Dịch vụ sửa xe máy, đồ điện tử ở phố núi Kỳ Sơn quá tải sau trận lũ quét

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Các tiệm sửa chữa xe máy, điện tử, điện lạnh... trên địa bàn phố núi Kỳ Sơn luôn trong tình trạng quá tải dù cơn lũ quét đã qua 20 ngày. Nhiều người vẫn chưa có phương tiện để đi lại, sinh hoạt vì tài sản bị hư hỏng quá nặng chưa thể sửa chữa kịp.

Sửa chữa xe máy cho người dân huyện Kỳ Sơn sau lũ. Clip: Quang An - Xuân Hoàng

Trong đợt lũ quét lịch sử đầu tháng 10 vừa qua, bên cạnh việc nhiều ngôi nhà, công trình, giao thông... bị hư hỏng, cuốn trôi, thì nhiều tài sản của các hộ dân cũng bị chìm trong bùn nước, hư hỏng.

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, lũ đã cuốn trôi, vùi lấp nhiều ô tô, hàng trăm xe máy, xe đạp, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, laptop... Ước tính thiệt hại riêng về tài sản lên đến 12 tỷ đồng. Do đó, sau khi dọn dẹp được lớp bùn đất, người dân vùng lũ huyện Kỳ Sơn đã đổ xô đi sửa chữa lại tài sản với hy vọng vớt vát được phần nào thiệt hại.

Xe máy hỏng sau lũ quét xếp hàng dài tại các cơ sở sửa chữa trên địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Xe máy hỏng sau lũ quét xếp hàng dài tại các cơ sở sửa chữa trên địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Nếu như đối với ô tô, hầu hết các chủ xe đều đưa về xuôi để sửa chữa, bảo hành thì hiện nay dịch vụ sửa chữa xe máy tại thị trấn Mường Xén được xem là "làm không hết việc" khi số lượng xe cần sửa chữa quá lớn so với số lượng tiệm sửa xe hạn chế trên địa bàn.

Tại tiệm sửa xe máy của anh Nguyễn Viết Hải ở khối 1, thị trấn Mường Xén, chúng tôi ghi nhận hàng chục xe máy đang nằm dài, hầu hết đã bị tháo bung ra, lộ lớp bùn khô ở tất cả các bộ phận. Đây đều là những chiếc xe bị vùi lấp dưới đống bùn đất trong trận lũ quét vừa qua, mới được các lực lượng kéo khênh lên, tuy nhiên, việc sửa chữa không hề dễ dàng.

Các bộ phận của xe sau khi tháo bung ra vẫn còn lớp bùn đất khô do bị vùi dưới đất lâu ngày. Ảnh: Xuân Hoàng

Các bộ phận của xe sau khi tháo bung ra vẫn còn lớp bùn đất khô do bị vùi dưới đất lâu ngày. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Hải chia sẻ: "Trước thời điểm xảy ra lũ quét, trong tiệm của tôi có gần 20 xe máy của khách mang đến nhưng chưa sửa chữa xong. Trận lũ xảy ra bất ngờ, khiến cả tiệm xe máy phủ bởi lớp bùn lên đến hơn 1 mét, nhấn chìm toàn bộ xe. Nửa tháng vừa qua chúng tôi chỉ tập trung cào bùn, dọn vệ sinh, đến ngày 15/10 mới thu xếp được nhà cửa và trở lại sửa xe cho khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết xe đã bị hư hỏng rất nặng nên việc sửa chữa tốn rất nhiều thời gian".

Cách đó không xa, tiệm sửa xe của anh Thái Bá Anh ở khối 1, thị trấn Mường Xén cũng nườm nượp khách vào, ra. 4 anh em thợ làm việc không có một phút nghỉ ngơi trong những ngày qua, nhưng lượng xe vẫn không hề giảm.

Thợ sửa xe máy tại huyện Kỳ Sơn làm không hết việc sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Quang An

Thợ sửa xe máy tại huyện Kỳ Sơn làm không hết việc sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Quang An

Vừa nghỉ tay uống ngụm nước, anh Anh cho biết: "Lượng xe người dân mang đến sửa hàng ngày từ 7 - 10 chiếc, làm không xuể, có thời điểm phải nói bà con mang xe sang các tiệm khác để tiết kiệm thời gian, vì nếu đưa đến tiệm của mình cũng phải chờ vài ngày, thậm chí cả tuần mới lấy được... khi đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con, vì xe máy là phương tiện lao động chủ yếu của người dân nơi đây".

Do bị hư hỏng nặng nên trung bình mỗi ngày các cửa hàng chỉ sửa được khoảng 5 - 6 xe. Ảnh: Quang An

Do bị hư hỏng nặng nên trung bình mỗi ngày các cửa hàng chỉ sửa được khoảng 5 - 6 xe. Ảnh: Quang An

Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng sửa chữa xe máy ở thị trấn Mường Xén, do xe bị ngấm bùn, nước quá lâu nên đều phải tháo bung ra làm lại rất nhiều công đoạn, như vệ sinh lọc gió, hòa khí, thông ống bô, lau chùi, xóc máy, thay dầu... Riêng việc lau chùi lớp bùn khô trong từng bộ phận đã tốn từ 2 - 3 tiếng cho mỗi xe, chưa kể sửa chữa. Do đó, dù đã rất cố gắng, nhưng trung bình mỗi tiệm chỉ sửa được từ 5 - 6 xe mỗi ngày. Trong khi lượng xe bị hỏng sau lũ lên đến hàng trăm xe, nên số xe hư hỏng vẫn cứ nằm dài trước các ốt.

Trong đợt lũ ống, lũ quét sáng 2/10 vừa qua, có hàng trăm xe máy bị nước lũ và đất, đá vùi lấp. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong đợt lũ ống, lũ quét sáng 2/10 vừa qua, có hàng trăm xe máy bị nước lũ và đất, đá vùi lấp. Ảnh: Xuân Hoàng

Không chỉ dịch vụ sửa chữa xe máy mà các cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dụng... cũng không ngớt khách vào thời điểm này. Những tài sản như tủ lạnh, ti vi, máy giặt, quạt... cũng chất đống trước các cửa hàng. Do chủ yếu là đồ điện tử, lại bị ngấm nước lâu ngày, nên việc sửa chữa đã khó lại càng khó.

Anh Tuyên, chủ một điểm sửa chữa đồ điện tại thị trấn Mường Xén cho biết: "Sau lũ bà con đưa tài sản đến sửa nhiều lắm, đếm không xuể, sau khi kiểm tra thì có nhiều thiết bị đã hư hỏng hoàn toàn rồi, số còn lại bị hư nhẹ hay nặng tôi đều cố gắng sửa cho bà con, vì lũ vừa qua nhà ai cũng thiệt hại cả, giờ mà bỏ đi để mua cái mới thì bà con trên này làm gì có tiền nữa... Cái khó nhất là từ sau lũ, điện và nước luôn chập chờn, không ổn định, nên để sửa được một thiết bị cũng rất gian nan".

Các thiết bị điện tử, điện lạnh cũng chất hàng dài tại các cửa hàng sửa chữa. Ảnh: Xuân Hoàng

Các thiết bị điện tử, điện lạnh cũng chất hàng dài tại các cửa hàng sửa chữa. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhiều người chờ đợi, vì sửa chữa các thiết bị sau lũ thường tốn rất nhiều thời gian, trong khi điện, nước còn chập chờn. Ảnh: Quang An

Nhiều người chờ đợi, vì sửa chữa các thiết bị sau lũ thường tốn rất nhiều thời gian, trong khi điện, nước còn chập chờn. Ảnh: Quang An

Sự sẻ chia sau lũ cũng được các cơ sở sửa chữa xe máy, đồ điện tử thực hiện đối với bà con trong đợt lũ lần này. Theo chia sẻ của các thợ thì họ chỉ tính tiền thiết bị, linh kiện thay thế, còn đối với tiền công sửa chữa đã đều giảm cho bà con từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí sửa miễn phí để san sẻ với bà con, mong người dân sớm vượt qua giai đoạn khó để ổn định cuộc sống./.

Tin mới