Diễn

“Thời buổi này cũng lạ, diễn mà cứ như thật, thật lại cứ như diễn”. Tôi giật mình trước phát biểu bâng quơ dù chỉ đủ âm lượng cho vài người có độ nhạy thính giác tốt tại cuộc trao quà từ thiện của một doanh nghiệp thuộc hàng “con cưng” của huyện nghèo.

Vị chủ tịch hội đồng quản trị công ty X rưng rưng mang đến những tập sách vở sặc sỡ sắc màu, những chiếc xe đạp xinh xắn cùng lời căn dặn đường mật “Các con cố lên nghe”. Rào rào tiếng vỗ tay, những lời tán dương chạm trời của cô MC, những giọt nước mắt ngập ngừng trong tâm khảm của đại diện phụ huynh… tất cả đều được ống kính truyền hình sắc bén ghi lại thông qua những góc quay không thể đắt hơn.

Tôi rẽ qua đám đông đang nghẹn ngào xúc cảm để tìm đến người đàn ông vừa có lời nhận xét “phá đám” ban nãy. Sau một vài câu chuyện đưa đẩy, anh ta bật lòng không giấu giếm: “Diễn, diễn đấy, diễn cả đấy, diễn sâu đấy! Nợ đầm đìa, công nhân còn không được đóng bảo hiểm xã hội kìa. Bày đặt chương trình đồng hành đồng hiếc”. “Diễn thật à?” – tôi hỏi lại. “Diễn, chỉ có những kẻ trên trời rơi xuống như ông mới ngây thơ cho là thật”. Người đàn ông “phá đám” như trút toàn bộ sự tức giận xuống một kẻ xa lạ. Tôi hỏi thêm: “Biết là diễn sao mọi ngươì̀ vẫn chấp nhận, vẫn tặng “kỷ niệm chương”, vẫn sụt sùi viết những dòng gan ruột lên sổ vàng truyền thống?”. “Diễn, cũng diễn nốt, diễn như thật. Kẻ thì diễn nhằm mục đích tối đa hóa hình ảnh, kẻ thì diễn nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích vật chất”. Người đàn ông đẩy cao âm lượng rồi bỏ đi về phía những đứa trẻ hồn nhiên ăn kẹo từ thiện miễn phí dưới gốc bàng. Tôi rời khỏi “sàn diễn dã chiến” với cả mớ câu hỏi thều thào trong đầu. Sao ông ấy lại nói mình ngây thơ, chả biết đâu là thật, đâu là diễn? Mà cái ông “phá đám” ấy cũng đang diễn thì sao nhỉ?

Còn nhớ cách đây mấy năm, xã NC huyện NĐ bỗng nhiên nổi như cồn vì có phong trào triệu hồn người đã chết về… hỏi chuyện. Hàng ngàn gia đình liệt sỹ khắp mọi miền ùn ùn kéo về “khu tâm linh”. Nhang khói nghi ngút. Người viết bài này may mắn được diện kiến trực tiếp một “vong” về chỉ mộ. “Vong” nói thao thao về những trận đánh, về sự khốc liệt và những lá thư bị vùi trong khói lửa, bây giờ mộ ở đâu, bị lãng quên như nào… đại ý thế. Thân nhân tin sái cổ, vái như tế sao. Tuy nhiên, khi một người xưng là bạn cũ của “vong” vồn vã hỏi: “Nam à, tao đây, có nhận ra ai không?”. “Vong” lắc đầu. Người kia lại hỏi tiếp: “Hai đứa mình học 10 năm học cùng nhau, ngủ cùng nhau, chăn trâu cùng nhau mà bạn không nhận ra mình à?”. “Vong” nghe vậy lập tức chào tạm biệt rồi… bay về “chiến trường xưa” để kịp… trận đánh! Mọi người ngơ ngác, còn trách anh bạn tên Nam vì đã hỏi khó “vong”! Lạ thật, diễn thô thế mà vẫn qua mặt được hàng ngàn người.

Nếu câu chuyện tôi kể còn làm bạn nghi ngờ thì vui lòng lên Youtube đánh hai chữ “áp vong” mà xem người ta… diễn. Một “nhà ngoại cảm” có bằng thạc sỹ nọ tiếng tăm lẫy lừng với biệt tài họp với người âm như họp xóm bỗng nhiên bặt vô âm tín sau khi hàng loạt “hài cốt” mà chị ta đưa về chả có cái nào trùng AND, tệ hơn là trong só ấy còn có cả xương bò! Người ta rủa rằng kẻ nào lấy xương bò cũng là lấy xương… đồng loại. Vậy mà trước đó không lâu, chị ta vẫn diễn ngược diễn xuôi qua mặt cả cái viện nghiên cứu gì gì đó. Thật buồn, thật thất vọng cho cái thời của những giả dối mặc nhiên chiếm dụng không gian chân thực, kẻ man giáo trục lợi trên sự mông muội và ngờ nghệch của người lành.

Chữ “diễn” nếu ghép lại cũng được nhiều nghĩa lắm: diễn kịch, diễn đàn, diễn giả, diễn thuyết, diễn xuất, diễn giải, diễn biến… Tuy nhiên, khi đứng một mình thì hình như nó dường như được hiểu theo nghĩa thông dụng nhất – diễn… kịch! Có những vở kịch trở thành kinh điển, mang theo thông điệp giáo dục sâu sắc, làm lay động lòng người. Có những diễn viên hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật. Với họ, diễn chính là lao động, họ như những con tằm rút từng sợi tơ góp phần dệt nên cuộc sống. Tuy nhiên, đó là diễn trên sân khấu, là lao động nghệ thuật. Ở phạm vi bài viết này, tác giả chỉ bàn đến vấn nạn “diễn” ngoài đời thường cơ. Hình như càng ngày hoạt động “diễn” càng được “ắp đết” phiên bản mới. Chuyên nghiệp hơn, tinh vi hơn và nói thật là cũng có cả gánh diễn trơ trẽn hơn. Đánh vợ què chân thì giấu nhẹm, lại lên mạng “lai trim” cảnh đút cháo cho vợ ăn. Kinh!

Ngoài những vai diễn cá nhân còn có cả những vở diễn tập thể nữa cơ. Vừa rồi, báo chí phát hiện ra một cuộc thi giáo viên giỏi. Để đạt giải, cô giáo buộc tất cả những em học sinh trung bình trở xuống phải nghỉ học. Những em học khá được chọn trở thành “bạn diễn” của cô giáo. Tiết học được tập dượt như một vở kịch, khi hội đồng giám khảo đến, cô trò chỉ việc diễn xuất cho tốt nữa là xong. Còn các thành viên giám khảo thì sao ạ? Họ không biết các cô diễn ư? Thưa, họ biết tỏng tòng tong vì trước đó họ cũng từng là giáo viên dạy giỏi và tất nhiên họ cũng từng đi thi cơ mà! Biết sao không nói à? Đơn giản lắm, họ cũng đang diễn, họ diễn thế nào cho đúng vai một ông… giám khảo! Công bộc thì diễn trước cử tri. Thủ trưởng diễn trước nhân viên, nhân viên cũng đáp lại bằng cách diễn sâu hơn trước thủ trưởng. Mỗi người tạo cho mình một chiếc mặt nạ hoặc là hiền lành, hoặc là thông minh, hoặc là hào phóng, hoặc là chu đáo, hoặc là tử tế vân vân và vân vân. Khi đã đeo mặt nạ vào là phải diễn thôi. Ai cũng cố tạo dựng ra một hình ảnh mướt mát trong mắt của kẻ đối diện khác xa với những gì họ có bên trong. Và cứ như thế, một môi trường diễn xướng giả dối được cổ súy và tung hô.

Để diễn cũng cần phải có “chuyên môn”, diễn mà không khéo là “bể show” như chơi. Chả phải cách đây mấy năm có doanh nghiệp tặng “sữa cấp tốc” cho học sinh, gọi là “sữa cấp tốc” vì các em phải “uống nhanh, uống mạnh, uống vững chắc” trong hai ngày, kẻo để sang ngày thứ ba là… “hết đát”! Báo chí lùng sục, mạng xã hội xỉa xói. Người ta hè nhau tẩy chay gần năm trời. Đúng là, mua danh ba vạn bán danh ba hào.

Sau khi được phanh phui, bao người bàng hoàng biết thông tin “Vũ Nhôm” là một sỹ quan tình báo vào vai giám đốc doanh nghiệp. Ồ không, nói cho chính xác là một giám đốc doanh nghiệp vào vai… tình báo! Phải nói là một vở diễn lộ liễu dài lê thê vậy mà qua mặt hết thảy. Lại nhớ cách đây chưa lâu, một lãnh đạo nọ trước khi ra vành móng ngựa vẫn còn nổi như cồn vì phong cách gần dân. Anh sốt sắng lội bộ, anh xông xáo cách chức thuộc cấp, anh hăng hái đeo găng tay 2 lớp đi vớt bèo làm vệ sinh. Anh sẵng giọng nạt nộ cấp dưới vì dám sách nhiễu dân… Hình ảnh của anh ngập tràn trên báo. Anh nổi lên như một hiện tượng, một mẫu hình cán bộ nói được làm được, dám nói, dám làm, dám chịu. Những tuyên bố na ná lập ngôn của anh trở thành tiêu đề không biết bao nhiêu là bài báo. Rồi anh thất cơ lỡ vận, anh vướng vòng lao lý. Người tiếc anh, kẻ thương anh, cũng có người chua chát mà rằng anh giỏi “diễn”. Rồi cả mấy vị tướng nữa, trước kia cũng “tròn vai” lắm chứ. Chỉ khi “các đồng chí đã bị lộ” thì người ta mới ngược dòng công tác của cá nhân để mổ xẻ phân tích thôi. Chỉ khi phân tích và xâu chuỗi đủ hành vi, người ta mới tá hỏa nhận ra… diễn. Có vợ chồng nhà nọ một ngày xung đột 12 lần, xưng với nhau là “tau mi”, chửi nhau là chó đẻ, là súc sinh, ấy vậy mà khi về thăm nhà ngoại cứ bố bố mẹ mẹ làm cả họ nức lòng, chỉ có vị bố vợ là thì thầm nhận xét với cô con gái: “Anh chị nhà mày vừa diễn một vở kịch quá hoàn hảo”.

Thế đấy, ai cũng có thể diễn và ai cũng có thể trở thành “khán giả”, thậm chí trở thành “diễn viên quần chúng” bất đắc dĩ. Cuộc sống không trần trụi và hà khắc đến mức bắt chúng ta phải lột truồng mọi ý nghĩ cho người khác soát xét, nhưng cuộc sống sẽ là địa ngục nếu sự giả dối hoành hành. Chỉ khi chúng ta sống thật với xung quanh thì chúng ta mới có thể sống thật với chính mình. Xin lỗi, đã tự mình cố gắng không trở thành con rối thì cũng nên cố gắng đừng tự mình diễn tuồng.