Điểm sáng giáo dục vùng cao

(Baonghean) - Theo chủ trương sáp nhập các điểm trường lẻ để nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS Hội Nga (Quỳ Châu) được sáp nhập từ 2 điểm trường lẻ của xã Châu Nga và xã Châu Hội. Hiệu trưởng Trường THCS Hội Nga - Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: “Khi thực hiện chủ trương sáp nhập, nhà trường và chính quyền 2 xã đã xây dựng lộ trình trong công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh và cả học sinh, tạo sự đồng thuận nhất trí cao. Sau sáp nhập, cơ sở vật chất của trường được xây dựng khang trang với đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết. Năm học 2013 - 2014, lần đầu tiên xã Châu Nga có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Cơ sở vật chất của Trường THCS Châu Nga được bàn giao lại cho Trường Tiểu học Châu Nga để hoàn thiện, hướng tới đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2015. Cũng từ chủ trương sát đúng và phù hợp với yêu cầu của ngành Giáo dục huyện nhà trong tình hình mới mà trong nhiệm kỳ qua mạng lưới trường lớp được sắp xếp, bố trí và sáp nhập hợp lý nhằm tập trung đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng dạy và học. Trong 5 năm đã sáp nhập và thành lập 4 trường THCS liên xã: THCS Hoàn Lãm; THCS Tiến Thắng; THCS Hội Nga; THCS Bính Thuận. Đồng thời đã thành lập 1 trường PTDTNT THCS và 3 trường PTDTBT THCS (Châu Phong, Hội Nga, Bính Thuận). Đến năm học 2014 - 2015 mạng lưới trường lớp đã ổn định (bao gồm: 37 trường, trong đó: MN:12; TH:16 ; THCS: 8; THPT: 1).
Học sinh Trường Tiểu học Châu Hội 1 múa sạp trong tiết học ngoại khóa.
Học sinh Trường Tiểu học Châu Hội 1 múa sạp trong tiết học ngoại khóa.
Để hiện thực hóa được chủ trương này thì công tác xã hội hóa đóng vai trò quyết định. Cô Nguyễn Thị Nguyệt - Trường THCS Hội Nga cho biết, nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất bán trú thì không thể có được 13 phòng học bán trú để thực hiện tốt việc sáp nhâp. Thực tế trong nhiệm kỳ qua, trên địa bàn huyện các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội và đại bộ phận nhân dân ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Trong điều kiện khó khăn chung nhưng ngành đã vận dụng nhiều chính sách và đã có được nguồn thu xã hội hóa tương đối lớn. 
Nhờ biết vận dụng các nguồn xã hội hóa, sự quyết tâm nỗ lực vượt khó vươn lên, mà trong nhiệm kỳ qua ngành Giáo dục huyện nhà đã xây dựng được 30 trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu đại hội 26 trường). Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với một số trường như Trường PTDTBT - THCS Bính Thuận, Hội Nga... là sự nỗ lực rất lớn cuả ngành và của cán bộ, giáo viên nhà trường. Trường THCS Hội Nga đã kiên trì vận động các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là phụ huynh, nhân dân địa phương góp công, góp của để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. 
Trường THCS Bính Thuận là ngôi trường được sáp nhập từ 2 điểm trường lẻ thuộc 2 xã Châu Bính và Châu Thuận. Những ngày đầu mới sáp nhập trường từng gặp muôn vàn khó khăn trong việc tổ chức lớp học, điều kiện nội trú cho học sinh vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, với sự quan tâm của ngành và cả những nỗ lực tuyên truyền trong nhân dân, sự đóng góp ủng hộ của chính giáo viên nhà trường, trường đã huy động được nguồn hỗ trợ rất lớn để hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp. Cô giáo Phạm Thị Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhân dân 2 xã đã đầu tư cho trường một sân gạch khang trang, sạch sẽ với nguồn kinh phí hơn 200 triệu đồng. Hội Phụ huynh nhà trường đã đứng ra vận động sự đóng góp của nhân dân để có được toàn bộ bình lọc nước cho các lớp học, hàng chục bộ bàn ghế mới. Và đến năm 2011 trường vinh dự được đón nhân danh hiệu trường chuẩn quốc gia”.
Chính nhờ được trang bị cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mà điều kiện dạy và học nhà trường được nâng lên, chất lượng học sinh giỏi cao hơn những năm học trước. Năm học 2014 - 2015 trường có tới 123/391 học sinh giỏi cấp trường và 34 em học snh giỏi cấp huyện, 1 em học sinh giỏi tỉnh. Đây cũng là thành quả cao nhất từ trước đến nay của nhà trường. Trong nhiệm kỳ qua ngành Giáo dục huyện Quỳ Châu đã vận động quyên góp được 5 tỷ đồng xã hội hóa giáo dục và xây mới được 2 dãy phòng học đạt chuẩn.
Để đưa ngành Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu trong nhiệm kỳ vươn lên tốp đầu của các huyện vùng cao là chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Trong 5 năm có 277 em học sinh giỏi cấp tỉnh; 5 em học sinh giỏi cấp quốc gia. 96,2% chất lượng giáo dục phổ thông đạt yêu cầu trở lên, kết quả phổ cập giáo dục các cấp học TH, THCS bền vững. 
Cô Võ Thị Lộc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu cho biết: “Có được thành quả trên trước hết là nhờ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Sau đó là công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên dựa trên những cam kết mà các đơn vị trường học đã giao ước thi đua. Vì thế tạo nên sự thi đua sôi nổi, thành tích học tập của thầy và trò trong các nhà trường liên tục tăng lên. Tin rằng, với hướng đi này mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện có trên 90% đạt trường chuẩn quốc gia, chất lượng học sinh giỏi không ngừng tăng sau mỗi năm học là hoàn toàn  khả thi”.
Thanh Nga

Tin mới