Điều gì xảy ra trong cuộc gặp của đại cử tri Mỹ 19/12?

(Baonghean.vn) - Ngày 19/12 theo giờ Mỹ, 538 người sẽ gặp gỡ để xác định ai sẽ là Tổng thống kế tiếp của xứ cờ hoa.

Cử tri Mỹ ghi lại số phiếu đại cử tri dự kiến khi kết quả bỏ phiếu phổ thông lần lượt được công bố. Ảnh: Getty.
Cử tri Mỹ ghi lại số phiếu đại cử tri dự kiến khi kết quả bỏ phiếu phổ thông lần lượt được công bố. Ảnh: Getty.

Các cuộc gặp này của Cử tri đoàn được tiến hành tại mỗi bang và Quận Colombia chỉ vỏn vẹn 6 tuần sau ngày bầu cử 8/11, vốn lâu nay chỉ mang tính thủ tục.

Tuy nhiên, chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald J. Trump, người để thua số phiếu phổ thông nhưng có thể sẽ giành phần đa số phiếu đại cử tri, một lần nữa đưa Cử tri đoàn của Mỹ trở thành tâm điểm. Kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử vừa qua nhằm ảnh hưởng xấu đến chiến dịch của Hillary Clinton chỉ khiến vấn đề này càng trở thành điểm nóng trong những ngày gần đây.

Hôm 16/12, Tổng thống Obama đã miêu tả Cử tri đoàn - xuất phát điểm là sự thỏa hiệp giữa những người muốn Quốc hội chọn ra tổng thống Mỹ và những người ủng hộ phổ thông đầu phiếu - là một “tàn tích”.

Đại cử tri là ai?

Nói ngắn gọn, đại cử tri là những người được chọn ra bởi các đảng phái chính trị của bang để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Đại cử tri có thể là lãnh đạo đảng hoặc quan chức được bầu, đôi khi họ là những người có quan hệ cá nhân với ứng viên tổng thống. Chẳng hạn, Bill Clinton là đại cử tri của New York trong năm nay.

Số lượng đại cử tri ở mỗi bang bằng số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của bang đó tại Quốc hội - tổng cộng là 538 người, trong đó có thêm 3 đại cử tri từ Quận Colombia.

Điều gì sẽ xảy ra ngày 19/12?

Đại cử tri sẽ gặp mặt tại các bang, bỏ 2 lá phiếu: một bầu tổng thống và một bầu phó tổng thống.

Sau đó, họ sẽ chuẩn bị cái gọi là “chứng nhận bỏ phiếu” và kết quả sau đó sẽ được gửi hoặc chuyển qua đường bưu điện cho Quốc hội và cơ quan lưu trữ quốc gia, tại đây nó sẽ được lưu vào hồ sơ chính thức của nước Mỹ.

Michael Madigan, một đại cử tri bang Illinois trong cuộc bầu cử năm 2008, điền vào lá phiếu đại cử tri của mình. Ảnh: AP.
Michael Madigan, một đại cử tri bang Illinois trong cuộc bầu cử năm 2008, điền vào lá phiếu đại cử tri của mình. Ảnh: AP.

Đại cử tri phải bỏ phiếu theo ý nguyện cử tri phổ thông?

Không nhất thiết như vậy. Đến thời điểm này có ít nhất 1 đại cử tri tuyên bố sẽ “phản bội” đảng của ông và không bỏ phiếu cho Trump. Không có điều khoản nào trong Hiến pháp cũng như luật liên bang ràng buộc đại cử tri phải bỏ phiếu theo cách nhất định. Có một số luật ở các bang buộc họ phải bỏ phiếu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông tại bang đó, còn lại những người khác chịu ràng buộc bởi những cam kết ít mang tính chính thức hơn với đảng của họ.

Theo một số luật cấp bang, những người được gọi là đại cử tri bất trung bỏ phiếu ngược với kết quả của bang có thể bị phạt hoặc thậm chí là bị tước quyền hoặc thay thế. Chưa đại cử tri nào bị truy tố vì “lật mặt”, nhưng trong quá khứ hầu như các đại cử tri đều bỏ phiếu tuân theo kết quả tại bang họ đại diện. Tòa án Tối cao chưa định đoạt liệu các cam kết và những hình phạt liên quan có hợp pháp hay không.

Ai kiểm phiếu đại cử tri?

Ngày 6/1/2017, vào lúc 1h chiều, các thành viên Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ gặp nhau tại Hạ viện để kiểm phiếu. Phó Tổng thống Joseph R. Biden Jr., với tư cách Chủ tịch Thượng viện sắp mãn nhiệm, theo kế hoạch sẽ chủ trì cuộc kiểm đếm, trong đó lá phiếu của mỗi bang sẽ được mở và công bố theo trình tự bảng chữ cái.

Sau đó, ông Biden sẽ công bố người chiến thắng là người có đa số phiếu bầu - tức ít nhất 270 phiếu.

Thế là xong?

Không hẳn. Tại thời điểm đó, ông Biden sẽ hỏi xem có ai phản đối không, và các nhà lập pháp có thể đặt nghi vấn về từng lá phiếu đại cử tri hoặc kết quả tổng thể. Nếu một đại cử tri chọn bỏ phiếu đi ngược lại kết quả của bang, đó là lúc giới lập pháp có thể kiến nghị bỏ lá phiếu đó đi.

Phản đối phải bằng hình thức văn bản và có chữ ký của ít nhất một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện. Nếu có bất kỳ sự phản đối nào, Thượng viện và Hạ viện sau đó ngay lập tức sẽ chia ra để xem xét và có 2 giờ đồng hồ để quyết định họ có ủng hộ phản đối đó hay không.

Cả 2 viện sau đó sẽ họp lại và tuyên bố quyết định của họ; nếu 2 bên nhất trí với phản đối, lá phiếu nghi vấn sẽ bị bỏ ra. Nhưng đến nay thì Quốc hội chưa từng gặp sự phản đối nào đối với một lá phiếu đại cử tri.

Sau khi mọi phản đối nếu có đã được giải quyết, kết quả được xem là chung cuộc. Và bước tiếp theo chính là khi người chiến thắng tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Thu Giang

(Theo NYT)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới