Dẹp tour 0 đồng, mạnh tay thôi chưa đủ

Ngành du lịch cho biết sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh hơn để dẹp tour 0 đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Song, nhiều ý kiến cho rằng chỉ xử phạt là chưa đủ để xóa loại tour này mà cần phải tăng cường dịch vụ, thông tin cho khách hàng và hợp tác chặt chẽ với đối tác ở đầu nguồn

Tour 0 đồng trỗi dậy

Ngành du lịch sẽ xử phạt mạnh tay hơn để dẹp tour 0 đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Ảnh: Minh Duy
Ngành du lịch sẽ xử phạt mạnh tay hơn để dẹp tour 0 đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Ảnh: Minh Duy

Tour 0 đồng là loại tour được doanh nghiệp bán dưới giá thành nhưng lấy lời bằng việc ép khách đi tour mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao... Tour thường do công ty lữ hành nước ngoài tự điều hành hoặc bán lại tour cho một số công ty du lịch, hướng dẫn viên du lịch địa phương.

Tour 0 đồng có ở nhiều thị trường, nhưng tập trung nhất ở hai thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, chủ cửa hàng mua sắm ở những địa phương Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã bị phạt, thậm chí có cửa hàng đã bị đóng vì tham gia điều hành loại tour này cho du khách Trung Quốc.

Từ năm ngoái, tour 0 đồng tạm lắng xuống sau hàng loạt biện pháp xử phạt mạnh tay của cơ quan quản lý. Nhưng từ đầu năm đến nay, loại tour này lại có dấu hiệu trỗi dậy.

Một số địa phương như thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục thực hiện những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn. Trong đó, UBND thành phố Hạ Long đã yêu cầu đóng cửa, dừng ngay toàn bộ hoạt động kinh doanh, phục vụ khách du lịch của điểm mua sắm thuộc một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nơi được cho là nằm trong chuỗi dịch vụ 0 đồng. Vài ngày trước, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra văn bản về việc xử lý các hoạt động vi phạm liên quan đến đón khách du lịch Trung Quốc từ tour 0 đồng.

Nhiều doanh nghiệp ủng hộ các biện pháp mạnh này, cho rằng cần làm mạnh tay để môi trường du lịch tốt hơn, giữ hình ảnh điểm đến và bảo vệ du khách. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần xử lý những doanh nghiệp trong nước tiếp tay cho dịch vụ này. Với thị trường Trung Quốc, để có khách, dù biết giá tour quá rẻ không thể đảm bảo dịch vụ có chất lượng, nhưng một số công ty trong nước vẫn chấp nhận trả đối tác từ vài chục đến vài trăm nhân dân tệ mỗi khách để nhận hợp đồng.

Người phụ trách thị trường Trung Quốc của một công ty du lịch lớn tại TPHCM cho biết, không chỉ tour đường bộ ở Quảng Ninh mà nhiều tour du lịch bằng máy bay thuê bao cho du khách Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ này. Vì thế giá tour thuê bao cho khách Trung Quốc đến một số địa phương hiện nay chỉ bằng giá vé máy bay khứ hồi thông thường nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh.

“Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng không thể tham gia vào bất cứ mắt xích nào trong chuỗi dịch vụ cho tour 0 đồng. Chúng tôi gần như đã mất thị trường khách du lịch phổ thông, chỉ còn khai thác được thị phần có chi tiêu cao hơn”, bà nói.

Du khách “đói” thông tin

Trao đổi với PV về tour 0 đồng, nhiều doanh nhân cho biết để giải quyết cần phải kết hợp cả những hành động xử phạt mạnh tay và các chương trình phát triển dịch vụ, quảng bá thông tin đến du khách cũng như kết nối với đối tác từ Trung Quốc để tiếp cận thị trường sâu hơn. Nếu địa phương kiên quyết xử phạt các cửa hàng, công ty trong chuỗi dịch vụ 0 đồng mà lại không phát triển những dịch vụ phong phú hơn để phục vụ và tìm cách tiếp cận khách hàng thì không thể.

Từng có thời gian dài quan sát dòng du khách Trung Quốc đến Cam Ranh, ông Colin Blackwell, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Anh - doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ tại sân bay cho một số hãng hàng không nước ngoài – cho rằng thiếu thông tin là nguyên nhân chính khiến nhiều du khách tham gia loại tour này. Phần lớn du khách từ các chuyến bay thuê bao là những người ít có thông tin về điểm đến, lại thường nghe những lời giới thiệu không hay lắm từ các trưởng đoàn du lịch về dịch vụ kém, người bán hàng nói thách... nên thường chỉ mua sắm tại những cửa hàng có trong tour. Thêm vào đó, những cửa hàng này cũng có các dịch vụ tiện ích như gửi hàng về nước để du khách rảnh rang đi tour nên được nhiều người chọn.

“Du khách sợ bị lừa nếu sử dụng dịch vụ, mua sắm ở những nơi ngoài chương trình tour và cũng không biết nơi nào tốt để tin cậy. Để giúp khách hàng và chặn tour này thì ngành du lịch phải đưa thông tin đến họ”, ông Blackwell nói.

Theo ông, quảng bá trực tuyến là kênh thông tin hiệu quả nhất với du khách Trung Quốc. Khi đến Việt Nam, du khách sẽ kết nối Internet mua SIM card, đây là cơ hội để người bán hàng giới thiệu cho du khách biết có thể mua cái gì, mua ở đâu. Tuy nhiên, thông tin phải là tiếng Hoa và cần thêm có các dịch vụ hậu cần như đóng gói, chuyển hàng...

Một số doanh nhân khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng cần giới thiệu thông tin du lịch bằng tiếng Hoa ở các cửa ngõ hàng không, đường bộ và những điểm tham quan. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch tiếng Hoa để đủ nhân lực phục vụ, hạn chế tình trạng thiếu người nên đối tác Trung Quốc cho người dẫn khách và điều hành dịch vụ trái phép.

Cơ quan quản lý du lịch quốc gia cũng nên học cách người Thái để tiếp cận thị trường Trung Quốc hiệu quả hơn. Để dẹp tour 0 đồng, Thái Lan không chỉ mạnh tay trấn áp doanh nghiệp kinh doanh trái phép trong chuỗi dịch vụ này mà còn hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong một lần trao đổi về tour 0 đồng, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang Travelink, cho biết bản thân cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc cũng không muốn công dân của họ đi những loại tour này, nên cần có sự hợp tác của hai bên để nâng chất lượng dịch vụ cho khách hàng. “Tour 0 đồng là dịch vụ khó có thể xóa bỏ, nhưng nếu thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp sẽ có những chuyển biến tích cực như các điểm đến khác đã làm”, ông Thành nói.

Tin mới