Đình làng đang kêu cứu!

Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã từng được rất nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn... sử dụng như một biểu tượng đẹp của làng quê Việt Nam. Nhưng do nhiều yếu tố trong đó có thời tiết, ý thức con người nên đến nay, toàn tỉnh ta chỉ còn lại 71 ngôi đình đã được phân cấp quản lý. Trong đó có rất nhiều ngôi đình đang bị xuống cấp trầm trọng. Trách nhiệm thuộc về ai?

Thực trạng về di tích đình làng


 Đình Đông Viên (Xã Nam Phúc - Nam Đàn).

Đình Đông Viên
(Xã Nam Phúc - Nam Đàn).

Cũng như bao làng quê Việt Nam, mỗi làng quê trên đất Nghệ An hầu hết đều có đình làng. Theo tìm hiểu, đến nay tỉnh ta còn lại 71 ngôi đình làng đã được phân cấp quản lý (trong đó có 14 đình làng đã được cấp bằng Di tích quốc gia, 5 đình làng xếp hạng cấp tỉnh). Một số ngôi đình làng đang được gìn giữ, tu sửa, phục hồi trong các làng quê, hoạt động theo tinh thần văn hóa đổi mới (chủ yếu là các đình làng đã được xếp hạng quốc gia hoặc tỉnh), như đình làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) trở thành nhà truyền thống của xã, là nơi lưu giữ những hiện vật, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến sự phát triển của làng từ xưa đến nay. Hay đình làng Trung Cần - Nam Trung, Hoành Sơn-Khánh Sơn (Nam Đàn) đã được phục dựng, bảo vệ, trở thành nơi thăm quan, du lịch. Đình Liên Trì (Liên Thành - Yên Thành), đình Long Ân (Diễn Trường - Diễn Châu), đình làng Quang Thái (Nam Trung)... do gắn với lịch sử, cộng với ý thức của nhân dân nên đình đã được bảo tồn từ công đức của nhân dân và ngân sách xã, làm nơi sinh hoạt cộng đồng... Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh ta hiện đang còn rất nhiều ngôi đình do thời gian, chiến tranh, thiên tai và cả do chính ý thức của người dân địa phương mà nay đã bị xuống cấp trầm trọng: sập mái, mối mọt và có những ngôi đình sập hoàn toàn, trơ lại cấu kiện như đình Khai Long - Trung Sơn; đình Nhân Trung - Lam Sơn (Đô Lương). Khó hiểu hơn, có những ngôi đình dân làng địa phương đem trâu bò vào nhốt, xú uế gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ tới vẻ đẹp cũng như sự linh thiêng của ngôi đình.

 Đình Cột Bụt (Xã Nam Lạc - Nam Đàn)

 Đình Cột Bụt
(Xã Nam Lạc - Nam Đàn)

Đình Đông Viên (Nam Phúc - Nam Đàn), nằm trên một khu đất cao, đẹp nằm giữa làng, vẫn còn đó ngôi đình cổ kính được làm từ năm Bính Tý, thời Lê Trung Hưng, thờ thần Hoàng làng Nam Phúc. Anh Lê Văn Nam ở xóm 3, Nam Phúc thấy chúng tôi vào đình chụp ảnh, đang làm ruộng cạnh đó, cũng chạy lại hỏi chuyện. Qua anh và rất nhiều bà con khác, được biết đã rất nhiều lần nhân dân đề xuất lên chính quyền xã về việc phục dựng, tôn tạo lại ngôi đình, nhưng thời gian cứ trôi, đình ngày càng xuống cấp và chính quyền xã vẫn không có ý kiến gì? Cũng theo anh Nam, ngôi đình này rất thiêng, hễ nhà ai đưa trâu bò vào nhốt ở đình, kiểu gì vài ngày sau  trâu, bò cũng bị chết. Bây giờ, mái đình đã sập một nửa, nhà hậu cung sập, cỏ hoang mọc đầy, nhưng mùa màng bà con vẫn đưa rơm rạ vào chất đầy đình. Đã từ lâu, đình Đông Viên trở thành nơi chơi trốn tìm của lũ trẻ chăn trâu. Về Nam Lạc (Nam Đàn) thăm đình Cột Bụt, rất mừng vì đình vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đình làng đã trở thành nơi họp chợ từ lâu. Chị Hoàng Thị Thanh (xóm 4, Nam Lạc) kinh doanh ở chợ hơn 17 năm cho biết: Chợ họp chủ yếu vào buổi sáng và các ngày 3, 6, 9 là ngày chợ phiên, thu hút các địa phương khác như Hồng Long, Xuân Hoà đến giao lưu, buôn bán. Ngược đường du lịch ven sông Lam về đình làng Đan Nhiệm (Xuân Hoà), thật ngoài sức tưởng tượng, đình xưa không thấy đâu, chỉ còn lại đống cấu kiện trơ giữa trời, mặc mưa nắng, gió bão, không gì che đậy! Trao đổi với chị Trần Thị Nga - Phó Bí thư thường trực UBND thị trấn Nam Đàn, được biết: Đình đã sập vào đúng vào ngày rằm, chính quyền địa phương đã cho dân quân xuống xếp lại cấu kiện. Trong thời gian đình xuống cấp, nhân dân Xuân Hoà cũng đã nhiều lần đề xuất chính quyền tìm cách "cứu" đình, nhưng do không có kinh phí, cộng với sự thiếu quan tâm dẫn đến thực trạng này.

Trách nhiệm thuộc cấp nào?

 Đình làng Đan Nhiệm (Xã Xuân Hòa - Nam Đàn)

 Đình làng Đan Nhiệm
(Xã Xuân Hòa - Nam Đàn)

Thời gian qua, Nghệ An đã được sự quan tâm không nhỏ của Nhà nước, nhân dân và các tổ chức xã hội khác để tu bổ, tôn tạo các di tích danh thắng đã được xếp hạng. Từ năm 2000, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Nghệ An; thực hiện chi trả chế độ, trách nhiệm cho các cán bộ bảo vệ di tích... Tuy  nhiên, các di tích  đình làng bị xuống cấp đang chiếm tỷ trọng lớn. Theo ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Tuyên truyền - Ban quản lý DTDT Nghệ An: Di tích xếp hạng cấp nào thì trách nhiệm chính thuộc cấp đó. Như vậy, ngoài 19 di tích đình làng đã được xếp hạng (cả tỉnh và quốc gia), còn 52 di tích đình làng chưa xếp hạng thì trách nhiệm chính thuộc địa phương sở tại và những ngôi đình này đang tồn tại được là nhờ vào ý thức và trách nhiệm của người dân. Nhưng khi làm việc với chính quyền địa phương, hầu hết đều có chung một câu trả lời: không có kinh phí. Còn các cơ quan có thẩm quyền, có liên quan thì sao?

Sự tồn tại của hệ thống các DTDT trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn kinh phí cho tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích và sưu tầm, lưu giữ văn hóa phi vật thể còn quá ít ỏi thì việc bảo vệ, tôn tạo và quản lý các DTDT là khó khăn không nhỏ đối với tỉnh ta. Vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần phải xây dựng một quy hoạch chiến lược dài hơi, tạo sự chủ động trong lĩnh vực di sản.Tiếp tục tiến hành kiểm kê một cách khoa học để xếp hạng số di tích chưa được xếp hạng và thực hiện phân cấp quản lý hợp lý các DTDT. Có cơ chế chính sách kịp thời để tăng cường các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Xử lý nghiêm và kịp thời các hiện tượng xâm hại đến di tích di tích. Và một vấn đề không kém phần quan trọng đó là tỉnh ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về Luật Di sản văn hóa tập trung, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, nhận thức của cán bộ, nhân dân về việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị DTDT.

Bài, ảnh: Thuỷ - Phúc

Tin mới