Đìu hiu bảo tàng ở Nghệ An

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 bảo tàng. Ngoài Bảo tàng Quân khu 4 do Quân đội quản lý, 2 bảo tàng còn lại trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh là Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí ở Bảo tàng Nghệ An – vốn được ví là bộ mặt văn hóa – xã hội của địa phương, nhưng sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa thể trưng bày thường xuyên để đón khách tham quan.

Buổi sáng một ngày tháng 10, cũng như thường lệ, khuôn viên rộng lớn của Bảo tàng Nghệ An không một bóng người. Rải rác dọc các lối đi là những hiện vật bằng thể khối lớn như máy bay, tên lửa… đứng trơ trọi, lộ rõ các vết hoen gỉ. Ở bảo tàng này, dường như chỉ nhộn nhịp vào những dịp cuối tuần. Khi diễn ra những trận bóng trên sân nhà của Sông Lam Nghệ An gần đó. Lúc đó, khuôn viên rộng lớn của bảo tàng trở thành bãi gửi xe lý tưởng cho người hâm mộ!.

Được đầu tư số tiền lớn, nhưng suốt nhiều năm nay, Bảo tàng Nghệ An không những không phát huy được các giá trị văn hóa địa phương mà thậm chí công tác bảo quản cũng đang lộ ra nhiều bất cập.

Bảo tàng Nghệ An tiền thân là Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh, được thành lập từ năm 1979. Đây là cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày tư liệu, hiện vật của tỉnh. Những ngày đầu thành lập, bảo tàng chỉ là mái nhà tranh đơn sơ. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tỉnh Nghệ An bắt đầu cho chủ trương xây dựng nhà trưng bày. Năm 2005, tòa nhà đồ sộ với tổng kinh phí đầu tư hơn 11 tỷ đồng được hoàn thành. “Về vấn đề bảo tàng luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm”, ông Nguyễn Đức Kiếm – Giám đốc Bảo tàng Nghệ An nói và đưa ra dẫn chứng, sau khi tòa nhà này hoàn thành, tỉnh dường như ngay lập tức cho chủ trương làm dự án trưng bày.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, năm 2008, tỉnh Nghệ An có Quyết định cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình trưng bày nội – ngoại thất. Ngày 18/10/2010, dự án này chính thức được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 44,2 tỷ đồng, cộng thêm 4 tỷ đồng dự phòng. Bảo tàng Nghệ An được giao làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện trong 3 năm, từ 2010 đến 2013.

Dự án này được chia thành 2 phần, nội thất và ngoại thất gồm có 11 hạng mục. Trong đó phần nội thất là nơi trưng bày 5 chủ đề và khánh tiết. Các chủ đề trưng bày thường theo tiến trình lịch sử của địa phương gồm Nghệ An thiên nhiên và con người (diện tích 390m²); Nghệ An thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước (250m²); Nghệ An trong lịch sử dựng nước, giữ nước; Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc và chủ đề Nghệ An ngày nay. Phần ngoại thất gồm 7.000 m² là khu trưng bày ngoài trời. Gồm có đình làng, nhà Mông, nhà sàn Thái, nơi trưng bày các hiện vật thể khối như máy bay, xe tăng, tên lửa và khu dịch vụ….

Tuy nhiên, đến nay trong số 11 hạng mục này mới chỉ có một hạng mục được hoàn thành đó là khu dịch vụ – khu vực này hiện được thuê bán café ngay cạnh cổng vào trụ sở bảo tàng. Gần 5 năm nay, dự án dang dở này dường như chẳng có một động thái tiến triển nào, vẫn dậm chân tại chỗ. Hơn 10 năm trước, khi dự án này bắt đầu khởi động, nhiều nhân viên thuyết minh đã được tuyển vào bảo tàng với dự kiến chờ đến khi trưng bày hiện vật sẽ làm việc. Tuy nhiên đến nay, khi đội ngũ này đã lớn tuổi, một số thậm chí sắp về hưu thì dự án này vẫn làm chưa xong.

Lý giải về sự chậm tiến độ này, ông Nguyễn Đức Kiếm cho hay, nguyên nhân chính do chủ đầu tư bị thay đổi. Theo đó, lúc đầu dự án được giao Bảo tàng Nghệ An làm chủ đầu tư nhưng đến tháng 6/2013, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch bất ngờ thu hồi dự án, chuyển về cho Ban Quản lý dự án các công trình văn hóa (thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An) làm chủ.

“Lúc họp để chuyển giao chủ đầu tư dự án này tôi đã không đồng ý. Tôi nói với lãnh đạo Sở “riêng dự án bảo tàng không phải dự án sắt thép vôi vữa, mà là dự án chuyên ngành”. Tôi đề nghị không đưa về Ban quản lý dự án vì ở đó không ai có chuyên môn về ngành này cả. Ở đó theo tôi biết chỉ chuyên xây dựng các công trình văn hóa rồi bàn giao lại chìa khóa. Nhưng không được chấp thuận”, ông Kiếm nói và cho rằng, nếu không thay đổi chủ đầu tư, đến nay dự án này đã hoàn thành.

Thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, dự án này đã được giải ngân 11,5 tỷ đồng. Lúc này, hạng mục cải tạo nhà dịch vụ (khu vực bán café) đã được hoàn thành, các hạng mục nội thất số 5,6,7 đang dở dang. Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án này vẫn ì ạch, không hoàn thành thêm nổi một hạng mục nào. Tòa nhà 3 tầng với 2 tầng trên dành để trưng bày 5 chủ đề do vẫn chưa hoàn thành nên cán bộ bảo tàng lâu nay không dám tiếp cận. Họ chỉ được sử dụng một phần nhỏ dưới tầng một và khu vực khánh tiết. Cũng vì dự án chưa hoàn thành mà đến nay, sau hơn 13 năm được xây dựng, Bảo tàng Nghệ An vẫn chưa thể đón khách đến tham quan trưng bày thường xuyên – điều vốn dĩ là một nhiệm vụ chính của các bảo tàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về tình trạng chậm tiến độ của dự án, ông Hoàng Công Vinh – Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình văn hóa, cho rằng do vốn . “Một năm được cấp có vài tỷ đồng thì biết khi nào mới xong. Dự án này vẫn còn lâu, cũng chưa biết khi nào mới xong được. Trong đó, phần ngoại thất có thể sẽ phải bỏ luôn”, ông Vinh nói và cho biết, hiện tại ông cũng không nắm rõ còn bao nhiêu hạng mục chưa hoàn thành. Trong 5 chủ đề trưng bày ở nội thất, “cơ bản đã hoàn thành nhưng do thiếu ảnh nên chưa xong được, hiện vẫn phải đi sưu tầm”.

Gần 40 năm kể từ khi được thành lập, Bảo tàng Nghệ An vẫn chưa thể mở cửa, trưng bày thường xuyên để đón khách. Vì thế mà nguồn thu từ hoạt động dịch vụ dường như không có. Hiện nay, theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, mỗi năm Bảo tàng Nghệ An phục vụ hơn 120.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, những lượt khách này không đến trực tiếp tại bảo tàng mà chủ yếu thông qua các trưng bày lưu động tại các lễ hội khắp 21 huyện, thị, thành phố. Mỗi năm bảo tàng cũng tổ chức khoảng 2 đợt trưng bày về chuyên đề ngay tại tầng một nhưng cũng chỉ thu hút vài nghìn người trong năm. Tuy nhiên, số khách ít ỏi này chủ yếu là học sinh, sinh viên được nhà trường tổ chức đi theo đoàn. Du khách nước ngoài hoặc người dân địa phương chủ động đến tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời năm 1960, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày phát huy các giá trị di sản trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Bảo tàng này hiện lưu giữ gần 15.000 hiện vật, trong đó 500 hiện vật được trưng bày cho khách tham quan. Mỗi năm, bảo tàng này đón chưa đến 20.000 lượt khách tham quan. Trong khi đó, cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Quân khu 4 ra đời năm1966. Đây là nơi lưu giữ gần 10.000 hiện vật khắc họa những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật quân sự vùng Bắc Trung Bộ. Mỗi năm, bảo tàng quân sự này đón gần 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập.

Tòa nhà 2 tầng cũ kỹ, các cánh cửa lỏng lẻo, những bức tường ẩm mốc… là hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp sau khi gợi ý muốn được tham quan các hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An. Gọi là nơi lưu giữ nhưng thực chất đó là nhà kho đồng thời cũng là nơi làm việc của phần lớn cán bộ, nhân viên của bảo tàng này. Thậm chí nhiều cán bộ bảo tàng còn gọi đùa đây là “nhà tù”, nơi đang giam giữ khoảng 32 hiện vật, tài liệu. Đặc biệt trong số này có đến 3 bảo vật quốc gia được đánh giá rất cao về các giá trị . Tuy nhiên, các hiện vật này lại đang được bảo quản sai quy định.

“Vừa rồi có đoàn hội đồng khoa học di sản quốc gia với 25 giáo sư, tiến sỹ đến Nghệ An để kiểm tra và họ cười Nghệ An về công tác bảo quản”, ông Hồ Mậu Thanh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao kể trong một cuộc họp được tổ chức mới đây. “Trong khi làm việc với hội đồng khoa học, họ gợi ý muốn xem các bảo vật quốc gia. Tôi liền bưng ra một cái khay đựng 3 bảo vật, cả hội đồng lập tức cười ồ lên. Các giáo sư này nói rằng, họ tưởng tôi phải dẫn họ và một nhà kho có cả tủ bảo vệ giá trị đến 10 tỷ đồng, rồi có chuông báo động, hệ thống điện từ… . Không ngờ tôi lại mang ra”.

Nghệ An hiện có đến 3 bảo vật quốc gia đang được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An gồm Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (niên đại khoảng thế kỷ VII, VIII), Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi (niên đại cách đây khoảng 2000 đến 2500 năm) và Muôi đúc tượng voi (niên đại cách đây 2000 đến 2500 năm). Các bảo vật này được các chuyên gia đánh giá là có “giá trị vô giá”.

Theo quy định, phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, những bảo vật quốc gia mới được phép đưa ra khỏi kho. Luật Di sản văn hóa cũng nêu rõ “bảo vật quốc gia phải được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Trong đó, chúng phải được bảo quản trong tủ kính cường lực chuyên dụng, đảm bảo được các yếu tố về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm thích hợp để duy trì được hiện trạng hiện vật lâu dài và phải đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối, đề phòng trường hợp bị đánh cắp.

Tuy nhiên, hiện nay 3 bảo vật quốc gia ở Nghệ An vẫn chưa có chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt nào. Chúng chỉ được lưu giữ trong các hộp kim loại bình thường, chưa đảm bảo được các yếu tố cần thiết về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…. Chính vì thế, các hiện vật đều đang trong tình trạng bị rỉ sét, ăn mòn.

Với gần 32.000 hiện vật, tài liệu, so với bảo tàng của các tỉnh khác, Nghệ An có số lượng hiện vật rất lớn. Tuy nhiên, cũng chỉ vì dự án trưng bày nội, ngoại thất 10 năm làm chưa xong, những cổ vật này đến nay vẫn phải lưu giữ trong 11 phòng của căn nhà kho cũ kỹ. Nhà kho này được xây dựng từ năm 1993, với diện tích sử dụng khoảng 500m². Nhà kho đã trải qua rất nhiều lần tu sửa vì dột nát, cải tạo nền nhà vì ẩm mốc.

Theo chân chị Hoàng Thị Minh – Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản, đến từng phòng, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những bất cập trong công tác bảo quản cổ vật ở Nghệ An.

Phần lớn các phòng đều nằm trên tầng 2 của tòa nhà. Khu vực này được bảo vệ bởi một lớp cửa sắt đã rỉ sét. Các phòng được phân loại thành những kho hiện vật khảo cổ; kho hiện vật quý hiếm; kho hiện vật chất liệu gỗ; kho hiện vật chất liệu vải; kho hiện vật chống Pháp và chống Mỹ; kho hiện vật các dân tộc – phim ảnh, tài liệu. Tuy nhiên, do nhà kho quá tải, nhiều hiện vật phải xếp chồng lên nhau, một số lại đặt ngổn ngang dưới nền nhà.

“Các hiện vật là trang phục do không được treo lên để trưng bày hoặc làm khung mà chỉ gấp xếp vào tủ nên theo thời gian bị gãy, mục nát. Tài liệu phim ảnh thì bị dính vào nhau. Nhiều vật bằng kim loại thì hoen rỉ…”, chị Minh than thở trong lúc dẫn chúng tôi vào từng nhà kho. Nhiều bức tranh thêu quý hiếm như tranh Phú quý trường xuân, tranh Phúc lộc thọ, tranh liên áp… cũng lâm vào cảnh tương tự.

Hiện nay, theo quy định việc bảo quản tài liệu, hiện vật được thực hiện theo 2 phương thức: Bảo quản phòng ngừa, tức làm chậm quá trình xuống cấp hoặc phòng tránh rủi ro gây hư hại hiện vật và bảo quản trị liệu, tức xử lý bảo quản và phục hồi các hiện vật bị hư hỏng, xuống cấp bằng cách dùng chất liệu, dung môi can thiệp trực tiếp lên hiện vật. Tuy nhiên, hiện Bảo tàng Nghệ An chỉ mới thực hiện được các công tác bảo quản phòng ngừa đơn giản bằng cách hàng ngày mở cửa các phòng kho cho thoáng gió; làm vệ sinh lau bụi hiện vật; dùng hóa chất sillicagen, vôi bột đặt vào các tủ, kệ để hạn chế độ ẩm, ngăn ngừa nấm mốc phát triển…. Vì thế mà các cổ vật ở đây hiện đang trong tình trạng báo động. Các tiêu bản động vật như đã hư hỏng hoàn toàn; hiện vật bằng phim ảnh thì bị mờ, dính vào nhau không còn sử dụng được do không có tủ kính….

Trong khi đó, các hiện vật ngoài trời như máy bay, tên lửa… do không có mái che nên hiện đã bị mưa nắng làm cho rỉ sét, hư hại nghiêm trọng.

Trong khi các cổ vật đang dần hư hại với tốc độ “chóng mặt” thì phần lớn trang thiết bị, phương tiện bảo quản ở nhà kho này đã bị xuống cấp, không còn giá trị sử dụng hoặc hư hỏng. Bảo tàng có tất cả 16 tủ đựng tài liệu, hiện vật thì chỉ còn 4 tủ còn nguyên vẹn. Số còn lại, cái thì bị hỏng khóa, cái thì bị hỏng cánh, hỏng bánh xe…. Phần lớn giá, kệ hiện vật cũng đã bị rỉ sét do quá cũ, hết giá trị sử dụng; Hòm sắt thì bị ô xy hóa, cũ kỹ….

Ngoài ra, mặc dù bảo tàng đã trang bị 8 máy hút ẩm nhưng những máy này loại nhỏ, dung tích ít và phải đổ nước sau mỗi lần hút nên không phù hợp sử dụng trong kho. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống báo cháy, báo trộm được cấp từ khoảng 20 năm trước nên đã quá niên hạn sử dụng, bị hư hỏng nặng.  Đặc biệt, hệ thống báo cháy, báo trộm đã không thể sử dụng.

Với chức năng chính là trưng bày và bảo quản nhưng trên thực tế, cả 2 nhiệm vụ này hiện vẫn còn nhiều bất cập ở Bảo tàng Nghệ An nếu không muốn là bị lãng quên. Trong khi dự án trưng bày chây ì suốt nhiều năm thì hàng chục nghìn cổ vật đang dần bị “chết mòn” trong những căn phòng đầy ẩm mốc. Bảo tàng lâu nay vẫn được các địa phương xem như là bộ mặt văn hóa, xã hội của cả tỉnh, nhưng có vẻ “bộ mặt” này ở Nghệ An đang quá lấm lem bùn đất vì lâu ngày không được cọ rửa.

03 cổ vật ở Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2017. 3 hiện vật nói trên đều có giá trị văn hoá – lịch sử quý hiếm. Đặc biệt Hộp đựng Xá lị Tháp Nhạn được tìm thấy trong quá trình khai quật di chỉ Tháp Nhạn (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn). Theo các tài liệu có ở Bảo tàng Nghệ An, niên đại của Tháp Nhạn được xây dựng vào thời Đường, nửa đầu thế kỷ VII. Việc khai quật được Xá lị Đức Phật Thích ca tại đây đã cho thấy lịch sử Phật giáo có mặt ở Nghệ An khá sớm.

Theo ông Nguyễn Đức Kiếm, hiện nay Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ở liền kề nhau trong khu vực Thành cổ Vinh. Giải pháp trước tiên để phát triển bảo tàng là cần sớm có đề án sáp nhập hai bảo tàng và lấy tên chung là Bảo tàng Nghệ An. Trên cơ sở đó có sự đầu tư về nguồn lực để hoàn thành hệ thống trưng bày nội – ngoại thất cũng như toàn bộ cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị, nhà kho….

Ông Kiếm cũng cho rằng, đồng thời phải quy hoạch Thành cổ Vinh trở thành công viên thành phố, tiến hành di dời toàn bộ cư dân và các cơ quan, chỉ để lại bảo tàng trong Thành cổ. Trong toàn bộ khu vực thành sẽ được “công viên hóa di tích”, “bảo tàng hóa di tích”, bằng cách chia từng khu vực. Khu vực tượng đài xô viết, khu vực lưu niệm Bác Hồ về thăm quê….

“Thực tế đã chứng minh các bảo tàng thu hút được công chúng là nhờ có những không gian đặc thù với các hoạt động dịch vụ phong phú như tổ chức dịch vụ ăn uống; nghỉ ngơi giải trí’ tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, phát triển sản phẩm văn hóa du lịch…. Một bảo tàng được coi là năng động và tổ chức hoạt động có hiệu quả thì không thể không có không gian đặc thù nêu trên”, người đứng đầu Bảo tàng Nghệ An nêu quan điểm. Ông Kiếm cũng hy vọng, sau khi sáp nhập, khi phần trưng bày cố định đã hoàn thành Bảo tàng Nghệ An sẽ có đủ điều kiện bổ sung các không gian đặc thù vào cơ cấu không gian chung của bảo tàng.

Trong khi đó, bà Lê Thu Hiền – Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh lại có quan điểm ngược lại. “Quan điểm của tôi là không nên sáp nhập. Chúng tôi muốn giữ bảo tàng này”, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho hay, cũng vì vấn đề nhùng nhằng giữa việc “sáp nhập hay không sáp nhập” mà đơn vị hiện đang thiếu người so với biên chế được giao, tuy nhiên vẫn không được phép tuyển thêm. “Bảo tàng chúng tôi chỉ là bảo tàng chuyên đề về sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh. Nó chỉ kéo dài 2 năm. Nếu sáp nhập lại, so với Bảo tàng Nghệ An có tiến trình hàng nghìn năm thì quá nhỏ bé. Như vậy không hợp lý”, bà Hiền nói.