Đình cổ Hữu Lệ

(Baonghean) - Về xã Tào Sơn (Anh Sơn) giữa nhịp sống hối hả với nhiều đổi thay, bất cứ ai cũng ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng ngôi đình có lịch sử hơn 400 năm như vậy. Đó chính là đình làng Hữu Lệ.

Từ Quốc lộ 7, theo chuyến đò vượt qua sông Lam, ông lái đò tuổi đã ngoại lục tuần nói vui rằng: “Vào đến trung tâm xã, các anh còn được chứng kiến nhiều đổi thay của mảnh đất này. Nhưng cái gì thuộc về lịch sử thì những người như tôi đây không muốn thay đổi đâu nhé”. Và chúng tôi mang theo những chia sẻ của ông lão lái đò để vào thăm ngôi đình cổ Hữu Lệ. 

Di tích đình Hữu Lệ.
Di tích đình Hữu Lệ.

Ngôi đình (gồm thượng đình và hạ đình) được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Hơn 400 năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng đình vẫn giữ được những nét nguyên sơ, cổ kính.Toàn bộ đình gồm 3 gian 2 chái, mái ngói âm dương, kết cấu hệ thống gỗ lim được chạm khắc công phu, tinh tế với các họa tiết linh vật rồng, phượng. Phần thượng điện gồm 1 gian 2 hồi văn; nhà bái đường có 3 gian 2 hồi dài 14m, rộng 8m.

Bên trong đình Hữu Lệ
Bên trong đình Hữu Lệ.

Theo các cụ trong làng kể lại thì ngày trước đình có cổng tam quan, trên bờ giải có 2 con nghê chầu lại, 4 rồng chầu 4 góc theo kiểu long - ly - quy - phượng, rồng cuộn hổ ngồi. Khởi nguồn, đình nằm tại vị trí nhà ông Nguyễn Văn Thường và Hoàng Văn Diện thuộc thôn 3 ngày nay; đến khoảng năm 1978, 1980, đình Hữu Lệ được sử dụng làm kho chứa lương thực của hợp tác xã. Trong giai đoạn này đình Hữu Lệ đã được chuyển tới khuôn viên Ủy ban nhân dân xã Tào Sơn cũ (thuộc thôn 4 ngày nay). 

Đặc biệt đình Hữu Lệ vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 16 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, gồm: Tự Đức, Đồng Khánh, Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định. Cụ Lê Văn Kiên (thôn 6) 90 tuổi nói rằng, cụ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên với cụ ngôi đình là một phần máu thịt. Cụ còn cho biết: trong chiến tranh, đình là cơ sở hoạt động cách mạng của cán bộ địa phương, là nơi cất giấu vũ khí của quân đội phục vụ kháng chiến. Trong hòa bình đình là nơi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các lễ trọng của làng Hữu Lệ.

Sắc phong của Vua Đồng Khánh cho ngôi đình
Sắc phong của Vua Đồng Khánh cho ngôi đình.

Anh Trần Hải Thành, cán bộ văn hóa xã Tào Sơn cho hay: “Sau chiến tranh, đình làng Hữu Lệ bị xuống cấp nặng nề. Năm 2011 Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng xây dựng khôi phục lại di tích lịch sử đình làng Hữu Lệ. Và hoạt động này có ý nghĩa bồi đắp thêm niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây”.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới