Dệt thổ cẩm thu nhập gần 4 tỷ đồng ở Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn miền Tây Nghệ An đang bị mai một thì nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Tân Kỳ đang phát triển với diện mạo mới, mỗi năm cho thu nhập gần 4 tỷ đồng.

Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần ổn định đời sống cho người dân ở bản Thái Minh.
Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần ổn định đời sống cho người dân ở bản Thái Minh.

Bản Thái Minh ở xã Tiên Kỳ có 100% hộ dân là người dân tộc Thái sinh sống, hầu như gia đình nào cũng có khung dệt thổ cẩm. Năm 2009 bản Tháu Minh được công nhận làng có nghề, từ đây nghề dệt thổ cẩm ở bản có bước phát triển mới. Sản phẩm của chị em đa dạng như khăn, váy, áo với những nét họa tiết, hoa văn phong phú được khách hàng ưa chuộng.

Năm 2014 toàn bản chỉ có 45 hộ tham gia dệt thổ cẩm thì đến nay có trên 85 hộ. Cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi năm bà con sản xuất trên 20 nghìn sản phẩm các loại với tổng thu nhập trên 2,6 tỷ đồng.

Chị Lê Thị Hoa ở bản Thái Minh cho biết: “Tôi tham gia nghề dệt thổ cẩm khoảng hơn 30 năm, tôi thấy nghề dệt thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng và chỉ tranh thủ nông nhàn thôi”.

Năm 2015, bản Thái Minh được UBND tỉnh Nghệ An đã trao bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân trong bản, đồng thời là động lực để bà con tiếp tục gắn bó duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ trao 20 triệu đồng hỗ trợ bản Thái Minh dịp bản được công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ trao 20 triệu đồng hỗ trợ bản Thái Minh dịp bản được công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm.

Không chỉ xã Tiên Kỳ mà hiện nay tại các xã như: Nghĩa Hoàn, Đồng Văn, Nghĩa Thái, Phú Sơn …nghề dệt thổ cẩm phát triển khá mạnh. Hiện nay huyện Tân Kỳ hiện có 42 tổ dệt với 376 chị em tham gia. Mỗi người bình quân một tháng đã có thêm thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Sản phẩm được khách hàng nhiều địa phương ưa chuộng.

Ông Nguyễn Viết Hòa – Phó trưởng Phòng Công thương huyện Tân Kỳ cho biết thêm: “Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Kỳ, hàng năm tỉnh và huyện đều có chính sách hỗ trợ cho bà con. Trong đó năm 2014 khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cho làng nghề dệt thổ cẩm ở Tiên Kỳ 45 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 100 triệu đồng. Tiếp đó, năm 2015 khuyến công tỉnh  hỗ trợ nghề dệt thổ cẩm ở xã Phú Sơn với số tiền 45 triệu đồng. Đến năm nay tỉnh tiếp tục hỗ trợ 45 triệu và mở các lớp tập huấn về nghề dệt thổ cẩm ở huyện Tân Kỳ". 

Các nghệ nhân hướng dẫn truyền nghề cho thế hệ trẻ ở Tân Kỳ.
Các nghệ nhân hướng dẫn truyền nghề cho thế hệ trẻ ở Tân Kỳ.
Nhờ sự phong phú, đa dạng của sản phẩm thổ cẩm ở Tân Kỳ nên khách hàng rất ưa chuộng.
Nhờ sự phong phú, đa dạng của sản phẩm thổ cẩm ở Tân Kỳ nên khách hàng rất ưa chuộng.

Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Tân Kỳ. Để nghề dệt thổ cẩm phát huy đúng giá trị vốn có rất cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Cùng đó, các cấp ngành cần có định hướng bằng các chính sách cụ thể để nghề dệt thổ cẩm ở huyện Tân Kỳ phát triển bền vững, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Thái ở Miền tây xứ Nghệ.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới