Điện về, nhiều cái mới về theo. . .

(Baonghean) - “Điện đã về rồi nhiều cái mới sẽ về theo” - Đó là suy nghĩ chung của bà con người Thái, người Kinh ở bản Bua, bản Xóm Mới và Toóng 2, xã Châu Phong (Quỳ Châu). 

“Đổi mới” ở Xóm Mới
Buổi sáng cuối tuần này bản Xóm Mới (xã Châu Phong, Quỳ Châu) dường như tấp nập hơn mọi khi. Cờ đỏ sao vàng từ hôm kéo điện lưới vẫn còn treo trước mỗi hiên nhà của cái xóm nhỏ đông đúc nhất xã vùng cao này. Chúng tôi dừng chân bên quán nhỏ đầu bản. Mỗi người góp một câu chuyện vui, tất cả đều xoay quanh việc điện lưới về bản. Có người bảo rằng điện lưới về từ nay làng bản sẽ văn minh hơn. Lại có người thực tế hơn thì chia sẻ: Chả là lâu nay trong nhà ai cũng thích uống nước đá, ăn kem lạnh nhưng toàn phải ra chợ mới có. Điện quốc gia đã về, mai mốt phải đi “tậu” cái tủ lạnh cho cả nhà uống nước đá, ăn kem lạnh đã thèm.
Trạm bơm xăng của chị Trần Thị Lan ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) không cần đến máy phát điện nữa.
Trạm bơm xăng của chị Trần Thị Lan ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) không cần đến máy phát điện nữa.
Người dân bản Xóm Mới kể rằng cái đêm khánh thành trạm biến áp và đóng điện trong bản, hầu như không ai ngủ. Người ta đến nhà nhau như khi đi chơi Tết. Người ta cùng nhau mở rượu cần ăn mừng nguồn điện quốc gia. Vậy là từ nay bà con đã có thể từ giã chiếc máy phát điện mi-ni chạy bằng nước suối vừa kém an toàn, nguồn điện lại không ổn định.
Một người khác lại góp vào câu chuyện vui rằng giờ vẫn chưa quen với nhịp sống mới khi có điện lưới. Nửa đêm trở dậy vẫn quờ tay tìm chiếc đèn pin như thói quen của bao năm nay. Đến khi chị vợ bật tách cái công tắc, cả gian nhà sáng trưng mới chợt nhớ ra là nhà mình đã có điện lưới, chẳng phải cần đến cái đèn pin đi trong nhà nữa. 
Đã 44 tuổi, trong đó gần 10 năm sống với nghề bán hàng tạp hóa, bán bún phở, chị Nguyễn Thị Lan Anh có lẽ là người vui hơn hết thảy. Chị cho biết từ khi khởi nghiệp đến nay chủ yếu dựa vào nguồn điện tự tạo từ nước suối. Hàng ngày chị phải đặt mua đá lạnh chở từ Thị trấn Quỳ Châu cách 25 km. Hôm có điện lưới chị đã mua ngay chiếc tủ chạy đá lạnh. Vậy là từ nay chẳng phải lo chờ nước đá từ những xe chở hàng từ phố huyện. Kế hoạch tới đây chị sẽ tận dụng nguồn điện lưới quốc gia để mở rộng kinh doanh.
Cách đó không xa là trạm tiếp xăng của xã. Chủ hộ kinh doanh trạm xăng, chị Trần Thị Lan cho biết trạm đã hoạt động từ 6 năm nay, phục vụ nhu cầu về nhiên liệu cho bà con các bản lân cận. Trước kia khi chưa có lưới điện quốc gia, mỗi lần bơm xăng lại phải phát điện bằng máy nổ. Những khách hàng trên địa bàn dường như cũng đã hình thành một thói quen là đánh xe máy đến bơm xăng vào mỗi buổi sáng. Họ thường phải chờ đông người rồi chủ trạm xăng nổ máy bơm một loạt khỏi phải tắt máy nhiều lần.  Chị Lan nói rằng từ nay không dùng đến chiếc máy nổ nữa, chị sẽ tiết kiệm được một khoản tiền dầu và đỡ “nhiêu khê” hơn khi yêu cầu khách phải chờ để bơm xăng. 
20 năm “khát” điện
Chúng tôi tìm đến bản Toóng 2, Anh Vi Văn Nghĩa, Phó bản cho biết, trong bản có 86 hộ, dân số trên 300 người. Hiện 100% số hộ đều đã mắc điện. Dù kinh tế có khó khăn đến mấy bà con vẫn cố gắng để sử dụng điện lưới. Thậm chí có bà cụ đã đặt bài hát rằng: "Già này sẽ sống cho đến bao giờ xe ô tô chở đồ vào bản, có cái đèn không cần rót dầu. Cái đường cho xe ô tô đã vào đến bản từ lâu rồi còn cái bóng điện không cần rót dầu vẫn sáng thì bà cụ nọ đã không chờ được". Những điều khao khát tưởng như đơn giản vậy nhưng nó đã tồn tại suốt 20 năm kể từ ngày huyện Quỳ Châu bắt đầu sử dụng điện lưới quốc gia.
Phó bản Nghĩa cười: "Hôm nay tôi muốn tự thưởng cho bản thân một ngày nghỉ để ngồi bên chiếc ti vi thoái mái xem các chương trình của nhà đài". Trước kia gia đình anh Nghĩa cũng sắm cái tuabin phát điện bằng nước suối, nhưng nguồn điện thì vừa yếu lại không ổn định. Đã xem ti vi rồi thì thôi thắp sáng. Khi cần ánh sáng ăn cơm phải tắt ti vi. Chính vì thế mà chẳng mấy khi anh xem trọn được một bộ phim hay, một chương trình truyền hình ưa thích. Và hầu như năm nào anh Nghĩa cũng phải thay mới ti vi. Còn ổ cắm, quạt điện, sạc pin điện thoại cháy hỏng thì nhiều vô kể. Nguồn điện nước suối lúc yếu, lúc mạnh là nguyên nhân khiến không ít trường hợp cháy chập điện. 
Ngay cạnh con đường cái là quán hàng của chị Hà Thị Thi, một hộ kinh doanh hàng tạp hóa ở bản Toóng 2. Chị khoe rằng nhà mới tậu về một chiếc tủ lạnh đựng kem. Còn cô bé Lô Thị Yến từ sáng đã cặm cụi bên chiếc máy may chạy điện. Cô bé đã học may được 3 tháng nay và đã khá thạo nghề. Yến cho hay sau khi thành nghề sẽ về bản mở cửa hiệu may mặc. Có điện lưới rồi, thanh niên như Yến ở trong bản cũng thêm cơ hội tự tạo việc làm.
Niềm mong chưa trọn
Dẫu vậy thì niềm vui vẫn chưa đến được với tất cả các thôn bản ở xã vùng cao Châu Phong. Toàn xã có 19 bản thì mới chỉ có 3 bản được dùng điện lưới. Những bản làng khác vẫn đang mong ngóng nguồn điện quốc gia. Nghe đâu, từ nay đến hết 2015, ngành Điện sẽ tiếp tục kéo điện cho thêm 2 bản nữa. Như vậy, phần lớn những làng bản ở xã vùng cao Châu Phong vẫn chưa biết bao giờ có điện lưới.
Trên bước đường đến với Châu Hoàn, Diên Lãm, những địa bàn này hiện chưa có bản nào được kéo điện, nơi đâu chúng tôi cũng được nghe một niềm mong mỏi là lưới điện sẽ về. Cô học trò Lô Thị Hảo ở bản Nật Trên, xã Châu Hoàn thổ lộ với chúng tôi rằng: Nghe bảo ở xã Châu Phong các bạn ở đó đã được học dưới ánh điện sáng rồi, cháu cũng mong sao điện sớm về bản để cái đèn học được sáng hơn.
Đó cùng làm niềm mong mỏi của những cô, cậu học trò đang phải trọ học tại những nhà dân ở bản Na Bà, xã Châu Hoàn. Những hộ dân có các cháu học sinh trọ học  phải chia sẻ nguồn điện, nguồn nước vừa yếu lại không ổn định cùng các em. Anh Quang Văn Thanh, một hộ dân có 10 học sinh đang trọ học trong nhà nói: Nếu điện lưới về chắc hẳn cuộc sống học tập các cháu sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
HỮU VI

Tin mới