Địa chỉ uy tín điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống

(Baonghean) - Thoát vị đĩa đệm cột sống là một trong số những vấn đề bệnh lý xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh không chỉ xuất hiện ở những người trung và cao tuổi mà xuất hiện ngay cả những người trẻ.

Thoát vị đĩa đệm cột sống là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình (đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).

Ngoài ra còn có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây nên Hội chứng Thần kinh vai tay, hoặc bệnh nhân có thể đau vai gáy, cứng gáy, teo cơ cánh tay, liệt tay, đau đầu...; thoát vị đĩa đệm cột sống ngực cũng thường xảy ra và trên lâm sàng có chèn ép đám rễ thần kinh liên sườn, cạnh cột sống gây nên hội chứng đau thần kinh liên sườn, bệnh nhân có thể khó thở, đau tức ngực...

Người lớn tuổi thường có sự thoái hóa đĩa sống lúc đó vành thớ mất tính đàn hồi, từ đó nhân nhầy dễ dàng phá vỡ vành thớ để di chuyển về phía sau, hay phía bên khi cột sống làm các động tác hàng ngày khiến đĩa đệm cột sống phải chịu những động lực trong mọi chiều. Người trẻ thường do yếu tố sai tư thế khiến đĩa đệm cột sống bị đè ép quá nặng, dẫn đến tổn thương vành thớ như động tác gập xoay cột sống, gập duỗi và nghiêng của cột sống.

Sử dụng phương pháp kéo dãn cột sống thắt lưng trong điều trị thoát vịđĩa đệm. Ảnh: Thanh Hiền
Sử dụng phương pháp kéo dãn cột sống thắt lưng trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Ảnh: Thanh Hiền

Những yếu tố gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống: Áp lực trọng tải cao; Áp lực căng phồng của tổ chức đĩa đệm cao. Sự lỏng lẻo trong từng phần với sự tan rã của tổ chức đĩa đệm. Lực đẩy, xoắn vặn nén ép quá mức vào đĩa đệm cột sống. Thoát vị đĩa đệm thường để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm như chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống gây các triệu chứng đau, tê, teo cơ, liệt cơ. Khi rễ thần kinh bị tổn thương thì bệnh nhân khó vận động các chi.

Nếu tổn thương thần kinh cánh tay thì bệnh nhân không thể nhấc tay hay khó gấp, duỗi cánh tay, khả năng lao động và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh có thể bị tàn phế do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cũng có thể dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Các chi dần bị teo cơ, có thể mất khả năng lao động và vận động. Hiện có tới 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 - 55 tuổi. 

Thời gian qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả. Rất nhiều bệnh nhân khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An để khám, điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Nam ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) năm nay 50 tuổi, ông tới điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An trong tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống, gây các triệu chứng đau, tê, teo cơ, liệt cơ dẫn đến khó khăn trong vận động. Ban đầu do chủ quan thấy cơ thể đau, cứng các cơ ông không đi khám ngay mà vẫn chịu đựng cơn đau, đi làm việc bình thường. Sau thời gian, các cơn đau ngày càng dày hơn dẫn đến tê buốt các chi, khó khăn trong vận động. Ông Nam cho biết: Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, bệnh đã đỡ hơn rất nhiều. Hiện những cơn đau của ông đã giảm, đi lại vận động dễ dàng hơn.

Còn với bệnh nhân Ngô Đức Mạnh (phường Hưng Phúc, TP. Vinh) năm nay 43 tuổi, là công nhân của một doanh nghiệp. Anh nhập viện trong tình trạng đau vùng cột sống thắt lưng. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhỏ, sau đó cơn đau diễn ra liên tục ảnh hưởng lớn đến công việc của anh. Để điều trị cho anh Mạnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã có một phác đồ điều trị cụ thể kết hợp giữa đông và tây y như điều trị vật lý trị liệu bằng nhiệt hồng ngoại, paraffin, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa... xoa bóp nắn chỉnh cột sống...

Những phương pháp điều trị

Thạc sỹ Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết: Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, để điều trị hiệu quả cho người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống, bệnh viện đã đưa ra những phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh nhân theo nguyên tắc phối hợp điều trị thuốc, phục hồi chức năng và ngoại khoa; mời các chuyên gia giáo sư đầu ngành về thần kinh và phục hồi chức năng cũng như về y học cổ truyền để hỗ trợ bệnh trong khám và điều trị, giảng dạy, tư vấn và hội chẩn...

Các bác sỹ, điều dưỡng viên Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An thăm, khám bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Hiền
Các bác sỹ, điều dưỡng viên Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An thăm, khám bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Hiền

Tùy tình trạng của người bệnh để bệnh viện xác định điều trị thời gian nhanh hay lâu. Cụ thể người bệnh sẽ được điều trị nội khoa tích cực trong vòng từ 1 đến 3 tháng nếu tình trạng bệnh không có cải thiện vẫn còn đau nhiều có thể chỉ định ngoại khoa. Tại Bệnh viện hiện có khoảng 90 - 95% tổng số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống được điều trị bảo tồn bằng nội khoa; khoảng 5 - 10% được điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa với các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng cụ thể như:

Giai đoạn cấp nằm nghỉ ngơi tại chỗ, trên đệm cứng, bất động ở tư thế nằm không mang tải. Điều trị Vật lý trị liệu bằng nhiệt hồng ngoại, paraffin, siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa... Bài tập nhẹ nhàng thụ động, chủ động, có trở kháng và co cơ đẳng trường. Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân đỡ đau có thể điều trị thêm kéo giãn cột sống thắt lưng, ngực, kéo giãn cột sống cổ bằng máy kéo giãn cột sống để gia tăng lỗ liên đốt, giảm chèn ép rễ thần kinh.

Điều trị Vật lý trị liệu bằng nhiệt hồng ngoại, paraffin, siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa...; tập vận động các loại. Các bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm cột sống: Sau phẫu thuật 1-7 ngày tập thở, ho, tập gồng cơ tứ đầu đùi và các cơ chi dưới, cơ tam đầu cánh tay, các cơ chi trên, cơ thang, cơ vùng cổ, ngực... Sau 2 tuần cho ngồi với nẹp thắt lưng, nẹp ngực, nẹp cổ. Sau 3 tuần có thể ngồi thẳng. Bệnh nhân phải mặc áo nẹp trong vòng 3 tháng; ngoài ra bệnh viện còn hướng dẫn cụ thể các bài tập tại nhà để giữ cột sống, tư thế lao động tốt.

Bệnh viện chỉ định các điều trị khác như điều trị nội khoa bằng sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang của WHO; thuốc chống viêm và các thuốc chống viêm bôi ngoài da; thuốc giãn cơ; thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm; thuốc ức chế IL1; tiêm Corticoid tại chỗ, tiêm phong bế ngoài màng cứng, tiêm khớp liên mấu. Các thuốc Vitamine nhóm B; Các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như: Nucleo, Nivaline, Methylcoban, Galantamine, Dibencozide, Neurbion...

Điều trị giải ép đĩa đệm bằng tia Laser hay sóng Radio cao tần thường áp dụng cho trường hợp nhẹ như lồi đĩa đệm và thoát vị dưới dây chằng dọc sau. Có một số trường hợp có thể gây biến chứng viêm sống đĩa đệm. Đặc biệt, chỉ can thiệp phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa không kết quả, hay có liệt teo cơ, rối loạn cơ vòng, mục đích là để giải chèn ép thần kinh. Tuy nhiên, tai biến sau phẫu thuật như nhiễm trùng, tổn thương rễ - dây thần kinh, dính sau phẫu thuật cũng có thể xảy ra đối với bệnh nhân.

Để hiệu quả hơn trong điều trị, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An còn kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền như sử dụng các dạng thuốc sắc hoặc thuốc viên hoàn tán. Tùy theo từng thể loại bệnh chẩn đoán theo YHCT để có các “Pháp điều trị” theo đối pháp lập phương khác nhau. Bên cạnh đó, người bệnh còn được xoa bóp nắn chỉnh cột sống bằng cách dùng các thủ thuật “Phát, day, ấn, bóp, bấm, đẩy” tác động vào vùng lưng, cột sống, theo đường đi của dây thần kinh tương ứng với các vùng bị bệnh. Hoặc sử dụng châm cứu (điện châm hoặc Laser châm) tùy theo từng vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống và vùng dây thần kinh bị chèn ép để chỉ định các huyệt châm cứu cho phù hợp.

Phương pháp phòng bệnh

Cũng theo bác sỹ Thái Thị Xuân, để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống chúng ta nên có cách sống lành mạnh đó là duy trì tập thể dục đều đặn, và nên khởi động tốt trước khi bắt tay vào việc. Duy trì chỉ số khối cơ thể trong giới hạn bình thường (không quá béo và không quá gầy).

Đặc biệt khi đứng thì tư thế phải thẳng, đầu thẳng, nhìn thẳng, vai hướng ra sau. Khi vác vật nặng, không để vặn cột sống mà nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất. Khi lao động xúc đất cát, nên để lưng thẳng bằng cách bước một chân lên trước và chùng gối xuống, lấy gối làm điểm tì để làm việc tránh gây xoắn vặn cột sống. Trong công việc nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5-10 phút đặt lên ghế/ lần.

Nếu phải ngồi lâu hàng giờ trong công sở hoặc lái xe lâu, nên có thời gian nghỉ để tránh căng cứng các cơ. Dùng ghế văn phòng thẳng để giúp cột sống luôn thẳng. Khi ngồi làm việc có thể để gác chân cao hơn 1 chút so với háng. Dùng ghế xoay để hạn chế xoắn vặn cột sống. Ngoài ra, nên để ý khi có túi xách nên đeo trên vai hơn là cầm tay, tốt nhất là đeo trên hai vai cân đối. Khi xử lý vật nặng, động tác đẩy vật nặng được ưu tiên, tránh kéo vật nặng dễ gây sang chấn. Tránh đi giày, guốc cao quá (phần gót cao trên 5cm). Nên dùng giày dép vật liệu mềm.

Điều trị tiêm phóng bế ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Ảnh: Thanh Hiền
Điều trị tiêm phóng bế ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Ảnh: Thanh Hiền

Hội đồng khoa học kỹ thuật - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Với tinh thần: “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; Là: “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin”. Mô hình: “Bệnh viện - Khách sạn” Xanh - Sạch - Đẹp đầu tiên tại Nghệ An. 

*Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An * ĐT liên hệ: - ĐT phòng khám: 02383.949.709 - ĐT trực 24/24: 02383.952.020 - ĐT nóng: 0966.251.414 - ĐT hotline: 0912.002.210 - ĐT Giám đốc: 0912.487.568.

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới