Điều tra vụ phá rừng tự nhiên ở huyện Tân Kỳ

(Baonghean.vn) -Ngay sau khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng gồm nhiều đơn vị đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận, đo đạc, kiểm đếm.
Sáng 13/10, nhiều đơn vị gồm Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An), Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có mặt tại hiện trường vụ phá rừng xảy ra ở thôn 7, xã Nghĩa Bình sau khi nhận được phản ánh của báo chí.
Ngoài ra, đoàn lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ và nhiều đơn vị trên địa bàn như Công an huyện Tân Kỳ, Viện KSND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện cũng có mặt tại đây. Sau khi ghi nhận hiện trường, lực lượng chức năng đã đo đạc diện tích rừng bị phá cũng như kiểm đếm số lượng gỗ còn sót lại.
Nhiều lực lượng có mặt tại hiện trường để đo đạc, kiểm đếm. Ảnh: Tiến Hùng
Nhiều lực lượng có mặt tại hiện trường để đo đạc, kiểm đếm. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực rừng bị phá có diện tích khoảng 0,2 hecta, cách khu dân cư thôn 7 chỉ chừng 1km. Xe ôtô có thể vào tới tận khu rừng để chở gỗ. Đây là cánh rừng tự nhiên với khoảng 30 tuổi. Tại hiện trường, tất cả đều bị chặt hạ, từ những cây gỗ lớn có đường kính gốc trên 60cm cho đến những cây nhỏ dại. Phần lớn những cây gỗ lớn bị đốn hạ thuộc nhóm III đến nhóm VIII, trong đó chủ yếu là cây dẻ.

Ngoài ra, cạnh đó còn có khá nhiều cây gỗ lim lớn, chưa kịp khai thác. Qua dấu vết tại hiện trường, có thể nhận định việc phá rừng đã bắt đầu từ hơn nửa tháng trước.

Một cây gỗ dẻ có đường kính gốc hơn 60cm vừa bị chặt hạ. Ảnh: Tiến Hùng
Một cây gỗ dẻ có đường kính gốc hơn 60cm vừa bị chặt hạ. Ảnh: Tiến Hùng

Khu vực bị chặt hạ cách rừng phòng hộ chỉ khoảng 500 mét. Theo tìm hiểu của phóng viên, cánh rừng tự nhiên này trước đây cũng thuộc rừng phòng hộ, tuy nhiên năm 2007 được chuyển đổi qua rừng sản xuất, chủ rừng là bà Lương Thị Loan, thôn 7, xã Nghĩa Bình. Đây là cánh rừng tự nhiên hiếm hoi ở xã Nghĩa Bình vẫn còn khá nhiều cây gỗ đẹp. 

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết, hồi đầu tháng 4, bà Vinh có đơn xin khai thác gỗ. Tuy nhiên, chính quyền không đồng ý vì theo quy định rừng tự nhiên thì tuyệt đối không được khai thác.
Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi về việc có nắm được vụ việc phá rừng này hay không, ông Thắng tỏ ra ấp úng. 
Cũng có mặt tại hiện trường, ban đầu ông Thắng cho biết, do gần đây trời mưa lớn, trong khi trên địa bàn xảy ra nhiều việc nên lãnh đạo xã chưa nắm được thông tin, việc đốn hạ diễn ra lén lút. Nhưng sau đó ông Thắng lại cho hay, xã đã nắm được vụ việc nhưng do những ngày gần đây, bà Vinh đang chăm người thân ở bệnh viện dưới TP Vinh nên chưa lập biên bản xử lý được?. 
Khu vực chưa kịp khai thác vẫn còn nhiều cây gỗ lim đẹp. Ảnh: Tiến Hùng
Khu vực chưa kịp khai thác vẫn còn nhiều cây gỗ lim đẹp. Ảnh: Tiến Hùng
Trao đổi về vụ việc này, ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, ngay sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt, trong đó ngay từ mờ sáng, đoàn công tác của huyện do một Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã vào tận hiện trường.
"Quan điểm của lãnh đạo huyện là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che. Xử lý nghiêm để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước ở cơ sở, cũng như công tác quản lý chung trên địa bàn. Đặc biệt là công tác quản lý đất rừng", ông Giáp nói. 
Vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Tin mới