Điện lực Nghệ An tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm sử dụng điện

(Baonghean.vn) - Trong những năm vừa qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các Điện lực trực thuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng, đi đôi với các giải pháp kỹ thuật, vận hành lưới điện an toàn, ổn định.

Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng, tăng cường và thực hiện tốt công tác kiểm tra sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết xử lý triệt để tình trạng vi phạm về sử dụng điện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của toàn Công ty.    

Công ty Điện lực Nghệ An

Công tác kiểm tra sử dụng điện tại Điện lực TP. Vinh. Ảnh: P.V

Theo thống kê của Phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện - Công ty Điện lực Nghệ An, từ đầu năm đến nay, toàn Công ty đã phát hiện và xử lý 90 vụ khách hàng vi phạm sử dụng điện, tổng sản lượng điện năng bồi thường là 333.532 kWh, tương đương 1.077.320.536 đồng. Trong đó, điểm nóng của tình trạng trộm cắp điện xảy ra nhiều nhất trên địa bàn quản lý của các Điện lực: Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Diễn Châu…

Đáng chú ý, có một số vụ vi phạm sử dụng điện của khách hàng số tiền truy thu lên đến gần 70 triệu đồng như của hộ gia đình ông P.D.M, địa chỉ: Xóm 11, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương; điện năng bồi thường 21.309 kWh, tương đương 68.608.587 đồng và hộ gia đình ông H.V.Q, địa chỉ: Xóm 2, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn; điện năng bồi thường 21.688 kWh, tương đương 69.828.982 đồng.

Công ty Điện lực Nghệ An

Vụ vi phạm bằng hình thức tháo cầu áp công tơ. Ảnh: P.V

Điều đáng báo động là, hầu hết các hành vi vi phạm sử dụng điện hiện nay đều được thực hiện rất tinh vi, phức tạp, bất chấp nguy hiểm bằng các hình thức đảo pha công tơ, tự đóng cọc tiếp đất lấy nguội sử dụng, dẫn đến nguy cơ chạm chập, rò điện khi người dân trộm cắp bằng hình thức câu móc điện rất cao, uy hiếp tính mạng của nhân viên ghi chỉ số công tơ và người dân nếu sơ ý tiếp xúc với các vị trí bị rò điện.

Các hành vi vi phạm này vừa gây ra tổn thất điện năng lớn cho Công ty, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn điện đáng tiếc.

Công ty Điện lực Nghệ An

Đối tượng trộm cắp đã chôn dây dẫn điện cố định vào móng nhà tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: P.V

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Điện lực trực thuộc thực hiện các giải pháp nhằm phòng, chống trộm cắp điện; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, kiểm tra, kịp thời xử lý và phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có những biện pháp quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm sử dụng điện; tăng cường công tác kiểm tra ngày đêm; thực hiện thay thế công tơ có chức năng giám sát từ xa; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo hậu quả của hành vi sai phạm này.

Theo ông Lê Nam Hùng - Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty Điện lực: Trong phòng, chống nạn trộm cắp điện, điều quan trọng là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện. Để việc này ngày càng hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành Điện thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, lực lượng Công an trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp chặt chẽ với ngành Điện kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp điện theo quy định.

"Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số trường hợp khách hàng trộm cắp điện khi bị phát hiện nhưng vẫn không chịu hợp tác, thậm chí có hành vi chống đối với bộ phận kiểm tra xử lý, nên rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương cũng như cơ quan Công an các cấp để xử lý. Việc tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp điện góp phần quan trọng trong việc giảm tổn thất điện năng thương mại, tăng cường kỷ cương trong kinh doanh, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn” - Ông Lê Nam Hùng cho biết thêm.

Công ty Điện lực Nghệ An

Hiện trường vi phạm trộm cắp điện tại xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Đối tượng đã mở hộp công tơ để đấu nối bên trong. Ảnh: P.V

Mọi hành vi trộm cắp điện đều là hành vi vi phạm pháp luật, nó không chỉ gây thất thoát tài sản cho ngành Điện nói riêng mà còn gây ra những tổn hại lớn đến toàn xã hội nói chung.  Đặc biệt, một số người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, vì lợi ích trước mắt đã có hành vi trộm cắp điện để trục lợi cá nhân và phải gánh chịu hậu quả nặng nề do hành vi của mình gây ra cả về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, hiểm họa bắt nguồn từ hành vi trộm cắt điện có thể gây nên những vụ tai nạn điện trong nhân dân, gây mất an toàn trong hệ thống cung ứng điện, gây mất trật tự công cộng… 

Do đó, ngày 17/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, theo Khoản 9, Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP thì  hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý như sau:

“a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000 kwh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000 kwh đến dưới 2.000 kwh;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000 kwh đến dưới 4.500 kwh;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500 kwh đến dưới 6.000 kwh;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000 kwh đến dưới 8.500 kwh;

e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500 kwh đến dưới 11.000 kwh;

g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kwh đến dưới 13.500kwh;

h) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500 kwh đến dưới 16.000 kwh;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000 kwh đến dưới 18.000 kwh;

k) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000 kwh đến dưới 20.000 kwh”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, tùy thuộc vào từng hành vi trộm cắp điện với số lượng công tơ khác nhau thì pháp luật quy định tương ứng với các mức tiền phạt khác nhau. Hành vi trộm cắp điện với số công tơ càng lớn thì mức tiền phạt càng lớn.

Bên cạnh đó, trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Nghị định này.

Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trộm cắp điện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi vi phạm.

Tin mới