Đi Lễ đầu Xuân – Những điều trông thấy…

Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, Xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Thế nhưng, thời gian gần đây, bên cạnh những người đi lễ chùa với mong muốn tìm sự an tịnh trong tâm hồn, hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ thì cũng có những người đến chùa theo phong trào hoặc làm lệch lạc đi nét văn hóa này.

Trong không khí đất trời vào Xuân, những ngày đầu năm mới nhiều gia đình áo dài, khăn đóng chỉnh tề vào chùa lễ Phật. Tuy nhiên, trong dòng người hành hương văn minh ấy, vẫn có vài người vào chùa với bộ dạng khó coi, chưa kể nhiều thiếu nữ còn mặc những chiếc áo mỏng tang xuyên thấu với quần bò te tua. Tuy không có ai ngăn cấm họ vào chùa lễ Phật nhưng nhiều người nhìn họ với con mắt e ngại, thiếu thiện cảm. Phật tử Hoàng Thị Lương đang thực hiện việc công quả ở chùa Cần Linh cho biết: “Từ lâu việc ăn vận của du khách đã được nhà chùa quán triệt bằng cách tuyên truyền trên loa truyền thanh ngay ở cổng chùa, hoặc các bảng biển nhưng nhiều du khách vẫn làm ngơ, nhiều người chúng tôi phải lại tận nơi rỉ tai, nhưng đáng tiếc là họ không hợp tác.

Để có được không gian đẹp và ấn tượng chào mừng năm mới Kỷ Hợi, nhiều chùa, đền đã huy động các tăng ni, phật tử cũng như các mạnh thường quân cùng chung tay trang trí khuôn viên để du khách và các tăng ni khi đi lễ có được sự thoải mái, hứng khởi. Trụ trì chùa Đức Hậu (Nghi Đức – TP. Vinh) sư thầy Thích Định Tuệ cho biết: “Để có được vườn hoa đào và hoa hồng, hoa hướng dương nở đúng dịp Tết là công sức của rất nhiều phật tử. Thế nhưng, khi đến vãn cảnh chùa, rất nhiều du khách đã bẻ cành, hái hoa hoặc dẫm vào các luống hoa để chụp ảnh. Kể cả ở những tiểu cảnh, khuôn viên được xây dựng để du khách nghỉ chân, nhiều người đã ngồi chồm hỗm lên ghế, gỡ các hình ảnh được trang trí để “xem xét” một cách thiếu văn hoá.

Một cách hành xử khi đi lễ chùa thiếu văn minh khác là việc cúng bái thiếu hiểu biết. Nhiều người cho rằng để thần thánh, đức Phật Thích Ca hiểu được cầu mong, ước nguyện của mình thì cần khấn vái thật to, cần đứng được gần nhất dưới nơi thờ nên dù dòng người đi trước mình có đông đến mấy nhiều người vẫn cố chen chân vào, tạo nên cảnh xô đẩy, chen chúc nhau. Thêm vào đó, dù được khuyến cáo không đưa hương vào chánh điện nhà đền, chùa nhưng họ vẫn phớt lờ, cầm từng bó hương nghi ngút cháy, người này chen người kia, nguy cơ người sau chạm hương vào tóc, áo người đi trước là rất dễ xảy ra.

Việc để từng bó hương to ngay dưới các lư hương khiến nguy cơ hỏa hoạn rất cao. “Vì thế chúng tôi thường bố trí người túc trực ngay dưới chân lư hương để thu hết hương vừa cắm, nếu chỉ để vài cây rơi xuống thì sẽ bắt lửa ngay, vì ngay cạnh đó là đồ mã rất nhiều. Dù có biển bảng ngay lối vào nhưng du khách dường như phớt lờ”, Phật tử Nguyễn Thị Tuyết Lan công quả tại đền Hồng Sơn nói và cho biết thêm, nhiều người còn cố tình không hiểu khi đội trên đầu mâm mặn với gà giò, thịt lợn, để cúng dường lên các vị cao tăng và đức thánh thần, khiến không gian linh thiêng bỗng chốc trở thành nơi phàm tục.

Dù những chuyện chưa đẹp khi đi lễ chùa đầu năm được truyền thông nhắc đến rất nhiều, ban quản lý các nhà đền, chùa cũng có những phương pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trên như cắt cử nhiều người gác ngay lối vào để nhắc nhở, liên tục phát trên loa truyền thanh nội dung lưu ý du khách khi vào lễ chùa, đền, nhưng sự thiếu ý thức vẫn xảy ra hầu khắp các đền, chùa trên địa bàn tỉnh.

Dù nhiều nhà chùa, đền có những cách thức hữu hiệu để nhắc nhở du khách nhằm giảm thiểu bớt những việc làm, cách hành xử chưa đẹp khi đi lễ chùa đầu năm, nhưng có nhiều nhà chùa, đền thậm chí còn tạo điều kiện cho những việc hành lễ thiếu hiểu biết. Ví như việc thi nhau đốt vàng mã với các hình nộm thế mạng hay hình con ngựa tại đền Ông Hoàng Mười. Dường như năm nào cũng vậy, cứ qua mùng 5, 6 tháng Giêng là trên sân điện chính của đền từng hàng ngựa giấy được sắp kín sân; hỏi ra mới biết đây là số ngựa sẽ được “hoá” sau khi hoàn tất các nghi lễ cầu an giải hạn. ..

Trung bình mỗi ông ngựa có chiều cao từ 1 – 2m và có giá từ 300.000 – 500.000 đồng. Theo một tín chủ đi lễ thì mỗi hộ cầu an phải cúng ngài 1 con ngựa ông và các vật tế bằng hàng mã đi kèm. Vì thế, mỗi gia chủ phải tiêu tốn tầm 5 – 10 triệu đồng cho một khóa lễ. Có nhiều gia đình khá giả hay nhiều gia chủ có “hạn nặng” cần được hóa giải phải có ông ngựa to hơn, đẹp hơn, trang trí cầu kỳ hơn. Theo một gia chủ bán lễ tại khuôn viên nhà đền cho biết, mỗi ngày gian hàng của chị bán được từ 10 – 50 “ông ngựa” và kèm theo đó là các lễ vật đi kèm như hình nhân, tiền, vàng, quần áo, vải vóc bằng giấy.

Theo ông Nguyễn Văn Đàn – Phó phòng Văn hoá – Thông tin huyện Hưng Nguyên thì việc người dân đốt vàng mã sau khi thực hiện các nghi lễ tâm linh là chuyện không thể ngăn cấm, Ban Quản lý đền chỉ hướng dẫn người dân hóa vàng đúng nơi quy định để không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, khi được hỏi “có hay không việc nhà đền ủng hộ sự lãng phí trong một lần cầu an giải hạn của du khách?”, ông Đàn cho rằng, vấn đề này nhà đền không thể quản lý hết vì thực tế nếu ở đền không có các dịch vụ này, du khách cũng sẽ sắm ở nơi khác đưa đến. “Hơn nữa, các thức lễ này đã có từ lâu đời nên giờ tuyên truyền cho người dân thay đổi không phải dễ’, ông Đàn nói.

Hay như tại chùa Cổ Am (xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu) – ngôi chùa cổ kính, không gian chùa còn lưu giữ được những nét cổ xưa và được trang trí rất đẹp, nhưng tiếc thay khi vào lễ chùa ngay từ con đường dẫn vào cổng chùa, du khách đã bị chèo kéo mua lễ, viết sớ cầu an. Tình trạng này khiến nhiều người vãn cảnh, lễ phật lắc đầu ngán ngẩm vì ngôi chùa nổi tiếng đẹp và linh thiêng không giữ được không gian thanh tịnh vốn có xưa kia.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho biết: “Việc đi lễ chùa đầu năm sao cho đẹp đã được đề cập nhiều, BQL các đền, chùa cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp, thế nhưng tình trạng lộn xộn vẫn còn diễn ra. Vấn đề này chưa thể giải quyết ngày một ngày hai bởi quan niệm về việc đi chùa vì tín ngưỡng và việc đi chùa để “buôn thần bán thánh” của một bộ phân nhân dân còn chưa được phân định rõ trong suy nghĩ của chính họ”.