Diễn đàn APEC: Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại

Thông điệp Việt Nam đưa ra tại các hội nghị và phiên họp ở Diễn đàn APEC là ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số.

Đêm 18/11 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.

Diễn đàn APEC: Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại ảnh 1
Thủ tướng đến Papua New Guinea dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Thông điệp Việt Nam đưa ra tại các hội nghị và phiên họp là ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số, đảm bảo tăng trưởng bao trùm và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Với quan điểm đó, phát huy từ kết quả quan trọng của Năm APEC 2017, Thủ tướng đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng thúc đẩy hợp tác trong APEC, nâng cao vị trí, vai trò quốc tế của Diễn đàn này.

Trong 2 ngày tại Papua New Guinea, Thủ tướng đã có chương trình làm việc với cường độ cao, bao gồm: dự, trao đổi, chia sẻ ý kiến tại các phiên họp kín, phiên ăn trưa làm việc của các nhà lãnh đạo APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng New Zealand, Vanuatu, Thái Lan, lãnh đạo một số Quốc đảo Thái Bình Dương, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc); tiếp Liên minh các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC, bao gồm một số tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam…

Diễn đàn APEC: Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại ảnh 2

Quan điểm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại các hội nghị và phiên họp, nhận được sự ủng hộ lớn của lãnh đạo các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp APEC.

Tại Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), cộng đồng doanh nghiệp khuyến nghị thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020… Các khuyến nghị được lãnh đạo APEC đánh giá cao. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đến việc Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mang lại cơ hội to lớn để đầu tư vào Việt Nam.

Còn tại Hội nghị cấp cao APEC, đa số các thành viên ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy vậy, quan điểm giữa một số thành viên còn khác biệt lớn về một số vấn đề liên quan đến thương mại và hệ thống thương mại đa phương.

Trong các phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn, thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu. APEC cũng đứng trước những thử thách mới, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của mỗi thành viên. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tôn trọng các trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như vai trò của các định chế toàn cầu, đặc biệt là WTO.

Thủ tướng cho rằng, APEC cần tiếp tục phát huy vai trò động lực cho các liên kết khu vực và toàn cầu. Tiếp đà của Năm APEC 2017, APEC cần tiếp tục chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò tiên phong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, dựa trên các luật lệ và quy tắc mới, đề cao hơn nữa vai trò trung tâm là WTO.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao. Với việc phê chuẩn CPTPP và hướng tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác, chiếm 61% GDP và 68% tổng thương mại toàn cầu, liên kết kinh tế của Việt Nam thực sự chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Diễn đàn APEC: Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại ảnh 3

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc thông qua CPTPP chính là đóng góp lớn của Việt Nam và các nền kinh tế trong CPTPP, nhất là trong bối cảnh đang có xu hướng không muốn tự do hóa thương mại và đầu tư. Việc các nước phê chuẩn Hiệp định này và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm sau là động lực để tiếp tục xu hướng tự do hóa thương mại ở khu vực này. Điều đó cũng góp phần hướng tới một tương lai lâu dài trong toàn thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cộng đồng doanh nghiệp APEC chắc chắn muốn tự do hóa thương mại, vì đây là lợi ích, động lực xuyên suốt trong thời gian qua. APEC sinh ra cũng là tạo vườn ươm các ý tưởng để thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Các động lực đó chính là từ các doanh nghiệp. Khi các ý tưởng tự do hóa thương mại và đầu tư được thể chế hóa bằng các chính sách của các nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp phát triển đầu tư, vươn ra nước ngoài.

Cũng tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26, các nhà lãnh đạo đã nhất trí Chương trình hành động về kinh tế số, đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, thu hẹp khoảng cách số; nhấn mạnh sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vì tăng trưởng bền vững, chất lượng. Các nhà lãnh đạo cam kết đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối APEC đến năm 2025, hướng tới hiệp định thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị APEC cần thúc đẩy triển khai hiệu quả sáng kiến về thương mại điện tử qua biên giới, kinh tế mạng và kinh tế số. APEC cần đầu tư hạ tầng số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và an toàn, tập trung vào hạ tầng thương mại số, công nghệ tài chính (fin-tech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị. Các nền kinh tế phát triển hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại số.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, cụ thể là xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng Chính phủ điện tử, các thành phố thông minh... Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và ABAC tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, phục vụ lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, các nhà Lãnh đạo APEC cũng đã thảo luận về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”. Các thành viên cam kết triển khai Chương trình hành động APEC 2017 về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đến năm 2030, đóng góp thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, APEC cần đi đầu thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và sáng tạo tại châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực cho phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu và thực hiện SDGs. APEC cần đóng vai trò khởi xướng, “vườn ươm” các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đưa châu Á - Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Các thành viên APEC cần tận dụng cơ hội to lớn của kỷ nguyên số, đặt người dân vào trung tâm của phát triển, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC trong nỗ lực chung hướng tới một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp.

Trong chuyến đi, Thủ tướng đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ, một hoạt động thường xuyên trong các kỳ lãnh đạo nước ta dự APEC, thể hiện sự quan tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ dự cuộc gặp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến, sinh học, năng lượng, thức ăn chăn nuôi, tài chính...

Chỉ trong khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trao đổi với khoảng 20 nhà đầu tư Hoa Kỳ về các vấn đề thúc đẩy thương mại và đầu tư quan tâm. Đây hầu hết là những nhà đầu tư đang đầu tư thành công tại Việt Nam và muốn mở rộng đầu tư hơn nữa. Đáng chú ý là các vấn đề nêu ra không có sự quan ngại nào về môi trường đầu tư kinh doanh, mà là những vấn đề khá cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực của doanh nghiệp. Trong đó, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cho biết, họ đã trực tiếp đối thoại với các bộ, ngành của Việt Nam về các quy định trong dự thảo các luật, các văn bản dưới luật và nhận được sự phản hồi tích cực. Điều đó cho thấy một Chính phủ lắng nghe, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được triển khai, khiến các nhà đầu tư yên tâm mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Chính phủ, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư về các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình đầu tư.

Có thể nói, chuyến tham dự Tuần lễ APEC lần thứ 26 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp với thông điệp mạnh mẽ và Việt Nam ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế số; tăng trưởng bao trùm và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị kết thúc dù không đưa ra được Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC như thông lệ, nhưng các thành viên APEC đều nhấn mạnh những kết quả quan trọng về liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, kết nối và trên nhiều lĩnh vực khác mà APEC đã đạt được trong năm nay, đồng thời nhất trí sẽ tiến hành Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 tại Chile vào năm 2019./.

Tin mới