Định vị hạt lúa

Giá lúa vụ hè thu năm nay ở Nghệ An đang được thương lái thu mua cao nhất trong 3 năm gần đây. Điều đó thực sự là niềm vui với người trồng lúa, bởi lúa gạo ở Nghệ An được sản xuất trên 1,1 triệu tấn mỗi năm, trong đó, chỉ 1/3 số đó dùng để ăn, còn lại dư. Nguyên do của sự tăng giá là lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cả sản lượng và giá bán, khiến giá lúa gạo trong nước được thương lái “tranh mua”. Thế nhưng, đa số lúa gạo ở Nghệ An chưa phải để xuất khẩu mà để tiêu thụ nội địa, để làm bún, bánh… thậm chí làm thức ăn cho gia cầm, gia súc.

Một vấn đề được nhiều người đặt ra rằng: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, vậy Nghệ An đang ở đâu trong thị trường xuất khẩu gạo hiện nay? Trả lời câu hỏi này không khó, bởi theo thống kê của ngành Công Thương, mỗi năm, 6 doanh nghiệp ở Nghệ An xuất khẩu trên dưới 30.000 tấn gạo. Tuy nhiên, toàn bộ gạo xuất khẩu lại được các thương nhân Nghệ An thu mua từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hỏi rõ hơn, gạo của Nghệ An đã xuất khẩu được chưa? Được rồi chứ, nhưng chỉ một số ít sang Lào.

Vấn đề trên, đòi hỏi các cấp, ngành cùng người nông dân cần nhiều nỗ lực để “định vị lúa gạo Nghệ An”. Rõ ràng, sản lượng lúa gạo ở Nghệ An đạt được trên 1,1 triệu tấn mỗi năm, trong đó, có 2/3 được bán ra thị trường là tín hiệu tích cực, tức là sản xuất lúa gạo đã theo hướng hàng hóa. Nhưng muốn nâng cao giá trị, lúa gạo phải đạt được yêu cầu chất lượng xuất khẩu. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Đó là một trong những yếu tố quan trọng để nâng tầm lúa gạo ở Nghệ An.

Mô hình trình diễn giống lúa lai chất lượng cao tại huyện Thanh Chương.
Mô hình trình diễn giống lúa lai chất lượng cao tại huyện Thanh Chương.

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6128/UBND-KT (ngày 26/7/2023) về việc thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo Quyết định số 583/QĐ-TTg. Trước đó, trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng những mối liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu gạo Nghệ An. Sự mở đường đó đang từng bước góp phần đưa các bộ giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng. Cùng đó, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng lúa gạo có thể xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp, ngành và người trồng lúa để triển khai diện rộng những giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, như vậy mới nhanh chóng định vị được vị thế hạt lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngành Nông nghiệp Nghệ An từng có một thời gian dài chạy đua với năng suất, nhưng để định vị tốt sản phẩm trong giai đoạn mới, cần lắm một cuộc đua về nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu.


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: T.P – P.H