Điểm chuẩn các trường đại học top trên có thể giảm so với năm 2017?

Đề thi THPT quốc gia năm nay được cho là khó hơn nhiều so với năm trước, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức điểm chuẩn vào các trường đại học.

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều thí sinh và phụ huynh không khỏi lo lắng về mức điểm thi và đặc biệt là điểm chuẩn của các trường đại học.

Điểm thi sẽ thấp?

Nhận xét về đề thi THPT quốc gia năm nay, nhiều thí sinh, cũng như giáo viên đều cho rằng đề có tính phân loại cao, tuy nhiên quá khó và dài.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chuyên gia đầu ngành về Đại số của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Với 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút”.

Điểm chuẩn các trường đại học top trên có thể giảm so với năm 2017? ảnh 1
Nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay khó hơn nhiều so với năm 2017.

Còn theo thầy Lại Tiến Minh, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): “Để đạt được mức điểm từ 4-5 điểm đủ để xét tốt nghiệp thì không khó, tuy nhiên, để xét tuyển đại học thì yêu cầu thí sinh phải làm thật nhanh. Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, nhưng khá dài. Phổ điểm phổ biến sẽ trong khoảng 4-6 điểm. Những học sinh thực sự khá có thể đạt từ 7-8 điểm, mức điểm trên 8 sẽ không nhiều như những năm trước”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường, tổ Toán hệ thống Tuyensinh 24/7 nhận định rằng: Đề thi có mức độ câu hỏi rộng, mức độ hỏi sâu, tính phân loại cao. Mức độ câu hỏi ở nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 20-25 câu và học sinh trung bình có thể được số điểm từ 4-5,5 điểm. Học sinh có học lực khá có thể giải quyết 35 câu đầu tiên và đạt điểm khoảng từ 7 đến 7, 4. Học sinh giỏi thực sự mới có thể làm đúng và có thể đạt điểm trên 9. Năm nay, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.

Không chỉ riêng môn Toán, với các bài thi khác, đặc biệt là bài thi môn Ngữ văn cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề thi quá khó.

Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, đề thi ra đảm bảo có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Các câu hỏi ra trong vài thi khá hay và có tính phân loại cao. Tuy nhiên, để làm trong thời gian 120 phút đề thi này thì hơi quá sức với học sinh. Ở câu hỏi mở rộng, đòi hỏi thí sinh phải tư duy và liên hệ thực tiễn kiến thức đã học trong thực tiễn cuộc sống. Phần suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân mang tính vĩ mô.

Trước mức đề như năm nay, các giáo viên dự đoán, mùa thi này sẽ không còn “mưa điểm 10” như năm ngoái. Thay vào đó, mức điểm phổ biến của bài thi KHTN, KHXH sẽ phổ biến từ 6-7.

Bài thi môn Ngoại ngữ có phổ điểm từ 5-7 điểm. Riêng môn Ngữ văn đề ra theo hướng mở, nên cách chấm cũng được mở.

Điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm?

TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh Tế quốc dân cho biết: “Hiện nay chưa có phổ điểm nên chưa thể dự đoán chính xác về mức điểm chuẩn của các trường. Tuy nhiên, với đề thi có tính chuẩn hóa cao hơn, bao gồm cả chương trình lớp 11 và lớp 12, các em có thể cảm thấy khó hơn. Nếu như đúng như những gì dư luận phản ánh và nhận xét của nhiều giáo viên rằng đề thi khó, thì chắc chắn điểm thi năm nay sẽ không cao, không có nhiều mưa điểm 9, 10 như năm ngoái, như vậy điểm chuẩn vào các trường đại học cũng sẽ giảm chung”.

Theo thầy Triệu, mức điểm trung bình các môn năm nay giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến điểm chuẩn của các trường Top trên, trong khi đó, các trường Top giữa và Top dưới sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

“Năm nay các trường top giữa có thể lấy mức từ 15-18 điểm. Những trường phía trên sẽ bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là các trường có điểm chuẩn các năm từ 25 trở lên năm nay chắc chắn sẽ phải giảm”.

Vị trưởng phòng Đào tạo cũng dự kiến, phổ điểm vào trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay có thể giảm, nhưng cũng sẽ không giảm sâu.

Đánh giá về kỳ thi năm nay, thầy Triệu cho rằng, đề thi có tính phân hóa cao, đồng thời tiến hành giảm mức điểm ưu tiên tạo thuận lợi hơn cho các trường, dự báo sẽ không còn hiện tượng 30 điểm/3 môn vẫn trượt đại học như năm 2017. Từ đó, tạo ra tính công bằng, để các trường chọn được thí sinh thực sự phù hợp.

TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, qua phản ánh của thí sinh, đề thi năm nay có những nội dung khó hơn những năm trước. Do đó số lượng điểm cao cũng có khả năng sẽ thấp hơn năm 2017. Phổ điểm giảm, có thể kéo theo điểm chuẩn vào các trường sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, giảm đến mức nào thì hiện tại chưa thể dự đoán.

“Phổ điểm phổ biến năm nay sẽ từ khoảng 6-7 điểm, nhưng tới thời điểm này, chưa trường nào có thể dự đoán được điểm chuẩn sẽ giảm bao nhiêu”, TS Tớp nói.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng nhận định, với những ngành “hot” của của trường như Điều khiển tự động hóa, Công nghệ thông tin, Cơ điện, Điện tử viễn thông các năm trước đều có mức điểm chuẩn cao nhất, năm nay nếu có giảm, cũng chỉ giảm nhẹ, không đáng kể.

“Ngay những năm 2015, 2016, điểm thi không giống như năm 2017, nhưng những ngành này vẫn lấy khoảng trên dưới 25 điểm. Như vậy, năm nay mức điểm cũng phải tương đương, cụ thể còn phải đợi vào số lượng thí sinh đăng ký. Song những ngành này luôn rất đông hồ sơ nộp vào”, TS Trần Văn Tớp thông tin.

Trong khi đó, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội cho rằng: “Với đề thi phân hóa mạnh, phổ điểm năm nay sẽ thấp chung. Những thí sinh không xét tuyển đại học bằng môn Toán có vẻ sẽ lợi thế hơn vì năm nay đề Toán ra khá khó. Riêng báo chí, thí sinh sẽ phải thi và cộng thêm điểm năng khiếu, nên phổ điểm sẽ tương đối cao, có thể ngang với năm trước”.

TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng, năm 2018, mức điểm ưu tiên của thí sinh giảm hơn so với những năm trước, kết hợp với đề thi mang tính phân hóa cao hơn, do đó, mức điểm chuẩn có thể giảm so với năm 2017.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, Nguyễn Tuấn Anh, cho biết năm, năm nay điểm chuẩn vào trường có thể tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái một chút, tùy theo tổ hợp.

"Môn Toán được đánh giá là khó hơn, còn các môn khác cũng chưa rõ thế nào. Chúng tôi sẽ đợi kết quả chấm thi để đánh giá kỹ hơn”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất ngày 10/7, các Hội đồng thi xuất kết quả chấm thi và hoàn thành việc đối chiếu kết quả thi chậm nhất ngày 11/7.

Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11/7 và chậm nhất ngày 15/7 phải báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Việc công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất là ngày 17/7./.

 

Tin mới