Dịch Covid-19 ở châu Âu: Thách thức các giá trị chuẩn mực ở 'lục địa già'

(Baonghean) - Liên minh châu Âu (EU) là khối liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, luôn tự hào vì những giá trị của tinh thần đoàn kết và gắn bó. Nhưng kể từ khi “hoạn nạn” đến từ những con virus Corona, lớp vỏ bọc của một liên minh với đầy những giá trị được coi là chuẩn mực đang dần bị thách thức. Đại dịch Covid-19 đang được xem là “phép thử” cho sự phát triển của “lục địa già”.

Liên minh rệu rã…

Dịch Covid-19 đang là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của châu Âu nếu không muốn nói là phức tạp hơn cuộc khủng hoảng di cư (2014) và khủng hoảng nợ công (2009). Virus Corona không chỉ khiến châu Âu hoảng loạn mà nó còn phơi bày nhiều thực tế mà lâu nay EU dường như đang tự huyễn hoặc mình. Đó chính là sự rệu rã, già nua, thiếu tính gắn kết và xu hướng dân túy chi phối.

Cứ nhìn cái cách Italy bị “bỏ rơi” theo mô tả của báo chí châu Âu, đủ thấy tiêu chí “liên minh, đoàn kết” trong EU đang có vấn đề đến mức nào. Số ca nhiễm virus và tử vong tăng chóng mặt khiến quốc gia “hình chiếc ủng” vốn thanh bình không kịp trở tay. Giám đốc Cơ quan Phòng vệ dân sự nước này, Angelo Borrelli thừa nhận, nước này đang có nhu cầu cấp thiết với khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Italy báo động tình trạng thiếu thiết bị y tế chống Covid. Ảnh: AFP
Italy báo động tình trạng thiếu thiết bị y tế chống Covid. Ảnh: AFP

Trong tuần qua, Italy đã đặt hàng 55 triệu khẩu trang từ tất cả nhà sản xuất trên thế giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các nước EU. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp ấy là những sự im lặng đáng sợ. Hiện chỉ có Đức đồng ý viện trợ cho Italy 1 triệu khẩu trang. Ngoài ra, một quốc gia khác sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế cho Italy nhưng lại là Trung Quốc, nước nằm ngoài khối liên minh châu Âu.

Ý tưởng về sự đoàn kết châu Âu và về một lục địa không biên giới nơi công dân có thể tự do đi lại và làm việc, vốn là niềm tự hào của EU, nay lại trở thành “cánh cửa lớn” để virus xâm nhập. Theo sau Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, giờ đến Đức cũng tuyên bố “đóng cửa biên giới”. Nhưng lý do của việc phong tỏa tại Đức không chỉ nhằm hạn chế virus lây lan mà còn để ngăn công dân các nước khác đổ xô sang mua hàng hóa tích trữ. Báo chí châu Âu nói nhiều đến nguyên nhân này hơn là việc ngăn chặn virus. Ở khía cạnh này, rõ ràng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh tràn qua đã lộ rõ một thực tế là các nước đều theo đuổi cách tiếp cận, “tự lo thân mình” trước khi “hỗ trợ người khác”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu thừa nhận đây là cách tiếp cận đáng ngại, trong lúc châu Âu cần đoàn kết nhất để vượt qua khó khăn. Nhưng vấn đề ở chỗ, có lẽ ngay cả những người đứng đầu liên minh cũng chưa tìm ra giải pháp nào để có những hành động phối hợp chung. Các phiên họp của Nghị viện châu Âu trong 2 tuần qua dù có nỗ lực tìm ra giải pháp nhưng còn quá xa so với những yêu cầu từ thực tế. 

l Cùng với Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức cũng tuyên bố đóng cửa biên giới. Ảnh: EPA
Cùng với Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức cũng tuyên bố đóng cửa biên giới. Ảnh: EPA

Riêng chuyện có nên đóng cửa khối Schengen (cho phép đi lại tự do) hay chỉ đóng cửa với các nước có ca nhiễm bệnh cao cũng là vấn đề chưa có sự thống nhất trong khối. Thế nên, với EU hiện nay thưc sự là tình cảnh túng quẫn. Đối mặt với một loại virus không có biên giới, EU hiện đại đang phải dựng lên biên giới ở khắp mọi nơi. Nhưng mỗi nước áp dụng một cách khác nhau và những bước đi rời rạc đang làm tăng cảm giác về sự tách biệt và chia rẽ. 

Những thực tế này sẽ góp phần “khoét sâu” thêm mâu thuẫn trong EU, là cái cớ cho những người theo đuổi chủ nghĩa dân túy, phản đối liên minh tấn công mạnh mẽ hơn nữa những giá trị mà EU từ lâu theo đuổi. Giờ vẫn còn quá sớm để dự báo hết những hậu quả của đại dịch lần này nhưng chắc chắn ngoài những con số thương vong, những thiệt hại kinh tế, thì chính trị sẽ là lĩnh vực bị tác động mạnh với những thay đổi đáng lo ngại.

Đồng minh xa rời!

Câu nói “qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau” quả đúng với những ngày căng thẳng, “lận đận” về dịch bệnh Covid-19. Các nước châu Âu - tâm dịch mới của thế giới - không chỉ chứng kiến “phép thử” về tính gắn kết trong liên minh mà còn cả “tình đồng minh” xuyên Đại Tây Dương. Sự kiện 11/3/2020 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm đi lại từ châu Âu càng nhấn mạnh thêm sự chia rẽ của Mỹ và các đồng minh khi họ cần sự đoàn kết nhất. Đây rõ ràng là đòn giáng mạnh vào EU khi quyết định của Mỹ được cho là hoàn toàn bất ngờ, đơn phương và không hề có sự tham vấn trước.

Người dân Mỹ theo dõi bài phát biểu của ông Trump thông báo lệnh cấm đi lại từ các nước EU hôm 11/3/2020. Ảnh: Reuters
Người dân Mỹ theo dõi bài phát biểu của ông Trump thông báo lệnh cấm đi lại từ các nước EU hôm 11/3/2020. Ảnh: Reuters

Không ít học giả và những nhà nghiên cứu chính trị thất vọng vì quyết định từ phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Họ nhắc lại các sự kiện của 10 năm trước khi cuộc họp G20 đầu tiên của các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu Chính phủ Mỹ và các đối tác châu Âu làm việc cùng nhau để chống lại khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hay xa hơn là năm 2001, khi Mỹ bị tấn công khủng bố vào hai tòa tháp ở New York.

Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử NATO gồm các đồng minh châu Âu và Canada của Mỹ  đã kích hoạt Điều 5 của liên minh về phòng thủ chung. Nhiều người chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump không làm gì cho châu Âu như những gì họ đã làm cho Mỹ trong những cuộc khủng hoảng trước đó. Sau những “rạn nứt” liên minh kể từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, có lẽ động thái vừa rồi thêm một lần nữa đặt ra nhiều thách thức khó giải quyết cho mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Không ít ý kiến cho rằng, lệnh cấm  từ Mỹ không phải là một quyết định bốc đồng như tính cách của ông chủ Nhà Trắng, mà đó là một sự tính toán kỹ về chiến lược. Châu Âu vốn là một đồng minh an ninh, kinh tế chiến lược của Mỹ trong nhiều thập niên, nhưng những biến động của tình hình thế giới, nhiều nền kinh tế mới nổi, nhiều mối quan tâm khác khiến nước Mỹ “nhìn nhận lại” vai trò đồng minh. Chẳng thế mà, Tổng thống Trump luôn đưa câu chuyện “san sẻ gánh nặng chi phí an ninh” với EU trong bất cứ cuộc gặp gỡ và đối thoại nào với khối này. Ở góc độ nào đó, châu Âu “già cỗi và bảo thủ” đang trở thành gánh nặng cho Mỹ.

Quảng trường trung tâm ở Milan (Italy) được khử trùng. Ảnh: EPA
Quảng trường trung tâm ở Milan (Italy) được khử trùng. Ảnh: EPA

Chính vì thế, ngay cả việc châu Âu “nhiễm virus”, Tổng thống Trump cũng cho rằng đó là hệ quả của việc chậm phản ứng, thiếu quyết sách của các chính phủ châu Âu. Và việc cấm đi lại từ 26 nước thành viên EU lần này chẳng khác nào thông điệp Mỹ sẽ giảm dần trách nhiệm với châu Âu. Đây rõ ràng là một thực tế mà các quốc gia EU sẽ phải tính toán lại trong chiến lược và định hướng về sự phát triển trong tương lai của khối. Hay nói cách khác, sau cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng di cư, đại dịch Covid-19 sẽ là lần thứ ba các quốc gia châu Âu đối mặt với thử nghiệm về khả năng hợp tác và nhận ra “chỗ đứng” của mình trong các mối quan hệ quốc tế.

Tin mới