Điều chỉnh để chung sống an toàn với đại dịch

(Baonghean) - Ngày 17/4, trong cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một chi tiết khiến nhiều người dự họp phải suy nghĩ: “Nhiều địa phương, lúc đang ăn uống thì cứ thích bắt tay nhau, hay khi ăn mọi người dùng chung bát đũa rất mất vệ sinh. Cần phải điều chỉnh tích cực xã hội”.

Điều chỉnh từ hành vi nhỏ nhất

Cần “điều chỉnh tích cực xã hội” - theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là điều chỉnh đi đến thay đổi những lề thói tồn tại từ lâu đời, thậm chí mang tính căn cốt trong tính cách, thói quen sinh hoạt của người Việt. Và với cuộc sống mở, hiện đại ngày nay nhiều giá trị tưởng như truyền thống đã trở nên lạc hậu cần phải xóa bỏ. Mọi người sẽ rõ hơn về nhận định này ngay trong bữa ăn của gần như mọi gia đình người Việt. Trên mâm tất cả các món dù được để riêng thành từng bát, đĩa khác nhau nhưng là thức ăn chung cho tất cả các thành viên, không chia thành từng phần riêng rẽ cho mỗi người. Người Việt chúng ta dùng đũa để ăn cơm, gắp thức ăn và cùng chấm chung trong một bát nước chấm.

Bữa ăn
Nhiều thói quen trong bữa ăn như gắp thức ăn và cùng chấm chung trong một bát nước chấm cũng cần được thay đổi. Ảnh minh họa

Nghiên cứu về ẩm thực của người Việt, từ trước đến nay nhiều người cho rằng bữa ăn của mỗi gia đình đã thể hiện tinh thần đoàn kết, văn hóa cộng đồng, sự gắn bó của mỗi thành viên đối với gia đình mình. Không chỉ có trong bữa cơm gia đình, các bữa tiệc tập trung đông người, đồ ăn, thức uống cũng bố trí như vậy. Nâng tầm sợi dây đoàn kết cộng đồng - các nhà chuyên nghiên cứu về văn hóa dân tộc cho rằng, chính yếu tố này giúp cho người Việt thành công trong các cuộc chiến chống lại thiên tai, địch họa...

Tuy nhiên với cuộc sống hiện đại ngày nay thói quen ăn uống nói trên của chúng ta không còn phù hợp nữa. Đặc biệt sẽ là đại họa nếu mọi người vẫn gắp chung thức ăn, chấm chung nước chấm trong bữa cơm hằng ngày khi mà dịch Covid-19 đang lây lan chưa thể kiểm soát. 

Điều chỉnh tích cực xã hội trước hết là thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Điều chỉnh tích cực còn là thay đổi từ những hành vi nhỏ nhặt nhất của cuộc sống. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở nhiều nơi, nhiều địa phương trong bữa ăn cứ “thích” bắt tay nhau. Điều này đi ngược lại với những quy định về phòng chống dịch Covid-19. Chẳng đâu xa, ở Nghệ An từ mâm cơm gia đình đến tiệc chiêu đãi, việc hiếu, hỷ, cứ mỗi khi chạm chén uống xong ly rượu là người ta lại bắt tay nhau như muốn thể hiện sự “đồng lòng, nhất ý”... Thêm nữa, người Việt vẫn thường có thói quen nói to, ồn ào đến bỗ bã tại những nơi công cộng. Điều này không chỉ gây phiền nhiễu cho những người khác mà còn tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu chẳng may một trong ai đó là nạn nhân của virus Corona.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh tư liệu
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh tư liệu

Chính vì thế, điều chỉnh tích cực còn là thay đổi hành vi ứng xử của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động cộng đồng. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, vào những ngày cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất giai đoạn thực hiện cách ly xã hội, tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người tử vong và người bị thương. Tất nhiên, tại thời điểm này ít người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng quan trọng hơn là người dân đã có thời gian để lắng lại, không còn nhiều biểu hiện tranh giành, xô bồ khi lưu thông trên đường.

Bên cạnh đó, các hoạt động tập trung đông người như: việc cưới, việc tang, cỗ bàn tiệc tùng cũng không còn tổ chức rình rang, lãng phí, nặng về hình thức nữa. Thậm chí có nhiều gia đình đã hoãn đám cưới, thay vào đó chỉ đến chính quyền sở tại làm thủ tục đăng ký kết hôn cho đôi trẻ; nhà nào chẳng may có người mất cũng tiến hành tang lễ nhanh gọn, gói trong không gian gia đình.

Tìm cách chung sống an toàn 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần thực hiện thông qua 5 bước, gồm: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Yếu bất cứ khâu nào trong 5 bước này đều ẩn chứa đại họa. Trong khi thế giới chưa có vắc xin phòng ngừa virus Corona thì buộc cơ quan chức năng và người dân phải tìm mọi cách để kiểm soát được dịch bệnh và đi đến chung sống an toàn với nó.

Đo thân nhiệt cho học sinh ở ngay cổng trường để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh minh họa: Mỹ Hà
Đo thân nhiệt cho học sinh ở ngay cổng trường để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh minh họa: Mỹ Hà

Muốn vậy, người dân phải điều chỉnh, thay đổi mọi hành vi, thói quen chưa tốt của mình theo hướng phù hợp với bối cảnh các mối quan hệ không ngừng được kết nối, mở rộng, nhất là sự giao lưu, hợp tác quốc tế.

Chung sống an toàn trước hết là chăm sóc sức khỏe đúng cách. Đó là ăn uống hợp vệ sinh, chú trọng tập thể dục thể thao nâng cao thể chất. Nơi ăn chốn ở của mỗi gia đình phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; người dân nên thường xuyên thăm khám bác sỹ để theo dõi sức khỏe của mình.

Chung sống an toàn với dịch bệnh còn là đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Các trường học cần thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh như kiểm soát, quản lý chặt chẽ học sinh, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang bị đẩy đủ hệ thống rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, tiêu chuẩn cách giãn đối với từng cấp học, lớp học.

Việc tham gia các hoạt động nơi công cộng cũng phải trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, thường xuyên đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn, hạn chế nói chuyện nơi đông người; khi dịch bệnh vẫn chưa được khống chế thì hạn chế sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Người dân Nghệ An tham gia giao thông trong thời điểm cách ly xã hội. Ảnh: Bảo Anh
Người dân Nghệ An tham gia giao thông trong thời điểm cách ly xã hội. Ảnh: Bảo Anh

Hơn lúc nào hết công tác cải cách hành chính phải được các cơ quan công quyền tăng cường. Đó là đẩy nhanh việc thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào thực tiễn; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để thực hiện số hóa các hoạt động hành chính. Tăng cường các giao dịch trực tuyến thay cho các giao dịch trực tiếp như trước đây; sử dụng thanh toán điện tử thay cho tiền mặt... Đó cũng là điều chỉnh tích cực xã hội để chung sống an toàn với dịch bệnh...

Cho đến nay, sau gần nửa năm xuất hiện, virus Corona đã xé toang mọi biên giới gây đại dịch trên quy mô toàn cầu, đã có gần 3 triệu người mắc, hơn 203.000 người tử vong, thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng ngừa. Dịch Covid-19 đẩy kinh tế và đời sống xã hội đứng bên bờ suy giảm nghiêm trọng. Và hiện tại vẫn chưa có cơ sở khoa học nào để biết bao giờ đại dịch bị ngăn chặn. Bởi thế, điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: chống dịch và phát triển kinh tế. Muốn hoàn thành nhiệm vụ kép này thành công, mỗi bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân phải điều chỉnh tích cực xã hội.

Tin mới