Mòn mỏi chờ “sổ đỏ”

Năm 1996, gia đình ông Trần Văn Hậu cũng như nhiều hộ dân khác thực hiện di dời, đổi đất để bàn giao mặt bằng xây dựng Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, ra tái định cư ở khu vực thôn 5 (hay còn gọi là làng Nhật) bây giờ.

Ông Hậu nhớ lại: “Thời điểm đó do không hiểu luật nên người dân khi đó nghe nói được đền bù, có đồng tiền là tranh nhau kiếm một dằm đất cho ưng chứ ko nghĩ đến việc thu hồi đất, cấp đất phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục. Riêng gia đình tôi, may mắn vẫn còn giữ phiếu chi 46.648.490 đồng tiền đền bù, phiếu thu 4.196.000 tiền mua đất và tiền xây dựng trạm điện và phiếu thu 2000.000 đồng mua thêm một vạt đất liền kề của UBND xã Quỳnh Lộc. Thế nhưng đã hơn 20 năm qua, chúng tôi chưa được cấp giấy CNQSD đất. Việc này, người dân đã kiến nghị nhiều lần qua các kỳ tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, gần đây nhất, là đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh năm 2019. Tôi đã gần 72 tuổi rồi chỉ đợi lấy được cái bìa đỏ chính chủ để bàn giao cho con cháu mà mòn mỏi quá. Vướng mắc ở đâu thì mong các cấp chính quyền quan tâm, tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho dân”.

Cùng chung cảnh ngộ như ông Hậu có rất nhiều hộ khác, trong đó có khoảng 17 hộ chứng minh được nghĩa vụ tài chính còn lại không có giấy tờ gì. Bà Hồ Thị Nguyệt – Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 5 cho hay: “Thực trạng trên là có thật, xóm cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xem xét, giải quyết cấp GCNQDS đất cho dân nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được”.

Theo báo cáo của UBND xã Quỳnh Lộc: Năm 1996, nhà nước quy hoạch xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn (liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản), trên địa bàn xã phải thu hồi một phần diện tích đất.

Theo đó có 44 hộ phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhà nước chỉ tiến hành đền bù tài sản trên đất, các thửa đất được thu hồi được cân đối để giao đất tái định cư cho các hộ sử dụng mà không thu tiền.

Theo tài liệu còn lưu trữ thì ngày 09/9/1997, UBND xã Quỳnh Lộc đã có công văn gửi UBND huyện Quỳnh Lưu báo cáo việc công dân (thời điểm đó) kiến nghị đòi tiền đền bù đất do nhà nước thu hồi để xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn. Ngày 10/9/1997, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành công văn 582 CV -UB trả lời: “Theo Điều 1 của Luật đất đai quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” nên khi nhà nước thu hồi một phần đất thuộc xã Quỳnh Lộc để xây dựng nhà máy xi măng Nghi Sơn thì số tiền đền bù đất thuộc nhà nước quản lý nên không đền bù trực tiếp cho từng hộ dân”

Bên cạnh đó, xác minh qua cán bộ tại thời điểm giải tỏa, UBND xã Quỳnh Lộc xác định có 44 hộ ở vùng núi Sòi được nhà nước đền bù tài sản trên đất (không đền bù tiền đất). Trong đó số hộ được giao đất tái định cư về vùng làng Nhật (thôn 5) là 35/44 hộ, còn lại 9 hộ được tái định cư về thôn 3, thôn 7, thôn 8. Tuy nhiên, tại thời điểm quy hoạch nhà máy xi măng Nghi Sơn, có 16/44 hộ trước đây được UBND xã giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp tiền nên thời điểm bố trí tái định cư cho các hộ, nhà nước thu nợ tiền đất của 16 hộ này theo quy định là 5.000.000đ/hộ, số còn lại không phải nộp.

Ông Lê Duy Trung – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết: “Xã đã hướng dẫn người dân thôn 5 làm các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp GCNQSD đất nhưng khó khăn là hầu hết các hộ dân hiện nay đều không lưu giữ giấy tờ liên quan để chứng minh nghĩa vụ tài chính. Để tháo gỡ, xã đã cho mời cán bộ chủ trì thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Dân – nguyên Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Viên nguyên cán bộ địa chính xã và các hộ dân có liên quan để xác minh. Trên cơ sở đó, xã đã lập 17 bộ hồ sơ cho các hộ có biên lai, giấy tờ nhưng khi trình lên thị xã được trả lời là đang vướng quy hoạch đất công nghiệp nên tạm thời trả hồ sơ yêu cầu bổ sung lại”.

Dù nhân khẩu do xã Quỳnh Lộc quản lý nhưng đất mà người dân thôn 10 đã ở 50 năm qua lại thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa).
Dù nhân khẩu do xã Quỳnh Lộc quản lý nhưng đất mà người dân thôn 10 đã ở 50 năm qua lại thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa).

Cũng mỏi mòn chờ GCNQSD đất nhưng 270 hộ dân ở thôn 10 xã Quỳnh Lộc lại rơi vào tình cảnh “người một nơi, đất một nẻo”. Nhân khẩu do chính quyền xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) quản lý, còn đất mà họ đang ở lại thuộc địa giới hành chính của xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà có giàn chanh leo râm mát, ông Nguyễn Đình Định ở thôn 10 nhớ lại: “Năm 1964, gia đình tôi là 1 trong 21 hộ đầu tiên ở xóm Tân Trung (xã Quỳnh Dị) đi khai hoang “mở đất” ở vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa theo chủ trương giãn dân của UBND huyện Quỳnh Lưu. Thời điểm đó tôi khoảng 12 tuổi đi cùng bố mẹ là ông Lê Đình Thạnh và bà Trần Thị Hiệu. Đến cuối năm 1965 thì có thêm 2 hộ đến nữa là 23 hộ.

Cuối năm 1966 xóm Tân Triều bị bom bắn phá, huyện quyết định đưa dân xóm Tân Triều qua nhập vào xóm Tân Trung để chốt tại vùng thôn 10 hiện nay (lúc đó gọi là thôn Trung Triều). Đến đầu 1970, cụm dân cư này sáp nhập vào xã Quỳnh Lộc, năm 1976 sáp nhập vào HTX Trung Hải.

Chúng tôi di dời ra đây khai hoang là theo chủ trương dãn dân của Đảng, Nhà nước chứ không phải tự ra, những người đi đợt đầu tiên chủ yếu là đoàn viên và đảng viên. Thời đó đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối mọc um tùm. Chúng tôi đã khai hoang, sống ổn định từ đó đến nay đã hơn 50 năm nhưng chưa được cấp GCNQSD đất’’.

Còn ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng thôn 10 cho biết gia đình ông cũng là một trong những hộ đi đợt đầu tiên theo chủ trương của UBND huyện Quỳnh Lưu vì bố ông lúc đó là đảng viên. Bố mẹ ông đi năm 1964 thì năm 1965 sinh ông Trường. Gia đình ông có 7 anh chị em thì có 3 người hiện đang sinh sống ở thôn 10.

“Mới đầu chỉ có khoảng hơn 20 hộ, sau này có nhiều người ra thêm, sinh con đẻ cái, tách hộ…phát triển lên khoảng 270 hộ và chưa có hộ nào có GCNQSD đất. Xóm đã kiến nghị nhiều lần nhưng được trả lời đang thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phân chia lại địa giới hành chính nên phải chờ, bao nhiêu năm, trả lời đi trả lời lại cũng chừng ấy…”, ông Trường cho hay.

Tìm hiểu được biết mới đây nhất ngày 23/9/2019, UBND xã Quỳnh Lộc đã có văn bản số 478/UBND gửi UBND xã Trường Lâm và UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Trong đó nêu rõ: “Hiện nay trên địa bàn thôn 10 xã Quỳnh Lộc, Thị xã Hoàng Mai có 270/398 hộ đang sử dụng đất nằm trong địa giới hành chính của xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia quản lý. Năm 2015, UBND xã Trường Lâm đã triển khai công tác kê khai lập hồ sơ cấp GCNQSD đất cho cho các hộ dân thôn 10. Hiện tại nhân dân đã cung cấp các loại giấy tờ như: photocopy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu nộp về UBND xã Trường Lâm để lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất… Để đảm bảo quyền lợi cũng như ổn định đời sống lâu dài cho bà con thôn 10 có diện tích nằm trong địa giới hành chính xã Trường Lâm, UBND xã Quỳnh Lộc đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia quan tâm hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSD đất cho dân”.

Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc Nguyễn Duy Trung: “Thẩm quyền cấp xã cũng chỉ đến đó, đề nghị UBND 2 tỉnh có cuộc làm việc để tháo gỡ, chứ cấp xã, cấp huyện khó mà giải quyết dứt điểm”.

Liên quan đến hai nội dung trên, Ông Phạm Văn Hào – Trưởng phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai cho biết: Trước đây, Phòng TN&MT đã bị chất vấn về việc cấp GCNQSD đất cho người dân thôn 10 và đã trả lời trước cử tri là: Quá trình đo đạc theo Bản đồ 364 trước đây khoanh địa giới hành chính khu vực thôn 10 là của xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Theo quy định thì đất thuộc địa giới hành chính của đơn vị nào thì đơn vị đó có thẩm quyền cấp GCNQSD đất. Vì vậy, công dân phải đến trực tiếp xã Trường Lâm để kê khai và yêu cầu xin cấp giấy. Còn xã Quỳnh Lộc có trách nhiệm phối hợp với xã Trường Lâm trong xác định nhân thân, hộ khẩu và các hồ sơ liên quan như quá trình sử dụng ổn định, không trách chấp…

Về ý kiến cho rằng phương án tốt nhất hiện nay là điều chỉnh địa giới hành chính thôn 10 về cho Nghệ An vì nguyện vọng của người dân không chỉ là vấn đề được cấp GCNQSD đất mà sâu xa hơn họ muốn “là người Nghệ An thì sống trên đất Nghệ An”, ông Phạm Văn Hào cho biết “Điều chỉnh địa giới hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, hai tỉnh phải làm việc và thống nhất với nhau để kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét”.

Đối với các hộ ở thôn 5 (làng Nhật), Trưởng phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai cho biết nguyên nhân sâu xa là do thời điểm GPMB nhà máy xi măng Nghi Sơn, chính quyền xã giao đất cho các hộ dân dạng tái định cư nhưng không lập hồ sơ tái định cư, không có thủ tục giao đất, không có thủ tục nộp tiền sử dụng đất, không có phương án để thực hiện việc đổi đất tái định cư…

“Xã chỉ có cuốn sổ tay cá nhân ghi lại danh sách những người nộp tiền. Còn về phía người dân đa số không có giấy tờ gì, chỉ có mười mấy hộ còn giữ được biên lai nộp tiền. Cái sai ở đây xuất phát từ phía chính quyền cấp xã thời điểm đó, có thể xem là giao đất trái thẩm quyền. Do vậy, trên cơ sở giải quyết sự việc theo hướng trách nhiệm của nhà nước với dân, Phòng TN&MT đã hướng dẫn UBND xã Quỳnh Lộc lập hồ sơ cấp giấy cho 17 hộ chứng minh được nghĩa vụ tài chính. Nhưng khi hồ sơ chuyển lên, Phòng TN&MT có xin ý kiến Phòng Quản lý đô thị về về vấn đề quy hoạch, vì trong quy định của giao đất trái thẩm quyền, điều kiện bắt buộc là phải phù hợp với quy hoạch mới được làm bìa.

Sau khi rà soát, Phòng Quản lý đô thị trả lời vướng quy hoạch đất công nghiệp. Do vậy, Phòng TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND xã Quỳnh Lộc làm việc với Phòng Quản lý đô thị xem xét việc có thể điều chỉnh thành quy hoạch đất ở được không, nếu điều chỉnh được thì sẽ giải quyết cấp giấy cho số hộ đã nộp tiền sử dụng đất. Hộ chưa nộp đủ tiền thì phải tính để nộp đủ theo hạn mức hoặc tính tương đương phần đất ở với số tiền đã nộp theo quy định của Chính phủ về thực hiện Luật đất đai. Còn đối với trường hợp chưa nộp tiền, thị xã đang tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh xem xét phương án giải quyết vì họ không có giấy tờ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính”, ông Hào cho hay.

Từ thực tế trên thấy rằng, nguyên nhân của các vướng mắc xuất phát từ bất cập trong quản lý đất đai qua các thời kỳ của chính quyền các cấp. Vì vậy, ngành chức năng và địa phương liên quan cần sớm thống nhất hướng giải quyết, vừa phù hợp với quy định của pháp luật vừa đảm bảo lợi ích cho người dân, chứ không thể vì “lịch sử để lại” mà để người dân chịu thiệt thòi về quyền lợi.