Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát nhiều nơi ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An, trong đó "nóng" nhất tại 2 huyện Thanh Chương và Diễn Châu; số lợn bị tiêu hủy tăng nhanh.
Số lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy ngày càng nhiều trên địa bàn Thanh Chương và Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Số lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy ngày càng nhiều trên địa bàn Thanh Chương và Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Thanh Chương và Diễn Châu hiện là những địa phương đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất tỉnh Nghệ An từ đầu năm 2021 đến nay. Số lượng lợn chết do nhiễm dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí ngày càng tăng nhanh.

Tại huyện Thanh Chương, tính đến ngày 27/4/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.746 hộ, thuộc 171 thôn, bản của 36 xã, số lượng lợn bị chết tiêu hủy 371 tấn, tăng hơn 200 tấn so với đầu tháng 4.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung mạnh vào công tác tiêu độc, khử trùng, tuần tra kiểm soát tình trạng vận chuyển lợn, vứt lợn chết ra môi trường.
Tại huyện Diễn Châu, tính đến ngày 27/4, toàn huyện đã có 22/37 xã có dịch tả lợn châu Phi: Diễn Lộc, Minh Châu, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Lâm, Diễn Đồng, Diễn Quảng, Diễn Thành, Diễn Tân, Diễn Cát, Diễn Phúc, Diễn Lợi, Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Xuân, Diễn Hoa, Diễn Hạnh, Diễn Kỷ, Diễn Phong, Diễn Đoài. Tổng số lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy xấp xỉ 53 tấn lợn hơi.
Ông Nguyễn Trọng Bốn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết, mặc dù số lượng lợn tiêu hủy hàng ngày không nhiều, nhưng hầu như ngày nào cũng nhận được báo cáo lợn bị nhiễm dịch từ các xã.
Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, người chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, người chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên địa bàn 2 huyện nói trên là do các hộ dân ở đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

Sau Tết Nguyên đán, người dân tái đàn lợn nhưng nhiều hộ không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác tiêu độc, khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm soát giết mổ không được quản lý chặt chẽ.

Khi xảy ra dịch bệnh không khai báo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y để xử lý, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Các nguồn nước, phân, chất thải phát tán ra môi trường, theo các kênh, mương, ao, hồ cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.

Tin mới