Di cư, hồi cư và những hệ lụy

(Baonghean.vn) - Di cư là một thực tế đã diễn ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Riêng thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch việc di cư của người dân đã tác động đến khá nhiều địa phương khi hàng chục nghìn lao động đã ồ ạt trở về.

Nỗi niềm di cư

Xồng Bá Túa, Lỳ Y Súa (nhà ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) chỉ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có 2 người con. Đầu năm nay, vì ở nhà không có việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn, hai vợ chồng gửi con cho ông bà rồi vào Bình Dương làm việc. Chuyến đi tưởng chừng kéo dài nhưng bất ngờ bị gián đoạn vì dịch Covid – 19 bùng phát và cả hai phải “trốn dịch” vượt hơn 1000 km trở về bằng xe máy.

Toàn xã Mường Lống có 229 người trở về trong đợt dịch này, trong đó có 21 trường hợp đã có kết quả dương tính với Covid – 19. Đây có lẽ cũng là thời điểm khó khăn nhất của chính quyền xã khi vừa phải làm tốt việc cách ly tập trung, vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn.

Ông Lỳ Bá Xồng – Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống cho biết: “Từ 5 năm trở lại đây, số lao động trên địa bàn đi làm ăn xa ngày càng nhiều và hiện đang còn khoảng 1.500 lao động chưa về. Điều này là tất yếu bởi người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã ngày càng nhiều nhưng việc làm thì ngày càng ít và họ buộc phải đi xa để tìm kế sinh nhai”.

Nghệ An có hàng chục nghìn lao động đang làm việc ở các tỉnh trong cả nước. Ảnh: MH.
Nghệ An có hàng chục nghìn lao động đang làm việc ở các tỉnh trong cả nước. Ảnh: MH.

Từ tháng 4 đến nay, huyện Kỳ Sơn đã đón 4.000 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là một số lượng nhỏ trong số hơn 17.000 lao động của huyện đang làm ăn tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, Kỳ Sơn đang có khoảng gần 5.000 lao động ở các huyện, thành, thị khác trong toàn tỉnh.

Ông Lê Hồng Lập – Trưởng phòng Lao động huyện Kỳ Sơn cũng cho biết: “Trong những năm gần đây, năm nào số lao động Kỳ Sơn di cư, đi làm ăn cũng tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Rất nhiều lao động trong số này chỉ mới học xong lớp 9 là bỏ học để đi làm và chủ yếu đều là lao động thủ công”.

Trên thực tế, việc lao động đi làm ăn xa cũng đem lại những tích cực bởi điều đó giải quyết được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở địa phương. Tuy vậy, khi lao động trở về cũng tạo ra những áp lực, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay bởi ngoài việc đảm bảo công tác cách ly, phòng dịch thì xa hơn là vấn đề giải quyết việc làm. Trong khi đó, nếu thất nghiệp kéo dài sẽ dẫn tới những hệ lụy như tái diễn nạn phá rừng, các tệ nạn xã hội.

Người lao động Nghệ An hồi hương trở về sau mùa dịch Covid 19. Ảnh: MH
Người lao động Nghệ An hồi hương trở về sau mùa dịch Covid-19. Ảnh: MH

Trên toàn tỉnh, từ tháng 4 đến nay, số lao động Nghệ An trở về từ vùng dịch là trên 78.000 người. Trong đó, có 19.592 người trong độ tuổi lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bị mất việc làm, chiếm 25%.

Trước đó, theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện lao động người Nghệ An đang lưu trú và làm việc ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước là trên 120.000 người; chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15-35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do tại các thành phố lớn như: TP. Hà Nội 5.313 người, TP. Hồ Chí Minh 49.466 người, Bình Dương 26.231 người, Bắc Ninh 14.000 người, Đồng Nai 6.567 người, Hải Dương 3.249 người, Quảng Ninh 6.000 người…

Hiện Nghệ An cũng là một trong những địa phương có lao động làm việc ngoại tỉnh đông nhất cả nước. Xu hướng dịch chuyển lao động này không chỉ diễn ra trong những năm gần đây, mà đã kéo dài hàng gần 20 năm.

Những tác động

Di cư là sự di chuyển dân số từ quốc gia này đến cư trú ở quốc gia khác, từ đơn vị hành chính này tới cư trú ở đơn vị hành chính khác. Trong đó, việc di cư nội địa có thể hiểu từ huyện này sang huyện khác hoặc từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Di cư nội địa có vai trò quan trọng tới biến động dân số, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh và mức chết trên địa bàn tương đối ổn định. 

Lao động Nghệ An tham gia phỏng vấn ngoại ngữ, sang lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Thanh Nga
Lao động Nghệ An tham gia phỏng vấn ngoại ngữ, sang lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Thanh Nga

Tại Nghệ An, theo kết quả điều tra dân số năm 2019, số lượng người di cư nội địa (trong huyện, giữa các huyện, giữa các tỉnh) là gần 80.000 người. Con số này có nhiều biến động so với năm 2009. Đáng lưu ý, mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ, người di cư có xu hướng lựa chọn điểm đến di cư trong phạm vi quen thuộc của họ.

Hiện, toàn tỉnh có gần 3 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 11,1 vạn người, chiếm 3,7%, trong đó, số người di cư trong huyện và di cư giữa các huyện chiếm lần lượt là 1,6% và 0,6%; nhóm di cư giữa các tỉnh chiếm tỷ lệ thấp nhất 0,5%. Tại thời điểm này, Nghệ An vẫn là tỉnh ở mức di cư thuần âm (-30,3‰) bởi số lượng người xuất cư đến lớn hơn số người nhập cư.

Trong thập kỷ 1999 - 2009, xu hướng gia tăng di cư chủ yếu do chính sách khuyến khích di dân đến những vùng kinh tế mới, đồng thời di cư ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ kèm theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cũng như sự bùng nổ của các khu công nghiệp, chế xuất. Tuy nhiên, tới thập kỷ 2009 - 2019, việc thực hiện thành công các chương trình mục tiêu, dự án kinh tế - xã hội tại các địa phương mà điển hình là Chương trình mục tiêu QG xây dựng Nông thôn mới đã thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, qua đó làm giảm số lượng di cư trong giai đoạn này.

Qua thống kê, việc làm là một trong những lý do chính tác động tới quyết định di chuyển của người di cư ngoại tỉnh, trong khi lý do gia đình là yếu tố quyết định tới sự di chuyển của những người di cư trong tỉnh. Cụ thể, phần lớn người di cư quyết định chuyển tới nơi ở mới vì lý do kết hôn (49,9%); theo gia đình/chuyển nhà (27,3%) hoặc tìm việc/bắt đầu công việc mới (12,4%). Trong đó, hơn một nửa (56,8%) số người di cư trong huyện và gần một nửa (46,7%) người di cư giữa các huyện di cư vì lý do kết hôn.

Di cư ngoại tỉnh cũng không ngoại lệ, lý do di cư là do kết hôn (31,3%), tìm việc/bắt đầu công việc mới (29,8%) và theo gia đình/chuyển nhà (20,2%). 

Thực tế cũng cho thấy, di cư tạo ra những tác động tích cực và tiêu cực cho cả nơi đến và nơi đi. Trong đó, tác động tích cực đối với nơi đi là giải quyết được các vấn đề lao động dư thừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp xóa đói giảm nghèo, đóng góp phát triển quê hương. Cùng với đó, tạo nguồn lao động có chất lượng khi họ trở về, bởi người di cư đi làm việc ở nơi khác sẽ học được các kỹ năng, nâng cao tay nghề và đặc biệt là kỹ năng mềm trong mọi lĩnh vực.

Người dân huyện Tân Kỳ làm việc tại một nhà may trên địa bàn. Ảnh: MH.
Người dân huyện Tân Kỳ làm việc tại một nhà máy trên địa bàn. Ảnh: MH.

Đối với nơi đến, hiện tượng di cư sẽ bù đắp được sự thiết hụt lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển dịch vụ, bởi lao động nhập cư sẽ kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác tại nơi đến. Tuy vậy, việc di cư quá nhiều, đối với nơi đi sẽ làm thiếu hụt lao động ở một số ngành, nghề, làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của nơi đi, tạo ra các hệ lụy xã hội. Đối với nơi đến, tình trạng di cư sẽ tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, y tế, giáo dục và tài nguyên môi trường; tạp nên gánh nặng an sinh xã hội và phá vỡ các quy hoạch của địa phương. Thực tế này cũng đang xảy ra tại nhiều địa phương ở Nghệ An, đặc biệt hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy rất nhiều nhưng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn lao động.

Những khảo sát về số lượng người di cư đến và đi trong tỉnh cũng là căn cứ để đánh giá chất lượng, số lượng nguồn lao động tỉnh nhà và có giải pháp dài hơi để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Những biến động về di cư cũng tác động đến việc thống kê của ngành Dân số và nhiều vấn đề mới nảy sinh liên quan đến chất lượng lao động, chất lượng nguồn dân số…

Tin mới