Điều trị nội trú xong nhưng vẫn lấy thuốc hàng tháng thì có được bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự tư vấn, trả lời công dân về chế độ chi trả bảo hiểm y tế.

Ông Lê Văn H (55 tuổi) trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An có thông tin: ông bị suy tim và tháng 5 vừa rồi ông phải mổ, phẫu thuật điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ đã cho xuất viện nhưng vẫn phải lấy thuốc hàng tháng.

Ông H hỏi: Tiền thuốc ông phải mua hàng tháng có được bảo hiểm y tế thanh toán hay không?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp thì “Trường hợp người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng cần phải tiếp tục sử dụng thuốc sau khi ra viện theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo chế độ quy định. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp khoản chi thuốc này vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh trước khi ra viện”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Như vậy, theo quy định này trường hợp người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng cần phải tiếp tục sử dụng thuốc sau khi ra viện theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo chế độ quy định. Trường hợp của ông H viện nhưng hàng tháng vẫn phải lấy thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nếu những loại thuốc này vẫn nằm trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế thì bên quỹ bảo hiểm y tế vẫn thanh toán chi phí thuốc đó.

Đối với thuốc điều trị suy tim thì căn cứ theo quy định tại mục 12.5 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2018/TT-BYT quy định về danh sách các loại thuốc điều trị về bệnh suy tim được bảo hiểm y tế chi trả như sau: Carvedilol; Digoxin, Dobutamin, Dopamin hydroclorid, Ivabradin, Milrinon.

Mỗi loại thuốc này sẽ được quy định sử dụng riêng cho các hạng bệnh viện khác nhau theo quy định cụ thể tại Điều 2, Thông tư 30/2018/TT-BYT kết hợp tra cứu theo Phụ lục 01 được ban hành kèm theo Thông tư.

Căn cứ quy định tại điểm d khoản, 1 Điều 2, Thông tư 30/2018/TT-BYT quy định như sau: “Cột 4, 5, 6, 7: Ghi hạng bệnh viện được sử dụng. Thuốc, hoạt chất trong Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm trong Danh mục tại Phụ lục 01 được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hạng bệnh viện, cụ thể như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I sử dụng các thuốc quy định tại cột 4; Bệnh viện hạng II sử dụng các thuốc quy định tại cột 5; Bệnh viện hạng III và hạng IV, bao gồm cả phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố sử dụng các thuốc quy định tại cột 6; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế cơ quan và tương đương sử dụng các thuốc quy định tại cột 7”.

Áp dụng quy định trên vào mục 12.5 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2018/TT-BYT thì các loại thuốc suy tim được sử dụng tại các hạng bệnh viện như sau: Carvedilol (uống) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; Digoxin (uống) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; Digoxin (tiêm) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế cơ quan và tương đương.

Lưu ý: Đối với phòng khám đa khoa và trạm y tế xã: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị cấp cứu; Dobutamin (tiêm) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; Dopamin hydroclorid (tiêm) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; Ivabradin (uống) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II, III, IV, phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố; Milrinon (uống) được sử dụng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, II.

Tin mới