Điều đặc biệt của 2 nữ sinh đạt giải Nhất quốc gia Lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2023 có nhiều điều đặc biệt khi Đội tuyển Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu lần đầu tiên có 2 giải Nhất, đó là em Hoàng Thị Thu Hiền (lớp 12C2) và Nguyễn Ngọc An (lớp 11C2). Đây cũng là hai học sinh có nhiều điều “đặc biệt”.

Bí quyết học thuộc của nữ thủ khoa toàn quốc

Hoàng Thị Thu Hiền kết lại mùa thi học sinh giỏi quốc gia với điểm số cao chót vót 18 điểm, không chỉ đạt giải Nhất mà đạt luôn ngôi thủ khoa toàn quốc. Hiền thú nhận mình đã hoàn toàn “đơ” với kết quả quá bất ngờ này.

Hoàng Thị Thu Hiền là Thủ khoa môn Lịch sử tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Hoàng Thị Thu Hiền là Thủ khoa môn Lịch sử tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ về niềm vui trên, Huyền nói thêm: Đề thi 180 phút và em viết hết 6 tờ giấy thi. Mặc dù vậy, có những câu trả lời, em nghĩ rằng mình vẫn chưa hài lòng lắm. Thế nên, em thực sự rất vui với những kết quả mà mình đã đạt được.

Như nhiều thí sinh khác, trước khi bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Hiền chịu khá nhiều áp lực. Thế nhưng, thay vì lo lắng, Hiền chọn cách học "xuyên đêm” một mình ở Ký túc xá Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, 3 năm tá túc ở đây, Hiền cũng được nhiều bạn nể phục bởi sự chăm chỉ, với một cách học khá “lạ”, đó là đọc thuộc bằng lời. Với cách học này, ban đầu có lẽ Hiền đã làm phiền mọi người. Nhưng nhiều bạn học đã từng ở ký túc xá với Hiền kể rằng, sau này vì nghe Hiền đọc thuộc đến quen nên thậm chí không có tiếng học bài của Hiền lại thực sự thấy “thiếu thiếu”.

Hai năm liên tục Hiền đều giành giải cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: NVCC

Hai năm liên tục Hiền đều giành giải cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: NVCC

Sự chăm chỉ cũng là một trong những lý do đầu tiên giúp cho nữ Thủ khoa môn Lịch sử toàn quốc có “sức bật” đáng nể, nhất là trong năm cuối cùng của lớp 12.

Trước đó, những năm phổ thông, Hiền học ở Trường THCS Trần Phú – một trường rất bình thường ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương. Vì không phải học sinh lớp chọn, nên Hiền cũng chưa từng nghĩ mình sẽ được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Sau này, kể lại, Hiền bảo mình may mắn vì trong lần thi tuyển, Hiền và một bạn ở lớp chọn bằng điểm nhau nhưng vì Hiền chữ đẹp hơn nên được vào đội tuyển của trường. Cần mẫn, chăm chỉ ôn thi 4 năm liên tục nhưng đến năm lớp 9 vì vướng dịch Covid – 19 nên Hiền không được tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh. Thương các học trò ôn thi vất vả, nên Hiền và các bạn được thầy, cô giáo động viên thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Lần thi thử cho biết ấy, ai ngờ Hiền trúng tuyển dù điểm đậu khá khiêm tốn, đứng thứ 24 môn chuyên và thứ 34 lớp chuyên.

3 năm học xa nhà, Hiền ở tại Ký túc xá của trường. Ảnh: Mỹ Hà

3 năm học xa nhà, Hiền ở tại Ký túc xá của trường. Ảnh: Mỹ Hà

Nhà Hiền có 4 chị em, Hiền là con cả và sau em còn có 3 em nhỏ. Mẹ Hiền làm giáo viên mầm non, bố Hiền làm nghề lái xe nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Biết hoàn cảnh gia đình nên từ khi xuống trường Phan học xa nhà, Hiền càng thương bố mẹ hơn và cố gắng phải học thật giỏi, trước tiên là phải có học bổng. Tuy nhiên, cũng vì đầu vào khiêm tốn, nên Hiền thừa nhận để duy trì học bổng không dễ dàng. Học hết lớp 10, Hiền được chọn vào đội tuyển và cách đây 1 năm, khi đang học lớp 11, Hiền đã giành giải Ba Học sinh giỏi Quốc gia.

Là giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp bồi dưỡng Hoàng Thị Thu Hiền, cô giáo Bùi Bích Hậu chia sẻ: Qua 3 năm đồng hành với Hiền và với những gì em ấy đã nỗ lực, cố gắng, tôi không bất ngờ khi biết tin Hiền giành giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay và giành vị trí thủ khoa.

Là chị cả trong gia đình có 4 chị em ở huyện Đô Lương, Hiền luôn cố gắng để đem đến niềm vui, niềm tự hào cho gia đình và làm gương cho các em ở nhà. Ảnh: NVCC

Là chị cả trong gia đình có 4 chị em ở huyện Đô Lương, Hiền luôn cố gắng để đem đến niềm vui, niềm tự hào cho gia đình và làm gương cho các em ở nhà. Ảnh: NVCC

Kể về mình, Hiền nói rằng em không có quá nhiều bí quyết để học giỏi môn Lịch sử ngoài sự chăm chỉ, thích đọc sách và luôn cố gắng tìm thêm những thông tin xung quanh các bài học để mở rộng vấn đề. Nhưng với cô giáo Bùi Bích Hậu, cô nói rằng Hiền có 4 chiến thuật để thành công. Trong đó, ngoài những lý do mà Hiền đã từng chia sẻ thì còn thêm những nguyên nhân khác, đó là khi làm bài Hiền rất tỉnh táo, luôn biết ưu tiên, lựa chọn những câu hỏi mà mình có thế mạnh làm trước để có thể đạt điểm tối đa. Ở phần liên hệ, đây là phần rất khó bởi đòi hỏi học sinh phải có sự phân tích, quan sát, liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, Hiền thường làm rất đầy đủ bởi em có vốn kiến thức dày và biết mở rộng vấn đề. Hiền cũng là một học sinh rất chỉn chu, chữ viết rất đẹp, đủ nét, không bao giờ viết tắt nên dễ chiếm được cảm tình của người chấm.

Với những lợi thế trên, Hoàng Thị Thu Hiền dường như không phải đắn đo khi quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm để làm một giáo viên dạy Lịch sử trong tương lai. Hiền cũng nói rằng: Việc học Lịch sử cho em nhiều điều, giúp em sống chậm lại, kiên nhẫn và biết trân trọng quá khứ. Và em muốn truyền nguồn cảm hứng đó cho rất nhiều các em học sinh của mình sau này.

Hoàng Thị Thu Hiền và Nguyễn Ngọc An cùng các cô giáo bồi dưỡng Đội tuyển môn Lịch sử. Ảnh: Mỹ Hà

Hoàng Thị Thu Hiền và Nguyễn Ngọc An cùng các cô giáo bồi dưỡng Đội tuyển môn Lịch sử. Ảnh: Mỹ Hà

“Bước nhảy” của nữ sinh lớp 11

Nguyễn Ngọc An cũng là thành viên của Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tuy nhiên, để lọt vào danh sách 10 học sinh, trong đó chỉ có một ít chỉ tiêu cho học sinh lớp 11, An cũng đã phải trải qua một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ. Cô bé chỉ mới 17 tuổi này cũng không tránh khỏi áp lực trước một kỳ thi dường như vượt quá tầm của mình. Thế nên, trước ngày thi, thay vì học “xuyên đêm”, thay vì thấy mình “trống rỗng” bởi bỗng dưng quên hết kiến thức thì An lại chọn ở một mình trong phòng và khóc nức nở. Sau một ngày đóng cửa, An mới lấy lại được động lực cho mình.

Nhà An ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, giáp với thành phố Vinh. Dù không phải đi học xa nhà nhưng mỗi ngày phải đi đi về về hơn 10km số cũng là một thử thách với cô gái nhỏ. Trước đó, nếu không có thời gian rèn luyện trong 4 năm học ở trường năng khiếu của huyện Hưng Nguyên, có lẽ An cũng không thể rèn cho mình sự bền bỉ này.

Nguyễn Ngọc An hiện đang học lớp 11 và là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất Đội tuyển Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC

Nguyễn Ngọc An hiện đang học lớp 11 và là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất Đội tuyển Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC

An là con giữa trong gia đình có 3 chị em. Mẹ An buôn bán ngoài chợ, bố làm nghề vận tải nên việc học hành của mấy chị em trong nhà chủ yếu là do nỗ lực của bản thân. Ngày học THCS, An học đều các môn và từng đạt giải Ba hai môn Ngữ văn và Lịch sử ở Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm lớp 9. Trước khi thi vào lớp 10, An từng đắn đo về hệ chuyên, nhưng cuối cùng em quyết định chọn Lịch sử vì em thực sự yêu môn học này. Khi thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, kết quả An lọt vào tốp 5 môn chuyên và có khởi đầu khá thuận lợi.

Nhớ lại cô học trò của mình, cô giáo Lê Thị Phương – giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp bồi dưỡng cũng nói rằng: Ngay từ đầu An đã là một nhân tố sáng của lớp bởi em nói hay, thuyết minh chững chạc và viết tốt trong nhiều hoạt động ngoại khóa. Tôi cũng rất ấn tượng với những bài kiểm tra đầu tiên của An bởi em viết chắc chắn, có cảm xúc và vận dụng linh hoạt các kiến thức đã được học.

Nguyễn Ngọc An từng là học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Nguyễn Ngọc An từng là học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Lê Phương cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố cảm xúc trong một bài kiểm tra lịch sử. Điều này, nếu học sinh dù có kiến thức nhưng nếu viết khô cứng sẽ trở nên nhàm chán. Trong khi đó, với những bài kiểm tra của An, lần nào cô đọc, chấm bài và cũng bị cuốn hút vào bài viết. Ưu điểm của An, đó là An nắm rất vững kiến thức trong sách giáo khoa và với lợi thế của mình về môn Ngữ văn, An đã biến những kiến thức khô khan thành một bài viết có tình cảm. Gặp một học trò như An, cô giáo Hà Phương cũng nói rằng, cô cảm thấy may mắn bởi lẽ “trong thời đại hiện nay học sinh đa số nặng về thực dụng và kinh tế, nhưng vẫn có những học sinh yêu lịch sử và đó là yếu tố quan trọng nhất để các em học tốt lịch sử”.

Những bài viết có cảm xúc là lợi thế của Ngọc An ở các bài thi Lịch sử. Ảnh: Mỹ Hà

Những bài viết có cảm xúc là lợi thế của Ngọc An ở các bài thi Lịch sử. Ảnh: Mỹ Hà

Để đạt được giải Nhất môn Lịch sử khi đang học lớp 11, việc áp lực đối với An là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng tình yêu đặc biệt với môn học này, An đón nhận áp lực một cách nhẹ nhàng và tìm cách chinh phục bằng sự cố gắng mỗi ngày. Thậm chí thời điểm sát kỳ thi, dù học chậm sau anh chị 1 năm và chạy nước rút để bổ sung kiến thức lớp 12 trong vài tháng, nhưng An và các thành viên khác trong đội tuyển vẫn tự tin về đích thành công.

Thí sinh giải Nhất môn Lịch sử quốc gia chia sẻ: Cô giáo thường khuyên em, để học tốt Lịch sử không phải bằng lý trí mà bằng trái tim. Vì thế, em rất vui bởi nhờ Lịch sử em hiểu được quá khứ, hiện tại và luyện cho chúng em nhiều kỹ năng quan trọng, giúp chúng em thể hiện được năng lực bản thân. Từ môn Lịch sử em cũng thấy yêu hơn lịch sử dân tộc và tự hào hơn quê hương, đất nước mình.

Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử với thành tích 100% học sinh đều đạt giải. Ảnh: Mỹ Hà

Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử với thành tích 100% học sinh đều đạt giải. Ảnh: Mỹ Hà

Đây là năm đầu tiên Đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 2 thí sinh cùng đạt giải Nhất. Ngoài ra, đây cũng là một mùa thi thành công khi cả 10 thí sinh dự thi môn Lịch sử đều đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

Tin mới