Dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện ở Myanmar 'khát' oxy

Dịch Covid-19 bùng phát trong bối cảnh Myanmar gặp nhiều khó khăn. Sau chính biến hồi tháng 2 năm nay, các bệnh viện ở quốc gia Đông Nam Á này rơi vào tình trạng khủng hoảng, chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng hỗn loạn.

Khin Nwe Soe, lên taxi và chạy khắp các nhà máy ở thành phố Yangon của Myanmar để tìm mua bình oxy y tế cho con trai 21 tuổi của mình. Các xét nghiệm tại nhà cho thấy con trai bà đã mắc Covid-19. Cậu con trai đau đớn và chỉ có thể nằm trên giường trong khi mức oxy đã tụt xuống còn 90%.

Người đàn ông ngồi chờ nạp oxy bên ngoài một nhà máy ở Mandalay. Ảnh: Getty
Người đàn ông ngồi chờ nạp oxy bên ngoài một nhà máy ở Mandalay. Ảnh: Getty
“Mẹ tôi đã phải tìm đủ mọi cách, xếp hàng ở tất cả mọi nơi để tìm mua bình oxy cho em trai tôi”, Aye Myat Noe, con gái bà Khin Nwe Soe cho biết.

Aye Myat Noe đang sống ở nước ngoài những cũng đã tìm cách liên hệ với các nhà sản xuất oxy để giúp mẹ mình.

“Bản thân mẹ tôi cũng có vấn đề về sức khỏe, cả tiểu đường lẫn tim mạch. Bà cũng rất lo cho mình, nhưng bà vẫn liều mạng đi tìm oxy cho em trai tôi”.

Qua điện thoại, một số nhà máy đã hứa hẹn sẽ cung cấp oxy nhưng lại từ chối tiếp mẹ của Aye Myat Noe khi bà đến trực tiếp. Một số nhà máy khác nói rằng họ không thể cho phép có thêm người đứng xếp hàng trước cửa.

Nhiều người đã xếp hàng tại các nhà máy sản xuất oxy trên khắp Yangon trong tuần vừa qua trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp cả nước. Nhiều người thậm chí liều lĩnh vi phạm lệnh giới nghiêm để xếp hàng từ lúc rạng sáng.

Ye Kyaw Moe, một thủy thủ, ra khỏi nhà từ 3h sáng - nửa giờ trước khi lệnh giới nghiêm kết thúc, để xếp hàng tại một trung tâm cung cấp oxy ở Yangon. Nhưng khi đến nơi, đã có 14 người khác xếp hàng trước anh.

“Em gái tôi mắc Covid-19 từ 3 ngày trước. Ngày đầu tiên, em tôi bị choáng váng vì tụt huyết áp, đến ngày hôm qua, nó cảm thấy yếu hơn và rất khó thở. Nhưng khi tôi đang xếp hàng để nạp lại bình oxy vào sáng nay, cháu tôi gọi tôi về nhà vì em tôi đã qua đời”, Than Zaw Win nói với AFP khi rời khỏi đoàn người đang xếp hàng tại một nhà máy sản xuất oxy tại Yangon để về nhà.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thống tướng Min Aung Hlaing nói rằng, Myanmar có đủ nguồn oxy và người dân không nên hoảng loạn cũng như lan truyền tin đồn xung quanh việc cung cấp oxy.

Dịch Covid-19  bùng phát trong bối cảnh Myanmar gặp nhiều khó khăn. Sau chính biến hồi tháng 2 năm nay, các bệnh viện ở Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng, chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng rơi vào hỗn loạn.

Ngày 13/7, có 4.047 trường hợp được Bộ Y tế Myanmar xác nhận mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 201.247 trường hợp. Theo số liệu chính thức cho tới nay, đã có 5.014 người chết vì dịch bệnh Covid-19 ở nước này.

Điều kiện xét nghiệm yếu kém đồng nghĩa với việc những con số báo cáo có thể thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo trang tin Irrawaddy, gần 90% các thị trấn của Myanmar đã ghi nhận ca mắc Covid-19.

Joy Singhal, người đứng đầu Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế và Trăng lưỡi liềm đỏ tại Myanmar cho biết, nhu cầu oxy và các dịch vụ y tế đã tăng mạnh trên khắp cả nước.

“Với các biến thể có mức độ lây lan nhanh hơn đang lưu hành, chúng tôi lo ngại sự gia tăng số ca mắc Covid-19 hiện nay chỉ như phần nổi của tảng băng chìm”, ông Joy Singhal nói.

“Chẳng có ai ở đó để làm xét nghiệm”

Gia đình Aye Myat Noe ở Myanmar đã tìm mọi cách để cậu em trai mắc Covid-19 được điều trị tại bệnh viện, họ cũng được thông báo trước tiên phải tới các bệnh viện công để làm xét nghiệm.

“Chẳng có bệnh viện công nào ở thị trấn của chúng tôi. Không có ai làm xét nghiệm cho những người đang cảm thấy mình mắc bệnh tại các cơ sở y tế tại đây”, cô nói.

Không thể đưa con trai nhập viện, gia đình bà Khin Nwe Soe đã dùng các tấm ngăn để phân chia không gian trong nhà. Bà ngủ gần cửa ra vào, nơi có không khí thông thoáng nhất.

Bằng mọi cách, bà Khin Nwe Soe cuối cùng, cũng mua được một bình oxy với giá 400.000 kyat (243 USD) - mức giá mà nhiều người không thể chi trả nổi trong khi đây lại là mặt hàng được săn tìm nhiều nhất ở Yangon.

Khi Khin Nwe Soe mang bình oxy về nhà, người hàng xóm tầng dưới biết tin đã vội vàng đến tìm bà. Mẹ của người này cũng mắc Covid-19 và đang ở trong tình trạng nguy kịch.

“Họ đã cầu xin mẹ tôi cứu mẹ của họ, cầu xin mẹ tôi để lại bình oxy mà bà đã liều mạng tìm mua về”, Aye Myat Noe, con gái bà Khin Nwe Soe nói.

Trước chính biến hồi tháng 2/2021, Myanmar là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên đến nay, chưa đến 4% dân số Myanmar được tiêm 1 mũi vaccine.

Sandra Mon, nhà nghiên cứu dịch tễ cao cấp tại Trung tâm y tế cộng đồng và nhân quyền thuộc Trường Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore (Mỹ) nói rằng, đợt bùng phát Covid-19 hiện nay không chỉ là một cuộc khủng hoảng cho Myanmar, mà còn là mối đe dọa an ninh y tế toàn cầu.

“Việc phân phối vaccine đóng vai trò quan trọng ở Myanmar tại thời điểm này”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh, các nhân viên y tế và người cao tuổi cần phải được ưu tiên. Với tình hình nghiêm trọng như hiện nay, Myanmar có thể thực hiện tiêm kết hợp vaccine của các nhà sản xuất khác nhau.

Gia đình Aye Myat Noe đã tặng lại bình oxy cho mẹ của nhà hàng xóm tầng dưới. Dù vậy, mẹ của người hàng xóm cũng chỉ sống thêm được 1,5 giờ sau khi sử dụng bình oxy.

Em trai Aye Myat Noe vẫn ốm nặng và liên tục mê man. Cha Aye Myat Noe cũng mắc Covid-19 nhưng vẫn có thể đi lại dù bị ho và đổ nhiều mồ hôi. Mẹ cô, bà Khin Nwe Soe thì mệt lả vì kiệt sức.

“Những căng thẳng khi sống cùng 2 bệnh nhân Covid-19 tăng gấp bội và đổ lên vai mẹ tôi”, Aye Myat Noe nói./.

Tin mới