Đi tìm nguyên nhân cam Nghệ An rụng quả hàng loạt

(Baonghean.vn) - Sắp vào vụ thu hoạch nhưng các trang trại cam của nông dân Nghệ An rụng quả hàng loạt, có những vườn rụng đến 80% lượng quả, chỉ còn trơ lại những quả xanh nhỏ, héo úa.
Những vườn cam Vinh rụng quả hàng loạt, lượng quả rụng chiếm đến 80% sản lượng. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều vườn cam rụng quả hàng loạt, lượng quả rụng chiếm đến 80% sản lượng. Ảnh: Thanh Phúc

Sắp vào vụ thu hoạch nhưng vườn cam 500 gốc của gia đình anh Nguyễn Đức Thân (thôn Liên Trà, xã Bồng Khê, Con Cuông) rụng quả đồng loạt, có những cây rụng sạch, không còn quả nào. 

Anh Nguyễn Đức Thân cho biết: “Cả vườn cam đều bị rụng quả. Rụng ít thì khoảng 60-70% lượng quả, có những cây rụng hết sạch, không còn quả nào. Sắp vào vụ thu hoạch nhưng có còn quả nữa đâu mà rao bán?”.

Cam rụng chất đống, thối rữa ở các vườn cam. Ảnh: Thanh Phúc
Cam rụng chất đống, thối rữa ở các vườn cam. Ảnh: Thanh Phúc

Thời điểm này, những vườn cam ở xã Tân Phú (Tân Kỳ) quả rụng hàng loạt ở gốc cây, vun thành đống ở các góc vườn. Mặc dù chưa đủ độ chín, các hộ dân trồng cam ở xã Tân Phú chưa mở trại xuất bán nhưng hầu hết các vườn cam đều đã trụi quả, trên cành chỉ còn trơ lại những quả nhỏ, cành xác xơ. 

Hộ anh Trương Phú Tuấn ở xóm Tân Yên, xã Tân Phú (Tân Kỳ) trồng 1,2 ha cam từ năm 2013, mới thu hoạch được 4 mùa quả đến vụ này thì mất trắng. Anh Tuấn cho biết: “Năm ngoái, thu hoạch được 15 tấn, năm nay thì rụng hết, quả còn lại trên cây cũng chẳng ăn thua. Nếu tận thu hết vườn cũng chỉ được 5 tấn quả. Mất trắng hàng trăm triệu đồng”.

Cùng chung cảnh ngộ, 168 ha cam của người dân các xã Đồng Văn, Tân An, Tân Phú, Tân Long, Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) cũng bị rụng. Nguyên nhân được cho là mưa dài ngày, nước đọng ở cuống quả cộng với cây bị nhiễm nấm, thối rễ khiến quả bị rụng. 

Dù chưa mở trại bán cam nhưng vườn cam của anh Trương Tấn Phú ( Tân Phú, Tân Kỳ) đã trụi quả do rụng. Ảnh: Thanh Phúc
Dù chưa mở bán nhưng vườn cam của anh Trương Phú Tuấn (Tân Phú, Tân Kỳ) đã trụi quả do rụng. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp  và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: “Năm nay, bà con trồng cam thiệt hại nặng. Hầu hết các vườn đều bị rụng quả đến 80%, có nhiều hộ mất trắng. Hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác bởi nhiều vườn vừa mới thu hoạch lứa đầu hoặc lứa 2, cây vẫn khỏe, xanh tốt nhưng quả thì rụng sạch. Nông dân đang chán nản, không còn mặn mà với cây cam. Rất mong các nhà chuyên môn, các cơ quan hữu quan sớm tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, giúp bà con sớm ổn định sản xuất”.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.300 ha cam, trong đó, có gần 3.500 ha cho thu hoạch. Dù sắp vào chính vụ thu hoạch nhưng người trồng cam ở các huyện Yên Thành, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… kém vui vì cam bị rụng quả hàng loạt. Hộ nhẹ thì mất khoảng 50% sản lượng, nhiều hộ mất trắng.

Số quả còn lại trên cây mẫu mã xấu, chất lượng kém và tiếp tục rụng. Ảnh: Thanh Phúc
Số quả còn lại trên cây mẫu mã xấu, chất lượng kém. Ảnh: Thanh Phúc

Điều đáng nói, số lượng cam còn lại trên cây quả khá nhỏ, mẫu mã xấu và chất lượng kém hơn hẳn các năm trước.

Ông Phan Duy Hải - Chi Cục phó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Hiện tượng cam rụng quả là do nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết, đang nắng nóng lại mưa kéo dài khiến cây cam sốc nhiệt thì nhiều diện tích trồng cam lâu năm, đất suy thoái, giống cam suy thoái, bộ rễ không phát triển được nên dẫn đến sâu bệnh. Phổ biến nhất là bệnh như vàng lá gân xanh, nấm; các loại côn trùng ruồi đục quả, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy chổng cánh... tấn công quả cam. Ngoài ra, quy trình chăm sóc cây cam không đúng cách khiến cây mất cân đối dinh dưỡng.

Do đó, ngoài việc nâng chất lượng giống cam thì bà con cần luân canh cây trồng khác, cải tạo đất một thời gian trước khi khôi phục lại cây cam. Đồng thời, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM; xử lý triệt để nấm và có biện pháp chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho cam sau thu hoạch hợp lý…”.

Nông dân Tân Phú (Tân Kỳ) ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho cam sau khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc
Nông dân xã Tân Phú (Tân Kỳ) ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho cam sau khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện các địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực địa, tìm ra nguyên nhân gây cam rụng hàng loạt, giúp bà con có biện pháp khắc phục.

Trước mắt, các chủ vườn cần tiêu thoát nước, không để cây bị úng; không bón phân ngay sau khi trời mưa và đồng thời tuân thủ kỹ thuật chăm sóc cây cam sau khi thu hoạch hợp lý, đảm bảo cân đối dinh dưỡng…

Tin mới