền Quả Sơn đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia, Lễ hội Đền Quả Sơn đã được xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Lễ hội Đền Quả Sơn 2023 diễn ra từ ngày 8/2 - 10/2 (tức ngày 18 đến 20 tháng Giêng năm Qúy Mão) với nhiều hoạt động hấp dẫn, như lễ yết cáo, lễ yên vị, tân lễ, hội đua thuyền, trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy) thi đấu thể thao, diễn văn nghệ… trong đó, trò lộn quân, lễ rước thần và hội đua thuyền là những điểm nhấn quan trọng, đặc sắc của lễ hội.

Gian trưng bày giới thiệu hàng nông sản đặc sản huyện Đô Lương tại Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Gian trưng bày giới thiệu hàng nông sản đặc sản huyện Đô Lương tại Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Huy Thư

Ngay sau khi lãnh đạo huyện Đô Lương đánh trống khai hội, nghi thức lộn quân đã diễn ra tại sân đền và trên sông Lam. Do điều kiện thời tiết có mưa lớn, đoàn rước bộ phải tạm hoãn, lễ rước thần trên sông Lam lên chùa Bà Bụt vẫn diễn ra trọng thể.

Về với Lễ hội Đền Quả Sơn 2023, du khách không chỉ được dâng hương bái tạ thần linh, thể hiện tấm lòng thành kính, mà còn được trải nghiệm không gian lễ hội cổ kính, linh thiêng, thưởng lãm, mua sắm các đặc sản nổi tiếng của xứ Lường.

Nghi thức lộn quân trong lễ rước thần Lễ hội Đền Quả Sơn. Video: Huy Thư

Tin mới