Điều gì xảy ra khi một người ăn quá ít muối?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
Người suy tim nên hạn chế ăn nhiều muối, nhưng nếu ăn quá ít, họ lại có nguy cơ tử vong cao hơn.

Muối từ lâu đã bị coi là kẻ thù số một đối với những người mắc bệnh tim, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên cắt giảm lượng muối ăn mỗi ngày. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy, hạn chế quá mức lại có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm ở bệnh nhân suy tim.

Ăn quá nhiều hay quá ít muối đều gây hại cho cơ thể. Ảnh: Daily Mail
Ăn quá nhiều hay quá ít muối đều gây hại cho cơ thể. Ảnh: Daily Mail

Lượng muối dư thừa từ lâu đã được cho có liên quan đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy tim và trầm trọng thêm tình trạng hiện có.

Hiệp hội Suy tim Mỹ khuyến cáo, người bình thường chỉ nên dùng từ 2 đến 3g natri (thành phần chính trong muối) mỗi ngày. Với những người bị suy tim vừa hoặc nặng, mức này là dưới 2g, ít hơn thìa cà phê một chút.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, người Mỹ trung bình tiêu thụ hơn 3,4g mỗi ngày.

Natri có trong hầu hết các loại thực phẩm, khiến cho việc theo dõi và tránh ăn gặp khó khăn. Một túi khoai tây chiên 140g có thế cung cấp 1/4 lượng natri khuyến cáo mỗi ngày.

Theo Daily Mail, thực phẩm đóng sẵn có khả năng chứa lượng natri cao ngất ngưởng cũng như nhiều chất phụ gia tạo hương vị giàu natri. Nhiều người bị suy tim phải hạn chế nghiêm ngặt muối trong chế độ ăn uống và tránh những thực phẩm này vì sợ lượng natri dư thừa.

Trong một nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh hằng năm của Đại học Tim mạch Mỹ ngày 23/2, các bác sĩ đã báo cáo, việc hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống ít hơn mức khuyến nghị thông thường là phản tác dụng.

Các tác giả thu thập dữ liệu từ 9 thử nghiệm lâm sàng trước đó trên 3.500 bệnh nhân tim. Mỗi thử nghiệm đều đánh giá hiệu quả của các mức hạn chế natri khác nhau đối với bệnh nhân suy tim. Phân tích phát hiện, bệnh nhân suy tim tuân theo chế độ ăn kiêng với lượng natri dưới 2,5g/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 80%.

Tiến sĩ Anirudh Palicherla, từ Trường Y khoa Đại học Creighton ở Omaha, Nebraska (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Hạn chế natri vẫn là cách kiểm soát bệnh suy tim, nhưng mức độ hạn chế vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu này cho thấy nên tập trung thiết lập mức tiêu thụ natri an toàn thay vì hạn chế quá mức”.

Các nhà khoa học chưa thống nhất về lượng muối nên ăn mỗi ngày ở bệnh nhân suy tim. Ảnh minh họa: Eatthis
Các nhà khoa học chưa thống nhất về lượng muối nên ăn mỗi ngày ở bệnh nhân suy tim. Ảnh minh họa: Eatthis

Không có gì lạ khi các chuyên gia y tế khuyên người có triệu chứng bệnh tim nên cắt giảm lượng muối. Quá nhiều muối làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể, tăng thể tích máu bên trong mạch máu. Khi lượng máu chảy qua các mạch nhiều, huyết áp sẽ tăng lên, buộc tim phải làm việc tích cực hơn.

Nhưng nhiều bác sĩ thừa nhận, khuyến nghị giữ lượng natri dưới 2g dựa trên các phỏng đoán.

Một đánh giá của Đại học Oxford (Anh) phát hiện, bằng chứng về lợi ích của chế độ ăn ít muối ở bệnh nhân suy tim nhẹ là không thuyết phục. Tiến sĩ Kamal Mahtani thông tin: “Chúng tôi không tìm thấy dữ liệu liên quan nào về việc giảm lượng muối trong chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến tử vong do tim mạch hoặc do mọi nguyên nhân, các biến cố liên quan đến tim mạch, nhập viện hay thời gian nằm viện”.

Các tác giả của nghiên cứu mới nhất đang kêu gọi cộng đồng khoa học thảo luận thêm về các mục tiêu tối ưu đối với natri trong chế độ ăn uống ở những người có trái tim khỏe mạnh và mắc các bệnh có khả năng gây tử vong.

Cho đến lúc đó, họ khuyến nghị những người muốn hạn chế lượng natri nạp vào hãy ăn nhiều trái cây, rau tươi và nấu nướng các nguyên liệu cơ bản. Họ muốn mọi người tránh thực phẩm đã qua chế biến, đóng hộp và nước sốt thường chứa lượng natri cao./.

Tin mới