Điều chỉnh nguyện vọng như thế nào cho phù hợp?

Thí sinh nên so sánh phổ điểm tổ hợp xét tuyển năm trước và năm nay để dự kiến điểm chuẩn đại học và lựa chọn nguyện vọng phù hợp. 

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia, thí sinh phải tập trung tính toán, lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học phù hợp với mong muốn và điểm thi thực tế. Theo quy chế, các em chỉ có một lần điều chỉnh đăng ký xét tuyển, từ ngày 15/7 đến 23/7.

chuyen-gia-giao-duc-tu-van-thi-sinh-dieu-chinh-nguyen-vong

Cục phó Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Nghĩa.

Cục phó Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Nghĩa tư vấn thí sinh nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn và đưa ra những lựa chọn chính xác. Phổ điểm chi tiết các khối truyền thống và một số khối có đông thí sinh đăng ký sẽ được Bộ công bố sau ngày 12/7, kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. 

Căn cứ phổ điểm thí sinh sẽ xác định được số người có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của mình trong năm 2017. Đối chiếu với phổ điểm năm 2016, thí sinh sẽ biết được có bao nhiêu người ở đạt mức điểm này, tỷ lệ chọi tăng giảm ra sao và dự đoán được mức điểm chuẩn. 

Dựa vào dự đoán biến động điểm chuẩn đó, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng cho hợp lý. Tuy nhiên, phổ điểm chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường. 

Điểm khác biệt trong công tác xét tuyển đại học năm nay là thí sinh được đăng ký và điều chỉnh không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, sẽ chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất.

Ví dụ, thí sinh đủ điểm để trúng tuyển cả 3 nguyện vọng 1, 2, 3 nhưng sẽ chỉ được vào học ngành ở nguyện vọng 1. "Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển", Cục phó Quản lý chất lượng giáo dục nhấn mạnh.

Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó. Còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Tức là, đại học sẽ lấy điểm từ cao xuống đến mức chuẩn quy định, thí sinh nào có điểm trong ngưỡng đó sẽ đỗ, không lệ thuộc nguyện vọng của thí sinh là thứ nhất hay 2, 3.

Trường hợp quá nhiều thí sinh có đầu điểm tương đương, các trường có thể quy định tiêu chí phụ. Tiêu chí này thường xem xét điểm của một trong ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển hoặc ưu tiên thí sinh có nguyện vọng 1 vào ngành, hoặc trường.

Để tăng cơ hội đỗ đại học, Cục phó Nghĩa khuyên thí sinh đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển nên nghĩ tới 3 nhóm ngành/trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao. Thứ nhất là những trường các em rất thích và điểm năm ngoái chỉ cao hơn một chút thôi so với năng lực hay mức điểm thi thử của thí sinh. Trường hợp này để các em khỏi tiếc nuối nếu sau đó có cơ hội đỗ.

Nhóm thứ hai là những ngành/trường hoàn toàn phù hợp với điểm thực tế. Nhóm còn lại là những trường có mức chuẩn năm ngoái thấp hơn so với điểm thi của các em. Đây sẽ là chiếc "lưới an toàn" để thí sinh không bị trượt đại học.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới