Đỉnh Puxailaileng có cơ hội trở thành thương hiệu du lịch lớn của Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đỉnh Puxailaileng với độ cao khoảng 2.720 m, có khí hậu đặc trưng và những cánh rừng nguyên sinh độc đáo có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Nếu xây dựng và phát triển đúng hướng sẽ trở thành một thương hiệu du lịch lớn của Nghệ An.

Từ ngày 2 - 5/7, Sở Du lịch tổ chức đoàn công tác tiến hành khảo sát phát triển sản phẩm du lịch tại một số huyện miền Tây Nghệ An nhằm mục đích đánh giá tiềm năng để xây dựng loại hình du lịch mạo hiểm gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc.

Các thành viên Đoàn công tác của Sở Du lịch khảo sát điểm Rừng săng lẻ (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên
Các thành viên đoàn công tác của Sở Du lịch khảo sát điểm rừng săng lẻ (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch; đại diện một số công ty lữ hành và chuyên gia ở thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông.

Trong chương trình làm việc, đoàn đã tiến hành khảo sát các điểm: Rừng săng lẻ, khe Cớ, đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương), đỉnh Puxailaileng và phong tục của đồng bào Mông ở xã Na Ngoi, tiềm năng du lịch cộng đồng ở Mường Lống, cảnh quan thượng nguồn sông Nậm Nơn và bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn); Vườn Quốc gia Pù Mát và du lịch cộng đồng ở Con Cuông.

Khảo sát thác nước ở đầu nguồn sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên
Khảo sát thác nước ở đầu nguồn sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên

Qua 4 ngày thực hiện khảo sát, các thành viên của đoàn công tác Sở Du lịch đã đánh giá miền Tây Nghệ An khá đa dạng về cảnh quan, giàu bản sắc văn hóa, có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhất là cảnh quan ở đây cơ bản vẫn giữ được nét nguyên sơ, chưa bị tác động bởi yếu tố thương mại và giá trị văn hóa được lưu giữ từ hàng trăm năm chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách.

Các thành viên Đoàn công tác của Sở Du lịch giao lưu cùng bà con bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên
Các thành viên đoàn công tác của Sở Du lịch giao lưu cùng bà con bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên

Đặc biệt, đỉnh Puxailaileng thuộc địa bàn xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) với độ cao khoảng 2.720m (cao nhất vùng phía Bắc dãy Trường Sơn), có khí hậu đặc trưng và những cánh rừng nguyên sinh độc đáo có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Địa điểm này sẽ hấp dẫn đối tượng khách trẻ tuổi, ưa khám phá và chinh phục độ cao và sự mạo hiểm. Nếu xây dựng được kế hoạch và tiến hành triển khai đúng hướng, địa điểm này sẽ trở thành một thương hiệu du lịch lớn.

Bên cạnh đó, những thác nước hùng vĩ ở thượng nguồn sông Nậm Nơn và tháp cổ ở xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) cũng sẽ hấp dẫn nhiều đối tượng khách du lịch, nhất là khách từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Đoàn khảo sát leo núi, chinh phục đỉnh Pù Xai Lai Leng, thuộc địa bàn xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên
Đoàn khảo sát leo núi, chinh phục đỉnh Puxailaileng thuộc địa bàn xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên

Các chuyên gia về du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, muốn phát triển du lịch thành công, Nghệ An nói chung, các huyện miền Tây nói riêng trước mắt cần lưu ý hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, là giải bài toán về môi trường, có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, đảm bảo môi trường luôn trong sạch.

Thứ hai, là giữ được bản sắc văn hóa các dân tộc, không để xảy ra hiện tượng pha tạp để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút được nhiều khách đến trải nghiệm. Tránh tình trạng bản sắc văn hóa bị tác động bởi yếu tố thương mại, dẫn đến mất dần thương hiệu như một số điểm ở các tỉnh Tây Bắc.

Các thành viên Đoàn khảo sát chính thức chinh phục đỉnh Pù Xai Lai Leng. Ảnh: Công Kiên
Các thành viên đoàn khảo sát chính thức chinh phục đỉnh Puxailaileng. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điểm lưu trú, đường đi) và đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn. Có sự chia sẻ lợi ích cộng đồng trong phát triển du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết những điểm đến hấp dẫn ở miền Tây Nghệ An.

Các thành viên Đoàn công tác của Sở Du lịch chụp ảnh tại
Các thành viên đoàn công tác của Sở Du lịch chụp ảnh tại "cổng trời" Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Công Kiên

Các chuyên gia trong đoàn khảo sát nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, Nghệ An cần có sự thận trọng, tránh những bước đi nóng vội, dẫn đến tình trạng tăng trưởng nóng nhưng không bền vững. Đồng thời, phải có sự kết nối giữa các điểm, các địa phương trong tỉnh, trong nước và nước bạn Lào để xây dựng thành các tour, tuyến để thu hút được số lượng lớn khách du lịch./.

Tin mới