Diên Tràng - vùng quê cách mạng

(Baonghean) - Từ thị trấn Dùng ngược hướng cầu Làng, hay từ Đô Lương xuôi về cầu Hai Huyện, là đến làng Diên Tràng, xã Thanh Phong (Thanh Chương) - Một vùng quê có truyền thống lịch sử lâu đời, là cái nôi của phong trào cách mạng trên quê hương Xô Viết.

Làng có nhiều xóm nhỏ, được che chắn, bao bọc bởi sông Gang, núi Bạc, núi Trè... Xóm Tràng Mỹ vốn là trung tâm của làng, nên trước kia tồn tại nhiều công trình cổ. Làng có chợ Nông ra đời từ thuở xa xưa, là nơi trao đổi, mua bán của cả vùng. Giữa chợ có ngôi đình 3 gian thường làm nơi dạy học và một thiên đài nhiều bậc để làng tế lễ. Những năm chiến tranh, chợ đã giải tán, sau này mới khôi phục lại. Cạnh chợ là chùa, nên gọi là chùa Chợ Nông. Thượng điện là ngôi nhà 1 gian, 2 hồi, với nhiều tượng phật. Ngày sóc vọng, dân làng thường lui tới thắp hương, dâng lễ, cầu yên. 
Nhà thờ họ Nguyễn Duy -  Di tích Lịch sử quốc gia.
Nhà thờ họ Nguyễn Duy - Di tích Lịch sử quốc gia.
Cách chùa không xa là quán Thánh với tứ trụ uy nghi, 2 toà thượng, hạ, làm bằng lim, mít. Trong nhà thượng, trên hương án, ngự toạ bức tượng Khổng Tử lớn bằng gỗ. Tại đây, hàng năm thường tế thánh vào tháng 2 và tháng 6 âm lịch. Tham gia cúng tế là các bô lão và chức sắc trong làng. Gần chợ Nông còn có phủ Thái Phó (phủ Chợ Nông) với 3 toà điện và cổng tam quan đầy đủ voi, ngựa, tướng canh; thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan - vị danh tướng có công lớn trong việc “hộ quốc an dân” ở thế kỷ XVI. Những năm Xô Viết, phủ là một trong những nơi hội họp của cách mạng, nên giặc Pháp đã về đốt phá, làm sập một toà nhà. 
Làng có đình Diên Tràng toạ lạc trên gò Giường Bạn; 3 gian gỗ lim, nằm dọc, được chạm trổ, điêu khắc rồng, phượng công phu. Gian trong cùng là hậu cung - nơi thờ Thành hoàng. Gian giữa là bái đường, có đôi hạc chầu bằng gỗ cao lớn, đứng trên lưng rùa. Gian ngoài để trống, làm nơi hội họp. Theo cụ Nguyễn Duy Thọ (91 tuổi), hàng năm, tại đình thường diễn ra 2 lần tế lễ. Đây là lễ lớn, tập trung đầy đủ dân làng, long trọng rước các vị thần từ các đền xung quanh về đình; tổ chức tế lễ suốt mấy ngày đêm… Trong cách mạng tháng Tám, tại đình Diên Tràng, trước áp lực của nhân dân, cai tổng Trần Vị đã phải mang giấy tờ, con dấu ra đình nộp cho làng, đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng ở địa phương.
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương di dân để quy hoạch, mở rộng diện tích canh tác, xóm Tràng Mỹ đã chuyển vào định cư trong vùng núi thấp. Qua bao biến đổi, thăng trầm, những chùa, đình, quán xưa đã không còn dấu tích. Trên nền đất cũ, bây giờ là trường học, trụ sở uỷ ban, ruộng lúa, nương ngô xanh tốt. Chợ Nông vẫn còn đó nét quê bình dị. Đền Mo Cau trên núi Mo Cau, từ xưa đã là chốn linh thiêng, thờ “Bản cảnh thành hoàng Hồ Sơn chi xứ” từng được nhà Nguyễn sắc phong, sau những năm đổ nát, nay đang được dân làng tôn tạo. Phủ Thái Phó, một thời từng là trụ sở uỷ ban, trường học mầm non, nay cũng được con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh và nhân dân địa phương khôi phục, trả lại đúng vị thế là nơi tôn nghiêm, gắn liền với uy danh, sự nghiệp của Quận công họ Nguyễn. 
Xóm Diên Thọ có nhiều cây cổ thụ. 3 cây đa cao lớn, mỗi cây trấn giữ một hướng, nhằm “chống hoả” cho làng theo quan niệm dân gian và được gọi tên theo sự vật gắn liền với nó: đa Giếng, đa Hồ, đa Điếm (miếu). Trên đỉnh núi Tròn, sừng sững một cây sui hàng trăm năm tuổi, thân sần sùi, to bằng mấy người ôm. Những năm 1930 - 1931, gốc sui rỗng ruột đứng giữa cây cối um tùm, là nơi cất giấu tài liệu bí mật; nơi trú ẩn an toàn của cán bộ cách mạng mỗi khi địch về kiểm tra, lùng soát. Ngày nay, cây sui Diên Tràng vẫn sum suê, xanh tốt, kiên cường trong gió bão; là cây cổ thụ duy nhất còn tồn tại, hiện thân cho sức sống mãnh liệt, bất khuất của làng. Dân làng cũng không ngừng chăm sóc, tôn tạo, xây kè giữ đất, lấp gốc chống bão… để giữ gìn cây quý.
Cách cây sui không xa, có 4 nhà thờ họ, đều là những cơ sở gắn liền với quá trình hoạt động bí mật của Tỉnh uỷ Nghệ An những năm về đóng tại đây (9/1930 - 2/1931). Nhà thờ họ Nguyễn Duy, gồm thượng và hạ điện, từng được chọn làm trụ sở của Tỉnh uỷ. Nhà thượng là nơi làm việc của Bí thư Nguyễn Tiềm. Nhà hạ là nơi hội họp của ban thường vụ; nơi báo cáo và nhận chủ trương của đại diện các Huyện uỷ. Nhà thờ họ Nguyễn Ích cạnh bên là nơi đặt cơ quan ấn loát. Các tài liệu, truyền đơn của Tỉnh uỷ đều được in ấn, phát hành tại đây, kịp thời chuyển về các địa phương để chỉ đạo phong trào đấu tranh. Nhà thờ họ Nguyễn Đình cùng với cây sui là nơi cất giấu tài liệu. Nhà thờ họ Nguyễn Bá là nơi diễn ra hội nghị kiện toàn tổ chức và triển khai Nghị quyết Thanh đảng của Xứ uỷ Trung kỳ (12/1930). Một số nhà thờ và nhiều gia đình ở đây đã được xét tặng bằng có công với nước. Đặc biệt, nhà thờ họ Nguyễn Duy đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1988. Quần thể nhà thờ họ và cây sui Diên Tràng mãi đi vào sử sách như là chứng tích sinh động về một thời quá khứ đấu tranh oanh liệt, sáng ngời niềm tự hào của vùng quê dũng cảm, kiên cường.
Đến Diên Tràng thăm lại dấu tích xưa, nghe đâu đây như ngân vang tiếng chuông chùa Chợ Nông, gọi về cả một miền ký ức. Mỗi bước chân đi, xen lẫn trong hoài niệm bâng khuâng là niềm vui, niềm tự hào của quê hương cách mạng đang từng ngày đổi mới…
Bài, ảnh: Huy Thư

Tin mới